Trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ, theo từng cấp học

0
986
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảoBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo

Thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển

Theo Bộ trưởng, với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định, chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục;

Theo Bộ trưởng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới, với những đột phá về công nghệ, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và kinh doanh, kéo theo hàng loạt những thay đổi về mô hình tổ chức, quản lý và dịch vụ, cơ cấu ngành nghề lao động.

Trong các chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ đều nhấn mạnh đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới. Bộ trưởng viện dẫn: Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai.

“Thực hiện tốt chuyển đổi số ngành GD-ĐT sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới” – Bộ trưởng trao đổi.

Toàn cảnh hội thảo

Tạo ra những công dân Việt Nam toàn cầu

Theo Bộ trưởng, chúng ta muốn đi xa và chắc chắn thì phải trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ, theo các cấp bậc học. Hiệu quả kết nối, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu chúng ta phải rà soát, xây dựng chuẩn kỹ năng số cho các cấp bậc học. Mới đây Bộ trưởng các nước ASEAN đã rất thống nhất nội dung này. Việt Nam là một trong những nước hàng đầu, tiên phong trong việc chuẩn hoá các kỹ năng chuyển đổi số.

Khẳng định, ngành Giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã thống nhất rất cao với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan, cũng như các tập đoàn công nghệ.

“Hội nghị hôm nay rất đặc biệt khi có lãnh đạo các Bộ ngành, các tập đoàn công nghệ hàng đầu cùng tham dự. Đây là lời cam kết quan trọng, đảm bảo mục tiêu của ngành Giáo dục cố gắng phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Chúng ta làm tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng GD-ĐT mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động; tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT coi là đột phá trong những năm tới đây” – Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết:

Không phải bây giờ mới ban hành nhiệm vụ này, mà trước đó ngành Giáo dục đã cùng ngành Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ thực hiện chuyển đổi số rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Dịch Covid-19 tạo ra nhiều áp lực, nhưng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy – học trực tuyến. Kết quả của việc dạy – học trực tuyến trong dịp Covid-19 được đánh giá tốt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội thảo

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Trước hết, phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GD-ĐT, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó.

Trên cơ sở nền tảng thống nhất đó, ngành Giáo dục rất cần cơ sở dữ liệu. Vừa rồi, ngành Giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, HSSV… Đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để hiệu quả tăng cao.

Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất; qua đó công cuộc học tập nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời của người dân sẽ hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị gia tăng lớn.

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại đã tạo cơ hội cho mọi người hỗ trợ, chia sẻ thông tin rất tốt. Rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, thiết bị, mô phỏng rất nhanh, hiệu quả, kết nối không chỉ trong nước mà là toàn cầu.

“Bộ GD&ĐT xác định rất rõ tầm quan trọng của kho học liệu số này và việc mọi người cùng có trách nhiệm tham gia đóng góp, chia sẻ vào hệ tri thức số hoá” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, ngành Giáo dục ý thức rằng, phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường ĐH rà soát, mở mã ngành chưa có trong truyền thống để phục vụ ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.Về gián tiếp, chúng ta thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để từng công dân được tiếp cận, làm quen và từng bước rèn luyện bài bản.

“Hy vọng chúng ta sẽ có những thế hệ tốt về kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, ngoại ngữ để tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới. Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT; qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Theo Báo Giáo dục và đào tạo