TP.HCM hướng dẫn chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022

0
987

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông về chuẩn bị việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2021-2022.

Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kỹ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (ngày 26/12/2018) của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

Ngoài ra, trường học cần phổ biến các clip do Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản cung cấp, thông tư 25 của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các văn bản liên quan, tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP cũng như SGK lớp 1, 2 và 6 đã được các nhà xuất bản cung cấp theo danh mục Bộ GD-ĐT phê duyệt hoặc bản mẫu SGK được đăng tải trên trang thông tin của các nhà xuất bản để lấy ý kiến giáo viên.

TP.HCM hướng dẫn chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022

Sau khi nghiên cứu các nội dung trên, cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh chuẩn bị ý kiến để tham gia thảo luận trong cuộc họp tổ chuyên môn và cuộc họp lựa chọn SGK của trường.

Điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1

Riêng với việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1, Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận, huyện báo cáo tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

Các cơ sở giáo dục phổ thông có nhiệm vụ tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và gửi ý kiến bằng văn bản về phòng GD-ĐT, chậm nhất ngày 15/1/2021.

Theo đó, việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 được thực hiện như việc đề xuất lựa chọn SGK, gồm 3 bước:

Bước 1: Tổ chuyên môn cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK.

Bước 2: Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức họp với người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, báo cáo về phòng GD-ĐT quận, huyện danh mục SGK do cơ sở GD phổ thông đề xuất lựa chọn.

Bước 3: Phòng GD-ĐT quận, huyện tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT danh mục SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng lưu ý, phòng GD-ĐT quận, huyện tham mưu cho UBND quận, huyện về kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức đề xuất lựa chọn SGK, trong đó có tính đến kinh phí cho SGK dự phòng và sách dùng chung ở thư viện.