Tự chủ đại học: Ai muốn xóa bỏ rào cản, ai muốn an toàn?

0
1365

Tự chủ chính là chìa khóa để giáo dục đại học thực sự thay đổi, nhưng làm thế nào để giáo dục đại học thực sự tự chủ là câu hỏi nhức nhối nhiều năm nay.

Tự chủ đại học: Ai muốn xóa bỏ rào cản, ai muốn an toàn? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (giữa) tham gia hội thảo – Ảnh: Bộ GD-ĐT

Ngày 27-11, Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học – Từ chính sách đến thực tiễn”.

Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2015 – 2020, khối 23 trường thực hiện tự chủ đại học đã có tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ tăng gần 10%, tỉ lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%. Số chương trình đào tạo của các trường được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc. Tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần).

“Dù bây giờ nhận thức, luật pháp, giáo dục đại học đã khá hơn, nhưng chưa thể hài lòng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc bởi hành lang pháp lý, chia các cơ sở giáo dục thành hai nhóm. Một nhóm muốn an toàn vẫn muốn dựa vào cơ quan chủ quản, còn nhóm khác muốn cơ quan chủ quản trả lại quyền tự chủ để họ phát huy tự chủ (trường hợp này đôi khi xảy ra xung đột lợi ích).

Tự chủ đại học: Ai muốn xóa bỏ rào cản, ai muốn an toàn? - Ảnh 2.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Bộ GD-ĐT

Theo GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, “điều này đòi hỏi Nhà nước phải giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và các cơ sở giáo dục đại học một cách căn cơ, để các trường từng bước tự chủ, buộc phải ‘trưởng thành’, tự tin bước trên con đường tự chủ vì đã được pháp luật bảo vệ”.

Tại cuộc hội thảo, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là làm thế nào để các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ thực sự. Tự chủ đại học hiện nay vẫn chưa thực sự được phát huy tối đa.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đánh giá thiết chế hội đồng trường hiện nay mới chỉ mang tính hình thức (do luật pháp chưa đầy đủ).

“Việc tự chủ của các trường phải tuân thủ quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường. Vì vậy, trên thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học vẫn ít được trải nghiệm trong việc tự điều hành hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt bởi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với các cơ sở giáo dục đại học cả trong vấn đề chuyên môn, học thuật cho tới tổ chức, nhân sự và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong nhà trường.

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu đồng bộ”, ông Thắng cho hay.

Còn theo ông Trần Đức Viên, “hội đồng trường đang thiếu không gian để hoạt động, do đó cần trao quyền lực thật sự cho hội đồng trường, còn không chấp nhận thì hội đồng trường chỉ là tổ chức mang tính biểu tượng, tức hình thức”.

Để thực hiện được tự chủ về chuyên môn, học thuật, các mặt hoạt động khác của trường đại học như tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính… cũng phải thay đổi theo. Luật cũng đã quy định cơ chế tự chủ đối với các lĩnh vực hoạt động này.

Tuy nhiên, các vấn đề về nhân sự, tài chính, tài sản… còn liên quan tới các quy định khác của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, nên trong quá trình thực hiện còn đôi chỗ chưa được nhận thức đúng và triển khai chưa đồng bộ do hệ thống các quy định về vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, tài sản… chưa hoàn chỉnh, chưa nhất quán với quy định của Luật giáo dục đại học.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam đang bị phân mảnh trên nhiều bình diện, có nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các cơ chế giải trình chưa hoàn thiện, các kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế, quản lý nhân sự học thuật bất cập.

Ông Christophe Lemiere, quản lý Chương trình Phát triển con người tại văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá giáo dục đại học ở Việt Nam có tỉ lệ huy động nguồn lực công thấp và quá phụ thuộc vào học phí dẫn đến không bền vững.

Hiện nay nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học có 80% đến từ học phí, thu từ nghiên cứu và các nguồn thu nhập khác rất thấp, trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm mạnh.

Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực công của Việt Nam cho giáo dục chỉ tầm 5% GDP, rất thấp so với các nước châu Á (trong đó chỉ dành 0,33% cho giáo dục đại học).

Theo Báo Tuổi Trẻ