Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi vai trò giảng viên thật

0
1154

AI (trí tuệ nhân tạo) là nền tảng cơ bản tạo nên CM công nghiệp 4.0. AI Chatbot là nền tảng đổi mới giáo dục và có thể thu thập thông tin về sở thích, thói quen, phương pháp học của sinh viên.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi vai trò giảng viên thật - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Chatbot có thể hiểu là chương trình máy tính dựa trên AI mô phỏng các cuộc hội thoại của con người (Ảnh – Internet)

Lợi thế của giáo dục Đại học Việt Nam trong CMCN 4.0

Việt Nam là nước đang phát triển, tuy còn nhiều ngành lạc hậu so với thế giới nhưng riêng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ  4 (CMCN 4.0) lại là nước đi đầu, vì sao?.  Về địa lý, nếu xem thế giới là ngôi nhà, thì Việt Nam là “mặt tiền” của ngôi nhà đó.

Trên nền tảng 4.0, sơ đồ hạ tầng của công nghệ thông tin toàn cầu, mọi đường đi của thông tin trên thế giới chạy “loạn xạ” khắp nơi nhưng đều đi qua một cái HUB (Bộ chia mạng hay là cổng giao dịch) Việt Nam.

Do đó tất cả mọi công nghệ thông tin trên thế giới đều đổ dồn vào Việt Nam, mọi thông tin trên internet đều di chuyển chạy qua Việt Nam trước khi đi đến địa chỉ cần đến.

Đây là một lợi thế tuyệt vời của Việt Nam mà không có nước nào trên thế giới có được. Vì vậy  Việt Nam là điểm đến,  được gọi là nơi trung tâm mới trong 4.0. Mọi công nghệ như Uber, Grab Food, Grab Bike khi đưa vào Việt Nam đều phát triển nhanh chóng hơn các nước khác như Philippin, Malaysia…

Kinh doanh giáo dục và mô hình giảng viên toàn cầu

Về địa lý không gian toàn cầu, giữa các Quốc gia là các đường biên giới, nên khi chưa có internet, muốn đi từ nước này đến nước khác phải có hộ chiếu. Muốn chuyển thông tin ấn phẩm từ nước này qua nước khác phải thông qua đủ các cơ quan  từ trung ương đến cửa khẩu.

Còn khi  đi vào 4.0, nhờ kết nối internet, cả thế giới, mọi Quốc gia trở thành ngôi nhà nhỏ. Đã sống trong 4.0 phải nghĩ đến toàn cầu hóa, phải thay đổi  từ  tư duy trong “ao làng” sang tư duy trong “biển cả”.

Nhờ công nghệ OTT (Over-The-Top,  dịch vụ gia tăng trên nền internet) phủ sóng toàn cầu, chỉ cần livestream bài giảng của một giáo sư  Việt Nam uyên bác và đưa lên internet, mọi sinh viên trên toàn thế giới sẽ được nghe và tương tác với bài giảng của giáo sư.

Nếu muốn kinh doanh giáo dục Đại học, mọi sinh viên trên thế giới  muốn tham gia vào lớp học chỉ nộp 1 USD, nếu bài giảng của giáo sư uyên bác  có 1 triệu sinh viên trên thế giới bấm nút tham dự, giáo sư đó sẽ thu được 1 triệu USD. Điều này không phải là giấc mơ mà hoàn toàn khả thi trong CMCN 4.0.

Giảng viên ảo hỗ trợ giảng viên thật

AI (trí tuệ nhân tạo) được xem là nền tảng cơ bản tạo nên CMCN 4.0. AI Chatbot là nền tảng đổi mới giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, AI Chatbot có thể thu thập thông tin  về  sở thích, thói quen và phương pháp học của sinh viên.

Thậm chí AI Chatbot có thể thu thập các lỗi sai thường gặp trong một điểm ngữ pháp cụ thể của người họ để điều chỉnh nội dung bài dạy và giao bài tập online cho từng cá nhân sinh viên, hoặc nhóm sinh viên thông qua platform MyELT. Nhờ AI Chatbot, giáo dục Đại học 4.0 sẽ hướng tới mỗi sinh viên  một chương trình, giáo dục cho một người (Education of One).

Cần phân biệt 2 khái niệm mới. Giảng viên thật là người thật đi dạy, giảng viên ảo là do AI chatbot tạo ra  để hỗ trợ giảng viên thật.  Để xây dựng giảng viên ảo không cần phải biết lập trình quá sâu cũng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm  bằng các thao thác tự nhiên nhất.

Giảng viên ảo được thiết kế để trả lời các câu hỏi mà sinh viên thường hỏi như kế hoạch bài học, mô-đun khóa học, bài tập và thời hạn của họ. Giảng viên ảo có thể theo dõi tiến độ học tập của sinh viên, cung cấp cho từng sinh viên những phản hồi được cá nhân hóa.  Có thể giới thiệu cho sinh viên những nội dung học tập phù hợp hơn bằng cách phân tích những kỹ năng học tập và những điểm còn thiếu sót của họ.

Giảng viên ảo sẽ được sử dụng qua 2 mảng khác nhau, nhưng liên kết với nhau: 1 chatbot và 1 kênh video. Việc sử dụng chatbot sẽ giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như đặt câu hỏi liên quan đến bài học cho chatbot, người dùng sẽ có được thông tin chính xác, trong thời gian ngắn nhất. Sự linh hoạt, hấp dẫn hơn với cách học online truyền thống (trực tiếp hoặc gián tiếp) là rất rõ ràng.

Mô hình mới giảng viên đại học và đổi mới phương pháp dạy học trong CMCN 4.0

Giảng viên ảo sẽ giúp giảng viên thật rất nhiều công việc đơn giản nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian như truyền thụ kiến thức, chấm điểm, hướng dẫn sinh viên giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của sinh viên… Trong tương lai, AI Chatbot sẽ làm thay đổi cách nhà trường tìm kiếm, tiếp cận, tuyển sinh và đào tạo người học theo dữ liệu thu được.

Phải khẳng định nhất quán rằng, giảng viên ảo không bao giờ thay thế giảng viên thật có kinh nghiệm, nó chỉ làm nhiệm vụ là hỗ trợ giảng viên thật. Tuy nhiên nếu giảng viên thật không có tính sáng tạo trong dạy học, bài giảng đơn điệu … sẽ bị giảng viên ảo thay thế.

Khi xuất hiện giảng viên ảo thì vị thế và công việc  của giảng viên thật cũng như phương pháp giảng dạy cũng thay đổi về chất.

Trước hết, nhờ công nghệ AI Chatbot,  những giảng viên thật có chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt sẽ trở thành người dạy giảng viên ảo những kiến thức chuẩn để giảng viên ảo  truyền đạt kiến thức đó đến với sinh viên, từ đó công việc giảng viên thật trên lớp sẽ thay đổi về chất.

Giảng viên Đại học trở thành người dạy giảng viên ảo và trên lớp truyền thống, giảng viên thật không còn là người truyền thụ kiến thức mà trở thành người truyền cảm hứng cho sinh viên.

Nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI và giảng viên ảo, phương pháp giảng dạy bậc đại học sẽ thay đổi hoàn toàn. Lý luận & Phương pháp giảng dạy mới không xây dựng trên nền tảng lý luận dạy học hàn lâm cũ mà dựa trên tốc độ phát triển công nghệ AI theo hướng cá nhân hóa đến từng sinh viên.

Đây là hướng nghiên cứu mới đầy triển vọng trong CMCN 4.0.  Có thể so sánh như sau: nếu lý luận day học truyền thống hàn lâm là chiếc đèn dầu (dùng bằng nhiên liệu dầu hỏa thắp sáng) thì lý luận và phương pháp dạy học dựa trên AI là chiếc đèn điện (sử dụng điện năng thắp sáng).

Cùng là phương tiện chiếu sáng nhưng bản chất bên trong là khác nhau, dẫn đến mục tiêu đối tượng nghiên cứu sẽ khác nhau. Đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua việc ứng dụng thành tựu của AI chatbot  sẽ  biến giờ giảng của giảng viên thật  trở nên hấp dẫn, sinh động, người học trở nên hứng thú  với không gian mở của lớp học gần như là vô tận.

Công nghệ AI Chatbot tạo nên giảng viên ảo, đã mang đến những điều kiện rất thuận lợi cho việc học tập. Giúp thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho người học và người dạy. Nhà giáo (giảng viên thật) chuyển từ người thuyết giảng sang nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện, giúp người học phát triển năng lực hữu ích.

Bài báo nêu lên những lợi ích và ứng dụng của AI chatbot trong giáo dục và khẳng định, ứng dụng công nghệ AI Chatbot vào đổi mới phương pháp dạy học bậc Đại học là cần thiết.

Theo Báo Dân Trí