– Máy tính tự động công nhận trúng tuyển, chưa hết hạn đã có kết quả, hồ sơ không đúng vẫn được duyệt… Điều này khiến nhiều thí sinh hoang mang khi xét tuyển sớm vào đại học năm 2023.
Nộp học bạ của người khác cũng trúng tuyển
Những ngày qua, hàng nghìn thắc mắc của thí sinh được đăng tràn ngập khắp các nhóm Zalo, hội nhóm trên Facebook liên quan tới tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM. Nguyên nhân bởi kiểu xét tuyển lạ lùng chưa từng có được đơn vị này thực hiện.
Năm 2023, trường này công bố xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/5; Đợt 2 từ ngày 3/6 đến hết ngày 20/6.
Thế nhưng, chưa hết thời gian nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, hàng loạt thí sinh đã được công bố trúng tuyển có điều kiện trên hệ thống trực tuyến.
Thí sinh N.M. chia sẻ với Dân trí: “Em quá bất ngờ khi sáng nộp hồ sơ, chiều có kết quả dù thời gian xét tuyển chưa hết”.
Tương tự, hồ sơ của N.H. cũng được “duyệt trong một nốt nhạc” khi nộp đêm hôm trước thì sáng hôm sau đã có kết quả. Đáng nói, H. cho biết nhập nhầm thông tin của người khác mà vẫn trúng tuyển.
“Hệ thống yêu cầu nhập điểm và nhập ảnh học bạ lên nhưng em nhập nhầm thông tin của bạn em. Trên ảnh học bạ ghi rõ tên người khác. Vậy mà em cũng trúng tuyển luôn”, H. kể.
Dù đã có kết quả trúng tuyển hiển thị trên hệ thống nhưng nhiều thí sinh, phụ huynh khác vẫn “run như cầy sấy”, nín thở chờ thông tin chính thức từ nhà trường.
Viết thư phản ánh tới Dân trí, phụ huynh N.V.N. chia sẻ: “Trong mấy ngày nay, nhiều học sinh rất hoang mang, nửa tin nửa ngờ không hiểu sao lại nhanh trúng tuyển như vậy. Thậm chí, học sinh khai thông tin bị sai thì không sửa được, nhiều học sinh nói là học bạ chưa chụp tải vào… mà vẫn được trúng tuyển”.
Nhiều thí sinh còn phản ánh tình trạng những người nộp hồ sơ sớm có điểm thấp đã được công bố trúng tuyển, trong khi nhiều người điểm cao nộp sau lại chưa được thông báo.
“Những thông tin về chỉ tiêu, điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 được nhà trường đưa ra không rõ ràng. Vì thế, thí sinh không thể biết điểm chuẩn các ngành như thế nào, lấy bao nhiêu để biết mình có đỗ hay không. Em đi hỏi khắp nơi mà không được. Các bạn xét cùng ngành chỉ 21, 22 điểm đã trúng tuyển còn em tới gần 26 điểm vẫn chưa được báo gì”, thí sinh T.N. nói.
Dù quy định của Bộ GD&ĐT là phải công bố đề án tuyển sinh có các nội dung như chỉ tiêu từng ngành, giảng viên, cơ sở vật chất… trước khi nhận hồ sơ đầu tiên ít nhất 15 ngày nhưng hiện đơn vị này chưa công bố đề án tuyển sinh chi tiết.
“Nhà trường chỉ đưa vài thông tin cơ bản về phương thức xét tuyển, cách thức nộp hồ sơ nên thí sinh cứ nhắm mắt đặt liều”, thí sinh M.V. chia sẻ.
Ngoài ra, hàng loạt câu hỏi được thí sinh thắc mắc như: Nhà trường yêu cầu phải đặt nguyện vọng cao nhất lên hệ thống, vậy có bắt buộc phải là nguyện vọng 1 hay không? Nếu thí sinh đặt nguyện vọng 1 là trường khác và trượt thì nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã trúng tuyển trước đó còn được chấp nhận hay không?…
Hệ thống tự xét tuyển?
Lý giải thông báo học sinh trúng tuyển ngay khi chưa hết hạn nộp hồ sơ, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, phần mềm xét tuyển của trường có đầy đủ thông tin về các điều kiện trúng tuyển sớm. Kết quả trúng tuyển này là theo sơ tuyển của trường.
Nhà trường quy định trúng tuyển có điều kiện đi kèm học sinh phải đỗ tốt nghiệp THPT và phải đặt nguyện vọng 1 lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Bất ngờ về hệ thống tự động xét duyệt trúng tuyển, Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông của một trường đại học công lập tại TPHCM nói trong gần 20 năm làm công tác tuyển sinh ông chưa thấy trường công nào làm xét tuyển kiểu này.
“Về nguyên tắc, trong thời hạn nhận hồ sơ (hạn cuối đến 30/5), trường khó có thể đưa ra được điểm chuẩn để công bố trúng tuyển cho thí sinh vì không thể biết có bao nhiêu thí sinh nộp hồ sơ vào. Nếu làm việc kiểu “thầy bói xem voi”, cứ thấy thí sinh nộp hồ sơ là hệ thống auto công bố trúng tuyển sẽ rất dễ nhiễu loạn và vượt chỉ tiêu nếu thí sinh làm đúng điều kiện nhà trường đề ra”, vị này nói.
Tương tự, Phó Hiệu trưởng một trường ĐH khác ngao ngán: “Chưa bao giờ tôi thấy “rối loạn” như vậy. Bây giờ để hệ thống tự động xét trúng tuyển nữa. Việc duyệt tuyển sinh phải có hội đồng và căn cứ vào hồ sơ của thí sinh”.
Theo vị lãnh đạo này, các trường có thể xét tuyển trực tuyến nhưng vẫn cần kiểm tra lại hồ sơ, thông tin xét tuyển của thí sinh đưa lên chứ không thể để tình trạng nhập hồ sơ của người khác cũng trúng tuyển.
“Xét tuyển vô tội vạ, dễ dãi như vậy khiến việc tuyển sinh đại học trở nên không nghiêm túc”, vị này nói.
“Quên” công bố điểm chuẩn
Trong quá trình tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2023 cho thấy, không ít trường ĐH công bố trúng tuyển sớm tới từng thí sinh nhưng không công khai điểm chuẩn trên website trường. Điều này khiến thí sinh khó theo dõi, xã hội không thể giám sát được mức điểm chuẩn có đúng quy định hay không.
Điển hình như Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, khi PV Dân trí hỏi về việc chưa công khai điểm chuẩn, đại diện tuyển sinh của đơn vị này cho biết “quên” và sẽ công bố ngay. Tuy nhiên, đến nay, trường này chưa có động thái công bố điểm chuẩn.
Trước đó, năm 2021, từng có Trường ĐH N.T.T. âm thầm thay đổi điểm sàn đã công bố trước đó để đưa mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn.
Việc các trường minh bạch thông tin sẽ giúp xã hội dễ dàng theo dõi, góp phần giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục.