7 trường ĐH khối kỹ thuật gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Mỏ – Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Xây dựng đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện.
Theo đó, 7 trường ĐH trên sẽ phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho các trường tham gia mà còn tạo động lực phát triển cho toàn khối trường kỹ thuật và cả hệ thống giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết việc tuyển sinh riêng theo nhóm chưa được thực hiện ngay trong năm nay do các trường cần thêm thời gian để chuẩn bị.
Trước đó, nhiều trường ĐH khác cũng đã ký kết biên bản hợp tác đào tạo, mở ra nhiều ngành học triển vọng hứa hẹn thu hút được đông đảo thí sinh.
Cụ thể, Học viện An ninh Không gian số đầu tiên tại Việt Nam dự kiến ra mắt trong quý II/2021, sau thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết giữa Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) với Bkav. Với thỏa thuận này, Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông và Bkav sẽ hợp tác xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao về an toàn không gian số, định hướng đào tạo chuyên gia với chuyên môn chuyên sâu. Sinh viên sẽ được học lý thuyết, thực hành với các giảng viên và chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực, được thực hành trên các hệ thống diễn tập tiên tiến của Bkav cũng như trải nghiệm thực tế trong các kỳ thực tập tại các đơn vị cung cấp dịch vụ phòng chống tấn công và bảo đảm an ninh mạng trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – Bộ Công Thương, đưa ngành mới là QLTT vào đào đạo từ năm 2021. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho rằng trong thời gian qua, chưa có trường ĐH nào ở Việt Nam đào tạo chính quy chuyên ngành QLTT. Trước đây, hầu hết công chức QLTT đều được đào tạo ở những ngành khác nhau và làm việc theo kinh nghiệm, chưa thực sự chuyên sâu vào lĩnh vực này. 2 năm qua, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân xây dựng xong chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc ĐH chuyên ngành này.
PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, kỳ vọng đây sẽ là ngành học “hot” nhất của trường, cũng như các ngành Kinh doanh thương mại, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế…
Theo Báo Người lao động