Thể chế về tự do học thuật không chỉ dừng ở các quy định pháp luật mà còn ở chính sách đồng bộ của Nhà nước và quyết tâm của các trường đại học.
Trong bài viết về “Quyền tự do học thuật trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam“, TS. Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có phân tích sâu sắc về vấn đề quan trọng này trong thực hiện tự chủ đại học tại Việt Nam.
Theo TS. Bùi Tiến Đạt, tự chủ học thuật ở Việt Nam cần thực sự hướng tới quan niệm về tự do học thuật phổ biến trên thế giới nhằm phát triển giáo dục nói chung giáo dục đại học nói riêng hướng tới trình độ khu vực và thế giới.
Dưới góc độ pháp lý, tự do học thuật cần được tiếp cận là một bộ phận của quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Thể chế về tự do học thuật không chỉ dừng ở các quy định pháp luật mà còn ở chính sách đồng bộ của Nhà nước và quyết tâm của các trường đại học.
Đại học đạt đẳng cấp quốc tế nếu được tự chủ thực sự
TS. Bùi Tiến Đạt cho rằng, tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục. Tự do học thuật giúp giải phóng con người. Như cố GS Hoàng Tụy đã phân tích trong Đề cương Cải cách giáo dục của ông, lịch sử châu Âu cho thấy chỉ khi nhà trường được độc lập (tách khỏi nhà thờ), con người mới biến đổi từ con người công cụ thành con người tự do. Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.
Công cuộc cải cách giáo dục đại học chỉ có thể thành công và các đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh khi quyền tự do học thuật được đảm bảo theo những chuẩn mực chung của những nơi đã sản sinh các đại học hàng đầu thế giới. Tự do học thuật cần được đảm bảo mạnh mẽ nhất ở giáo dục đại học.
Các trường đại học, dù là công hay tư, chỉ có thể đạt được đẳng cấp quốc tế nếu được tự chủ thực sự. Mà một trong những yếu tố quan trọng của tự chủ đại học là sự tự chủ trong việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức.
Đối với giảng viên, họ cần được đảm bảo bằng chế độ làm việc ổn định như hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, họ có thể nghiên cứu và thảo luận những vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi mà không bị phân biệt đối xử hay trù dập.
Cơ chế này đảm bảo cho giảng viên sự chuyên tâm cũng như tự do giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ bị mất việc. Ngoài ra, hệ thống thư viện, tài liệu, thiết bị nghiên cứu – giảng dạy phải tạo sự thuận tiện cho giảng viên, sinh viên, thậm chí cả công chúng, tiếp cận và sử dụng. Sinh viên được linh hoạt lựa chọn khóa học, môn học, giảng viên.
Kinh nghiệm ở Australia cho thấy ngay cả ở những đại học hàng đầu thế giới, quyền của giảng viên cũng dễ bị xâm phạm. Năm 2008, Đại học Melbourne tuyên bố rằng Paul Mees, một giảng viên, có thể bị cắt giảm lương và hạ chức vụ nếu ông ta phê phán mạnh mẽ các tác giả của một báo cáo về tư nhân hóa.
Năm 2005, Andrew Fraser, giảng viên Đại học Macquarie, tố cáo Đại học Deakin đã xâm phạm quyền tự do học thuật bằng cách chỉ đạo cho tạp chí luật của trường không đăng bài báo của Fraser ủng hộ chính sách nước Australia da trắng.
Đây là những vấn đề đã gây rất nhiều tranh cãi. Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy giảng viên có thể bị sa thải nếu vi phạm nghiêm trọng pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhưng thủ tục xem xét rất cẩn trọng.
Cơ sở pháp lý bảo vệ quyền tự do học thuật ở Việt Nam
Mặc dù thuật ngữ “quyền tự do học thuật” không xuất hiện chính thức trong các văn bản pháp luật, pháp luật Việt Nam vẫn đã đặt nền tảng cho sự phát triển và bảo đảm tự do học thuật ở mức độ cao hơn, thông qua các văn bản như: Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục Đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Cho đến nay, “tự do học thuật” là một thuật ngữ không phổ biến trong pháp luật Việt Nam. Việt Nam nằm ngoài hơn 70 quốc gia có quy định về quyền tự do học thuật trong hiến pháp. Khi mới được ban hành, Luật Giáo dục Đại học 2012, mặc dù nhấn mạnh tự chủ đại học, cũng không đề cập về quyền tự do học thuật. Cho đến gần đây, sửa đổi, bổ sung năm 2018 của Luật này đã bổ sung điều khoản về quyền tự chủ học thuật của cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, góp phần nâng cao việc bảo đảm quyền tự do học thuật.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có “quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn” và giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội”. Cách diễn đạt này thể hiện tinh thần của quyền tự do học thuật.
Luật Giáo dục 2019 không có quy định nào trực tiếp liên quan đến tự do học thuật của nhà giáo nói chung. Như đã phân tích ở trên, quyền tự do học thuật chính là một phần của quyền tự do ngôn luận và cần được bảo vệ ở tất cả các cấp bậc trong hệ thống giáo dục.
Về Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) cũng đa nêu: Viên chức “được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao”. Quy định này phần nào thể hiện tinh thần tự do học thuật, mặc dù không sát như quy định của Luật Giáo dục Đại học.
Quyền tự do học thuật trong giáo dục đại học cần xác định rõ hơn
Tự do học thuật ở Việt Nam còn ít được quan tâm nghiên cứu và chú trọng đảm bảo trong thực tiễn. Trong các cuộc thảo luận về dự chủ đại học, “tự do học thuật vẫn là một khái niệm xa lạ và hiếm khi được nhắc đến”.
Một phần vì điều này mà giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều quốc gia Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm châu lục và thế giới. Có học giả đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng là “nếu thảo luận về tự chủ mà không bàn đến tự do học thuật sẽ là một khiếm khuyết lớn; tự chủ mà thiếu vắng tự do học thuật sớm muộn cũng bộc lộ hạn chế trong quá trình phát triển của đại học”.
Qua khảo sát chưa đầy đủ, TS Bùi Tiến Đạt cho rằng, rất ít đại học ở Việt Nam nêu rõ tự do học thuật là sứ mệnh hay giá trị cốt lõi của mình. Một trong số hiếm hoi đó là Đại học Quốc gia TPHCM, vốn được công nhận là một trong hai Đại học quốc gia với quyền tự chủ cao, xác định rõ mục tiêu “xây dựng môi trường sáng tạo khoa học, tự do học thuật” trong sứ mệnh của mình.
Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định tầm nhìn “trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao” nhưng không nêu rõ vấn đề tự do học thuật trong sáu giá trị cốt lõi của mình (Chất lượng cao; Sáng tạo; Tiên phong; Tích hợp; Trách nhiệm; Phát triển bền vững).
Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác định triết lý giáo dục “vì sự khai sáng cho nhân loại”, có mục tiêu trở thành “đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới” với “tiếp cận những gì mới nhất về học thuật và thực tiễn” nhưng cũng không khẳng định rõ về tự do học thuật.
Các đại học là kết quả của hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các Chính phủ khác vẫn duy trì truyền thống của các đại học tiên tiến trên thế giới bằng cách khẳng định rõ tự do học thuật là sứ mệnh hoặc giá trị cốt lõi.
Đại học Fulbright tuyên bố độc lập trong đó có tự do học thuật là giá trị cốt lõi (“Được xây dựng trên nguyên tắc tự chủ và tự do học thuật, Fulbright nhấn mạnh vào sự minh bạch và tôn trọng những ý kiến khác biệt”).
Đại học Việt Đức tuyên bố sứ mệnh “được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng sự tự do trong học thuật, thống nhất giữa giảng dạy, nghiên cứu và tự chủ về thể chế”. Đại học Việt Đức còn xác định rõ giá trị cơ bản của mình là tự do và độc lập trong nghiên cứu học thuật (“Chúng tôi tôn trọng các nguyên tắc của tự do học thuật. Giảng viên và các nhà nghiên cứu của trường được đảm bảo thể hiện sự độc lập trong nghiên cứu và tuân thủ các qui tắc thực hành khoa học”).
Hiện nay Luật Giáo dục đại học của Việt Nam đã ghi nhận vấn đề quyền tự chủ và vấn đề trách nhiệm giải trình. Theo GS. Lâm Quang Thiệp, “quyền tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình” là mô hình tự chủ Việt Nam nên theo đuổi.
Quan niệm về tự do học thuật có liên quan nhưng không đồng nhất với khái niệm tự chủ đại học. Hai vấn đề này đan xen lẫn nhau.
Quyền tự do học thuật là quyền của nhà giáo của mọi cấp bậc giáo dục và nói rộng ra là quyền của mỗi cá nhân, tổ chức giáo dục, nghiên cứu chứ không chỉ gắn với đại học. Rất tiếc, tự do học thuật chủ yếu gắn với cơ sở đào tạo theo pháp luật Việt Nam. Luật Giáo dục đại học quy định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là quyền và trách nhiệm của “cơ sở giáo dục đại học”.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định lại vấn đề cốt lõi về tự chủ đại học ở Việt Nam là “cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình”. Đáng lưu ý, Nghị định 99/2019 giải thích rõ hơn quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục đại học.
TS. Bùi Tiến Đạt cho rằng, tự do học thuật nếu được tiếp cận như một quyền sẽ là một phần của quyền tự do ngôn luận vốn đã được luật nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Việt Nam ghi nhận. Giống như phần lớn các quyền hiến định khác, tự do học thuật không phải là quyền tuyệt đối mà là một quyền tương đối, tức là có thể bị giới hạn trong những hoàn cảnh nhất định.
Theo Nghị định 99/2019, quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục đại học phải “bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới, không có nội dung truyền bá tôn giáo”.
Đối với giảng viên, Luật Giáo dục đại học quy định giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học” nhưng phải “trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội“. Trên cơ sở hai quy định chung giới hạn quyền tự chủ học thuật này, các điều khoản khác của hai văn bản vừa nêu cũng như rải rác nhiều văn bản pháp luật khác sẽ xác định rõ hơn những giới hạn trong các trường hợp cụ thể.
Xây dựng khung pháp lý cho tự do học thuật
TS. Bùi Tiến Đạt khuyến nghị, trước hết, Nhà nước cần có chính sách ủng hộ, thúc đẩy và bảo đảm tự do học thuật như là giá trị cốt lõi của tự chủ đại học. Bên cạnh đó, chính “các trường đại học cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế cho phép và khuyến khích tự do học thuật như là một khía cạnh của tự chủ đại học để phát huy tốt nội lực của đội ngũ giảng viên”.
Tiếp theo, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý tốt cho tự chủ đại học và tự do học thuật. Việc xây dựng riêng một Luật về giáo dục đại học là phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, xét riêng về các giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập cũng thấy những điểm đặc thù. Họ là viên chức, công chức nên pháp luật điều chỉnh hoạt động của họ có sự kết hợp giữa Luật Giáo dục đại học và Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức.
Giảng viên đại học công vừa có những quyền và nghĩa vụ chung của giảng viên theo pháp luật về giáo dục đại học, vừa có thêm những quyền và nghĩa vụ đặc thù của pháp luật về công chức, viên chức.
Việc xây dựng khung pháp lý cho tự chủ đại học và tự do học thuật cần hướng tới sự bình đẳng giữa giảng viên của hai khu vực đại học công và đại học tư.
Trên thực tế hiện nay, tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên chỉ ra rằng trong khu vực đại học công lập, các quy định tự chủ đại học trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau (Luật Giáo dục đại học, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, v.v…) có thể chưa thực sự đảm bảo và thậm chí gây cản trở các trường trong việc thực hiện tự chủ.
Trong tài liệu Khuyến nghị về vai trò của giảng viên đại học của UNESCO, tự do học thuật được phân tích ở sáu khía cạnh:
1.Tự chủ của tổ chức;
2. Trách nhiệm giải trình của tổ chức;
3. Quyền và tự do cá nhân;
4. Tự quản trị và quyền tham gia;
5. Nghĩa vụ và trách nhiệm của giảng viên;
6. Bảo đảm nghề nghiệp.