Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc nhóm “hút” thí sinh.
Có được tín hiệu tích cực này do cú hích từ Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm và một số giải pháp đột phá từ địa phương. Với các ngành đang “khát” nhân lực khác, cũng nên có một chính sách tương tự…
Tín hiệu vui
Từ khóa tuyển sinh năm 2021, sinh viên theo ngành sư phạm sẽ được miễn học phí 100%, ngoài ra mỗi tháng còn được hỗ trợ kinh phí sinh hoạt là 3,63 triệu đồng theo quy định. Theo đại diện Trường ĐH Đồng Tháp, đây là giải pháp quan trọng, kịp thời và có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Nhờ có chính sách thu hút, đãi ngộ sẽ tuyển được người giỏi, người tài và thực sự yêu thích nghề giáo. Đây sẽ là đội ngũ đóng vai trò quan trọng triển khai Chương trình mới.
Trước đó, chính sách thu hút ngành sư phạm còn được Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện qua cam kết hoàn trả học phí cho sinh viên sư phạm chuyên ngành Toán học, Hóa học, Tiểu học được tuyển sinh bắt đầu từ năm 2019 nếu ra trường thất nghiệp. Trường ĐH Đồng Tháp nhiều năm qua cũng ký kết hợp tác đào tạo với Sở GD&ĐT Đồng Tháp, các phòng GD&ĐT trên địa bàn và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm kết nối chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng, tăng cường thực hành nghề nghiệp. Song song đó, trường xây dựng cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo từng năm…
Theo PGS.TS Trần Quang Thái, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Đồng Tháp, với 3 ngành học đang hướng đến đào tạo chất lượng cao nói trên, nhà trường khẳng định sẽ hoàn trả học phí 4 năm cho sinh viên nếu không có việc làm, không tìm được chỗ dạy sau khi ra trường. Cam kết hoàn trả học phí là một giải pháp để tạo động lực cũng như áp lực để người dạy và người học phải cùng nỗ lực…
Một trong những chính sách thu hút trong đào tạo sư phạm đang được chú ý hiện nay là người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có thể trở thành giáo viên nếu có nguyện vọng (Thông tư 11, 12 của Bộ GD&ĐT). Qua đó, các trường sư phạm bắt nhịp để mở ngành mới, đổi mới nội dung đào tạo. Nhà trường, địa phương rà soát đội ngũ để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu Chương trình mới.
“Mô hình đào tạo này được thúc đẩy theo hướng học xong cử nhân một ngành, rồi học về khoa học giáo dục. Sinh viên có hiểu biết căn bản kiến thức chuyên ngành, đồng thời cũng được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ phù hợp. Mô hình này có thể thu hút người tài vào ngành sư phạm và cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm cũng rộng mở hơn…”, giáo sinh Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Kiên Giang chia sẻ.
Vào cuộc cùng nhà trường
Thực tế cho thấy, để giải quyết tình trạng “khát” nhân lực và thu hút thí sinh, rất cần sự vào cuộc của địa phương, linh động trong chính sách và sự đồng hành cùng nhà trường. Đơn cử như nhân lực y tế Đồng bằng sông Cửu Long vốn là bài toán khó. Nhiều năm tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân rất thấp, thậm chí thấp nhất cả nước, đặc biệt, nhân lực y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm (Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh). Sau khi các địa phương bắt tay cùng nhà trường, khó khăn dần được tháo gỡ.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực y tế, giải pháp được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cùng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ triển khai là duy trì tuyển sinh, đào tạo đại trà và theo địa chỉ sử dụng – đào tạo “đặt hàng”. Theo đó, cơ quan, đơn vị đặt hàng gồm UBND cấp tỉnh, thành phố; bệnh viện, tổ chức… công lập hoặc tư nhân hoạt động liên quan khối khoa học sức khỏe. Trong đó, UBND cấp tỉnh, thành phố có thể đặt hàng đối với thí sinh Y khoa phục vụ ngành hiếm. Ðiều kiện đặt hàng là đảm bảo các điều kiện trong hợp đồng đào tạo giữa đơn vị đặt hàng và thí sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT và một số quy định khác không trái pháp luật.
Theo PGS.TS Trần Viết An, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2021, trường vẫn duy trì hình thức tuyển sinh đại trà và theo địa chỉ sử dụng – hay còn gọi là đào tạo “đặt hàng”. Năm 2021, trường có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.920 sinh viên. Trong đó, 320 chỉ tiêu của hệ liên thông chính quy. Để xét vào y khoa cho chuyên ngành hiếm, thí sinh phải có nguyện vọng vào ngành này. UBND tỉnh phải có hợp đồng cử đi đào tạo, đồng thời thí sinh phải đủ điều kiện trúng tuyển theo quy định. Thí sinh đã trúng tuyển bất cứ ngành nào của trường sẽ không được xét tuyển diện đào tạo theo hình thức đặt hàng.