Tuyển sinh 2021: Giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT

0
1162
 Kỳ thi THPT quốc gia không còn, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT đã giảm nên mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường đại học (ĐH) quyết định giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức riêng của trường.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, tư vấn tuyển sinh cho thí sinh. Ảnh: FTU
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, tư vấn tuyển sinh cho thí sinh. Ảnh: FTU

Sau 4 năm dừng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội trở lại với kỳ thi này. Bài thi sẽ đi theo hướng phi truyền thống (không thi theo khối hay tổ hợp) nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT. Ngày 15/3 tới, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bài thi mẫu.Kỳ thi này hướng tới nhiều mục đích: đánh giá năng lực học sinh THPT để phân loại sau khi tốt nghiệp THPT; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; phục vụ công tác tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc ĐH; hướng nghiệp cho học sinh… Do đó, đề thi sẽ hướng tới 3 nhóm năng lực chính cần đánh giá gồm: sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ, khoa học (tự nhiên – xã hội).

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên thí sinh đăng ký dự thi tránh học tủ, học lệch, ôn luyện tại bất kỳ nơi nào,nên dành thời gian ôn tập lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tác phong, thái độ trước khi thi.Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những nhóm câu hỏi phù hợp với 3 nhóm năng lực, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020.

Năm nay, Trung tâm Khảo thí sẽ tổ chức nhiều đợt thi, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Thí sinh đăng ký trực tuyến đợt thi đầu tiên từ ngày 1/4. Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân; được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi. Năm 2021, kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được các trường thành viên  của ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng như một trong nhiều phương thức tuyển sinh.

Giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết, trường chưa phê duyệt Đề án tuyển sinh năm 2021,tuy nhiên, về chủ trương, trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020. Tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức dự kiến có điều chỉnh nhưng chênh lệch không đáng kể. Ví dụ, 45% chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và 55% chỉ tiêu dành cho phương thức tuyển sinh riêng của trường (năm 2020, tỷ lệ này là 50% – 50%). Bà Hương khẳng định, việc tổ chức phương thức xét tuyển riêng không ảnh hưởng nhiều tới xét tuyển theo kết quả thi THPT và nhà trường luôn thực hiện cam kết về chỉ tiêu xét tuyển đã công bố.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, năm 2021, trường cơ bản giữ 3 phương thức tuyển sinh như năm 2020. Tuy nhiên, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm từ 60% xuống còn 50%. Phần chỉ tiêu tăng lên dành cho phương thức xét tuyển kết hợp.

ĐH Đà Nẵng cũng vừa công bố phương án tuyển sinh 2021. Theo đó, vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2020, nhưng các cơ sở đào tạo thành viên sẽ mở rộng tuyển sinh riêng. Các cơ sở đào tạo thành viên ĐH Đà Nẵng giữ ổn định với 4 phương thức xét tuyển: theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; theo học bạ THPT; theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2021; theo phương thức tuyển sinh riêng của các trường thành viên. Với phương thức tuyển sinh riêng của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng cho phép các trường mở rộng đối tượng xét tuyển.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định, năm nay lấy kết quả bài kiểm tra tư duy thành một phương thức xét tuyển độc lập (năm 2020, phương thức này được kết hợp giữa kết quả bài kiểm tra tư duy và kết quả thi tốt nghiệp 1 trong 2 nhóm môn Toán – Lý hoặc Toán – Hóa). Chỉ tiêu của phương thức xét tuyển này tăng lên 30- 40%, trong khi chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT dự kiến giảm từ 50-72% xuống còn 50-60%.