Vụ việc Y.N., nữ sinh lớp 10 (Nghệ An), nghi đã tự tử do bạo lực học đường đang làm dư luận nhói lòng. Làm sao để bảo vệ con trẻ trước nạn bạo lực học đường?
Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý.
PGS.TS Trần Thành Nam – giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam – cho rằng một học sinh nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho các em.
Thiết lập quy trình an toàn 24/24
Sau khi trẻ thông báo với cha mẹ và nhà trường, các em cần được 2 nơi này kết hợp để có các biện pháp chấm dứt việc bị bạo hành, chứ không chỉ dừng lại ở việc “hứa sẽ xem xét sự việc. Sự chậm trễ sẽ khiến những đối tượng đang bạo hành tiếp tục tái diễn bắt nạt học sinh.
Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không?
Sau khi vụ việc bạo hành đã được học sinh tiết lộ rồi thì cần hỏi để biết tình hình các em có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?…
Còn theo bà Hoàng Thị Thu Nhiên – chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds, nữ sinh Y.N. đã có hành vi tự tử vì quan hệ với bạn bè là một quá trình, chứ không chỉ là mâu thuẫn tức thì.
Thường tỉ lệ các bạn nữ bị các bạn cùng lớp kỳ thị và cô lập sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần so với các bạn nam bị cô lập, bởi hướng giải quyết của các bạn trai thường khác. Đặc biệt các bạn gái nhạy cảm có chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp rất dễ bị buồn, tổn thương.