Vì đâu môn Văn là nỗi ‘ám ảnh’ của nhiều người?

0
857
du-kien-tang-hoc-phi-nhieu-nganh-o-cac-truong-dai-hoc-2

Thực tế, tốt nghiệp phổ thông, đại học, rất nhiều cử nhân vẫn viết sai chính tả. Thậm chí, các em không biết cách viết một bản lý lịch tự thuật, một lá đơn xin việc…

Nỗi sợ học Văn của số đông

Với số đông học sinh các cấp học phổ thông, Toán và Văn là hai môn quan trọng nhất với thời lượng tiết học cũng nhiều nhất.

Đương nhiên, Toán học không phải là môn dễ và không thể thi qua ngưỡng bằng cách học thuộc mà phải nắm vững các kiến thức cần thiết để giải các bài tập. Với môn Văn, cái khó với rất nhiều người là không biết viết thế nào và không dễ gì viết dài. Tình trạng chung của không ít học sinh là cố gắng đánh vật để đạt điểm trên 5 với bộ môn này.

Vì sao môn Văn lại khó học vậy? Đâu phải vì học sinh không yêu thích Văn học. Thực tế, cứ có một cuốn tiểu thuyết hay cả lớp vẫn chuyền tay nhau đọc đến nát cả sách. Cứ có một bộ phim hay trên truyền hình, các em thức trắng đêm xem hay kéo nhau ra rạp với những bộ phim mới.

Khi có thông tin, các em bình luận vô cùng sôi nổi. Thế nhưng, không hiểu sao với các đề Văn trong chương trình ở trường, để vượt qua ngưỡng điểm trung bình vẫn không dễ với số đông. Không ít học sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT đã thở phào bởi không chỉ hoàn thành chương trình phổ thông, mà còn “thoát”… môn Văn.

Vì đâu môn Văn là nỗi “ám ảnh” của nhiều người?

Thực tế, tốt nghiệp phổ thông, sau đó là đại học, rất nhiều cử nhân vẫn viết sai chính tả. Thậm chí, các em không biết cách viết một bản lý lịch tự thuật, một lá đơn xin việc chưa nói đến những việc lớn hơn theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây chính là câu chuyện nan giải của nền giáo dục.

Lý giải về tình trạng này, một phiên dịch cao cấp cho rằng có lẽ vì những người này chưa thạo tiếng Việt. Những đề án và kế hoạch đào tạo ngoại ngữ của ngành giáo dục có lẽ khó đạt được kết quả như mong muốn nếu như việc dạy Văn trong chương trình không được cải tiến.

Thậm chí, không ít nhà văn, nhà thơ khi đi họp phụ huynh cũng thường bị giáo viên chê trách là sao lại để con cái học kém Văn đến thế. Trước những lời chê trách đó, các nhà văn này cũng chỉ đành thở dài… ngao ngán. Ngao ngán vì chương trình học của môn Văn đang thiếu tính thiết thực, thiếu sáng tạo. Việc dạy học Ngữ văn còn nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.

Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp giáo viên thuận lợi trong giảng dạy, đánh giá học sinh và giúp học sinh đổi mới cách học để đạt những năng lực, phẩm chất cốt lõi theo yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh những thay đổi, đổi mới phương pháp dạy và học từ Bộ GD-ĐT, Hội nhà văn cũng cần chung tay góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bộ môn này để môn Văn không còn là “nỗi sợ”.

Theo Báo Vietnamnet