Nhiều ý kiến nhận định mùa tuyển sinh đại học năm nay rối, phức tạp khiến không chỉ thí sinh, phụ huynh lo lắng mà các trường cũng bị động.
Những ý kiến này cũng cho rằng có thực tế trên là do Bộ giáo dục và đào tạo (Bộ GD-ĐT) đang “làm thay” việc tuyển sinh của các trường đại học.
Nhiều thủ tục phức tạp
Theo các chuyên gia, mùa tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT liên tục thay đổi về kỹ thuật xét tuyển.
“Nhiều nội dung các trường góp ý về dự thảo quy chế không được bộ tiếp thu và sau đó đã ban hành thành quy chế. Đó là chưa kể việc ban hành quy chế tuyển sinh năm chậm trễ, gây khó khăn cho các trường trong công tác tư vấn, thông tin đến thí sinh. Điều này dẫn đến các em không nắm bắt được rõ những quy định hoàn toàn mới mẻ về đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến” – một chuyên gia tuyển sinh không muốn nêu tên, phân tích.
Ngoài ra, một chuyên gia khác nhiều năm làm công tác tuyển sinh cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện quy chế được Bộ GD-ĐT ban hành sau khi phần lớn các trường đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và xét tuyển theo các phương thức khác từ đầu năm 2022. Theo chuyên gia này, Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định việc đăng ký xét tuyển năm nay được thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhưng thực tế để được tham gia xét tuyển, thí sinh phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp như: trước hết thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến (tháng 4 đến giữa tháng 5-2022); tiếp theo, thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại các trường (các phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực…); sau đó tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển tại trường bằng bất kỳ phương thức nào (đã đủ điều kiện trúng tuyển cũng phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lại trên hệ thống chung của bộ).
“Quy định trên khiến hàng ngàn thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT những năm trước) không có tài khoản để đăng nhập lên hệ thống để đăng ký nguyện vọng… Bộ GD-ĐT lại phải thay đổi quy định để tiếp tục mở hệ thống cho thí sinh tự do đăng ký. Rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm vẫn không nắm được thông tin này.
Đã vậy, phần mềm thanh toán lệ phí xét tuyển bị sự cố về kết nối, bộ tiếp tục chỉnh sửa quy trình xét tuyển đến giờ vẫn chưa xong, còn vài bước nữa, trong khi bộ lại liên tục thay đổi lịch và quy định đóng lệ phí xét tuyển trực tuyến khiến thí sinh không kịp nắm bắt thông tin” – vị này nói.
Không yên tâm
Dù Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong hai ngày 25 và 26-8 nhưng các trường vẫn không yên tâm. “Vì hiện nay phần mềm hỗ trợ xét tuyển của Bộ GD-ĐT vẫn còn đang chạy thử, chờ góp ý hoàn thiện, chưa biết khi vận hành với dữ liệu lớn, nhiều phương thức xét tuyển phức tạp có bảo đảm được mục tiêu lọc ảo chung cho tất cả phương thức được đặt ra lúc ban đầu hay có bị lỗi gì không” – trưởng phòng đào tạo một trường đại học lo lắng.
Ông Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng trong tuyển sinh, luật cho phép trường tuyển nhiều đợt với nhiều hình thức. Những năm gần đây, các trường đã tuyển sinh đồng thời theo nhiều phương thức khác nhau, có trường tuyển 7-8 phương thức đa dạng hình thức thi, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển…
“Các phương thức xét tuyển khác nhau thường có tỉ lệ nhập học khác nhau và phụ thuộc vào loại trường THPT. Đó là chưa kể số thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại chọn học cao đẳng, trung cấp, đi du học… không ai có thể nắm chính xác hết được số liệu. Do đó, phương án bộ đưa ra cũng không thể lọc ảo hết được”, ông Dũng khẳng định.
Không riêng ông Dũng, cán bộ tuyển sinh nhiều trường đều cho rằng việc chống ảo, lọc ảo trong tuyển sinh chính bản thân các trường phải tự xác định.
Cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường
Ông Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng việc quyết định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển không ai có thể lường trước hay tính thay trường được. Bộ GD-ĐT cần tôn trọng quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học được quy định tại Luật giáo dục đại học.
Rối vì thường xuyên thay đổi
Việc tuyển sinh đại học đang làm cho cả phụ huynh, học sinh, thậm chí cả giáo viên cũng rối, hồi hộp đến phút chót vì thường xuyên thay đổi.
Mọi thông tin liên quan đến tuyển sinh từ cách thức, số lần đăng ký, phương thức xác nhận nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển… dù đã có kế hoạch từ trước nhưng rồi đến phút cuối lại điều chỉnh vì nhiều lý do. Nếu không thường xuyên cập nhật thông tin trên báo chí, mạng xã hội Zalo, Facebook của các trường đại học thì chuyện cứ ngỡ là đã trúng tuyển nhưng hóa ra lại rớt là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Năm 2021, nếu thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển sớm của trường (xét tuyển học bạ THPT, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển…), thì đậu tốt nghiệp THPT là đã có kết quả trúng tuyển đại học, chỉ cần đợi đến ngày đi nhập học.
Nhưng năm 2022 cho dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải làm thêm một bước nữa là đăng ký trực tuyến lên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và chọn ngành học, phương thức đã trúng tuyển xếp ở nguyện vọng 1. Nếu không đăng ký lên Cổng thông tin hoặc đăng ký nhưng chưa thành công do một lỗi nào đó thì kết quả sẽ là không trúng tuyển, ngỡ là đậu nhưng cuối cùng lại rớt.
Các thí sinh tự do phải đăng ký để được cấp tài khoản rồi sau đó mới được đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung. Năm 2022 phức tạp hơn năm 2021 ở chỗ bên cạnh mã tổ hợp còn có 20 mã phương thức xét tuyển nên thí sinh cần phải nhập liệu chính xác mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp.
Cũng vì sự phức tạp năm đầu tiên áp dụng này nên Bộ GD-ĐT đã phải kéo dài thời gian đăng ký trên hệ thống thêm ba ngày. Bên cạnh đó Bộ GD-ĐT cũng lùi thời gian thí sinh thực hiện bước xác nhận số lượng và thứ tự nguyện vọng; nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến ba ngày so với kế hoạch ban đầu do sự cố kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến. Sự thay đổi liên tục này khiến thí sinh và phụ huynh mệt mỏi bởi sự chờ đợi sẽ càng thêm kéo dài.
Quy chế tuyển sinh thay đổi là để đảm bảo lợi ích của thí sinh nhưng nếu cứ thay đổi liên tục, gấp gáp thì lợi đâu chưa thấy nhưng rối thì thấy rồi.
Theo Báo Tuổi Trẻ