Ngày 18/3, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non để lấy ý kiến. So với năm trước, năm nay có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép thí sinh xét tuyển đợt 1 chỉ được chọn một trong hai phương thức: đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện) theo quy định của sở GD&ĐT kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Khác những năm trước chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần, năm nay, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần. Mục tiêu của điều chỉnh này là tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Chính sách tuyển sinh cũng sẽ bắt nhịp quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh. Phương thức điều chỉnh nguyện vọng này chỉ áp dụng với thí sinh không bổ sung nguyện vọng. Với thí sinh thêm nguyện vọng, vẫn phải điều chỉnh trực tiếp và chỉ được điều chỉnh duy nhất 1 lần.
Một trong những điểm mới mà dự thảo đưa ra là điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo. Tức là, thí sinh diện đặt hàng và thí sinh bình thường của cùng một ngành học phải có điểm trúng tuyển như nhau. Trường hợp UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp THPT tại địa phương; cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của chương trình, ngành tuyển sinh. Một điểm nhấn quan trọng của dự thảo là chủ tịch UBND cấp tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng, những điều chỉnh trên mang lại thuận lợi cho thí sinh và không ảnh hưởng đến các trường ĐH. Ông nhận định, yêu cầu điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng không được thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình đào tạo là một bước tiến bộ. Vì đã đến lúc dù đào tạo theo đơn đặt hàng cũng cần phải đảm bảo chất lượng.