Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tiếp tục bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, phương thức lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm ưu thế.
Tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Ghi nhận tới thời điểm hiện tại tuyển sinh năm 2022, các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội được hàng trăm trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả bài thi như một trong số các phương thức chính để xét tuyển năm học 2022.
Mục đích của các bài thi này là đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức thành 2 đợt và thí sinh chỉ cần làm 1 bài thi duy nhất. Đợt 1 dự kiến vào ngày 27/3/2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7/2022. Năm 2022, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến tiếp tục mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia.
Còn ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2022 sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tùy theo diễn biến của dịch bệnh. ĐH này ước tính mỗi tháng sẽ tổ chức trung bình hai đợt thi trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8/2022 tại các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để tham gia thi đánh giá năng lực nếu đảm bảo yêu cầu dịch tễ. Hiện đã có 47 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra phương thức tuyển sinh dự kiến hệ ĐH chính quy năm 2022. Trường tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện đã có 8 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 để xét tuyển.
Cùng với việc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH, chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Các trường tốp đầu có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021. Trong đó, giảm sâu nhất là trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi chỉ dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn nhân tài. Thí sinh cũng không học ngày học đêm, hết lò luyện này tới lớp học thêm kia để thi tốt nghiệp mà thay vào đó là tự mình chuẩn bị hành trang vào đời bằng những năng lực, kỹ năng tổng hợp cần thiết. |
Đa dạng phương thức xét tuyển
Nhằm đa dạng nguồn tuyển và cơ hội cho thí sinh, nhiều trường thông báo sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển. Cụ thể, năm 2022 trường ĐH Thủy lợi dự kiến sẽ áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài 3 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, trường có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Nhiều trường ĐH phía Nam cũng công bố phương án tuyển sinh 2022. Việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ngoài việc giúp thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, còn có thể dùng để quy đổi sang điểm ngoại ngữ trong tuyển sinh ĐH, CĐ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Tuy vậy, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được lựa chọn và coi là chủ đạo trong mùa tuyển sinh 2022 bởi chỉ tiêu dành cho phương thức này ở nhiều trường vẫn chiếm tỷ lệ từ 50-70%.
Theo Báo Tiền Phong