Vài suy nghĩ về bài thi bị điểm liệt

0
3843

Hầu hết, các em bị điểm liệt đều học rất yếu, kém bộ môn đó. Song cũng có một số em học lệch, chỉ tập trung vào các môn tự nhiên mà xem thường các môn học khác.

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả quả kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2016, có 19.000 bài thi bị điểm liệt…

Trong khi đó, kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 có đến 37.000 bài thi bị điểm liệt.

Riêng môn Toán có hơn 14.000 thí sinh bị điểm liệt, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các môn thi.

Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017, lần đầu tiên các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thi theo hình thức trắc nghiệm thì cả nước chỉ có 6.805 điểm liệt.

Cụ thể, số bài thi có điểm liệt của từng môn như sau: môn Toán: 1.577; môn Ngữ văn: 509; môn Địa lý: 525; môn Giáo dục công dân: 151; môn Lịch sử: 868; môn Hóa học: 886; môn Vật lý: 699; môn Sinh học: 531; môn Ngoại ngữ: 1.059.

Theo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định điểm liệt là 1,0.

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Còn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì quy định điểm liệt là dưới điểm 1.

Số lượng, tỉ lệ thí sinh bị điểm liệt dưới 1, nhất là môn Toán và môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thường ở mức cao so với kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia.

Tuy nhiên chưa có con số thống kê cụ thể, đầy đủ trên phạm vi toàn quốc vì kỳ thi này mang tính chất của từng địa phương.

Nhiều Hội đồng chấm thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 đang thực hiện công việc chấm bài tự luận và trắc nghiệm.

Riêng bài thi tự luận môn Ngữ văn, ở các hội đồng chấm đã xuất hiện một ít bài bị điểm 1 trở xuống.

Vì làm bài quá tệ, lạc đề, gần như bỏ giấy trắng, thậm chí có bài thi thay vì viết văn, trả lời câu hỏi theo yêu cầu của đề bài thì thí sinh lại làm thơ, chép thơ sưu tầm.

Trước đây, đi chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2, những năm 2007, 2008, tôi và nhiều giám khảo chấm môn Ngữ văn không thể nhịn được cười đến đau cả ruột khi chấm trúng những bài thi toàn chép thơ sưu tầm về tình yêu nam nữ, về ẩm thực, uống rượu, ăn thịt chó…

Nhìn vào số liệu 3 năm 2015, 2016 và 2017 trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia  nêu ở phần đầu bài) thì số lượng bài thi bị điểm liệt có xu hướng giảm.

Nhờ vào đổi mới hình thức thi, từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn), các thí sinh dễ làm bài, dễ có điểm hơn nên số lượng thí sinh điểm liệt của năm 2017 đã giảm sâu.

Đây là tín hiệu đáng mừng, việc đổi mới hình thức thi đã đem lại hiệu quả nhất định.

Các đề thi của năm nay được đánh giá là khó hơn so với các đề thi năm ngoái thì chắc chắn số lượng bài thi bị điểm liệt năm 2018 này sẽ không dừng lại con số gần 7.000 bài điểm liệt như năm 2017.

Hơn 920 ngàn thí sinh dự thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay đến từ nhiều vùng miền, điều kiện dạy – học khác nhau, năng lực tiếp thu, học tập của từng thí sinh cũng không giống nhau thì tất nhiên kết quả điểm ở các môn thi sẽ có sự phân hóa, cao thấp rõ rệt.

Trong đó, làm sao tránh được những bài thi quá tệ, chẳng làm được gì, bị dính điểm liệt, đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hầu hết, các em bị điểm liệt đều học rất yếu, kém bộ môn đó. Song cũng có một số em học lệch, chỉ tập trung vào các môn tự nhiên mà xem thường, bỏ qua các môn xã hội, ngoại ngữ hoặc ngược lại.

Cá biệt năm ngoái, có em học sinh ở Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) vẫn bị trượt tốt nghiệp trung học phổ thông vì cái “tội” chủ quan, coi thường môn Sinh học, chỉ tô đúng 5 câu trong 40 câu để khỏi điểm liệt, nhưng nào ngờ…

Các nhà trường, thầy cô giáo không thể không trăn trở, lo lắng khi ở trường, lớp, bộ môn của mình giảng dạy lại có những thí sinh bị điểm liệt, bị điểm kém khi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông Quốc gia.

Từ đó, các thầy cô cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, đặc biệt tìm ra những biện pháp khả thi, hiệu quả để củng cố, ôn tập thật kỹ lưỡng cho đối tượng học sinh yếu, kém trước khi tham gia các kỳ thi quan trọng như thi trung học phổ thông Quốc gia, thi tuyển sinh vào lớp 10.

Nhà trường, thầy cô giáo đừng nặng bệnh thành tích, đừng nghĩ nâng điểm cho các em điểm thật cao là thương, là giúp các em.

Điểm học bạ thì cao ngất ngưởng mà điểm thi thì rất thấp, thậm chí bị điểm liệt – thành ra lợi bất cập hại, các thầy cô giáo có biết cho chăng?

Theo GiaoducVietnam