Công nghệ thông tin: Ngành học chưa bao giờ “hạ nhiệt”

0
1665

Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa con người vượt qua mọi rào cản của không gian và thời gian, góp phần tăng tốc quá trình toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực.

Với tiềm năng dễ nhận thấy, nhiều quốc gia xác định lĩnh vực Công nghệ thông tin là “mũi nhọn” phát triển, ra sức tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nền tảng giáo dục. Ngành này vì thế trở thành “xa lộ” nghề nghiệp rộng lớn, cuốn hút đông đảo bạn trẻ theo đuổi và khẳng định bản thân.

Ngành học mang tính ứng dụng rộng khắp

Sản phẩm công nghệ thông tin có mặt ở hầu khắp các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ ứng dụng của điện thoại, máy tính cá nhân đến phần mềm quản lý của doanh nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hãng hàng không hay toàn bộ hệ thống an ninh quốc phòng… đều có sự hiện diện của công nghệ thông tin.

Tại Việt Nam, số lượng công ty công nghệ thông tin đang ngày càng nở rộ. Theo pcmag.com – trang Tạp chí kỹ thuật của Mỹ, cách đây 15 năm khó có thể tìm được một công ty công nghệ thông tin tại nước ta, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin sản xuất, phát triển phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số.

Đến  2020, Việt Nam cần đến 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Bên cạnh các công ty nội địa, các dự án công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngừng phát triển, mở ra cánh cửa nghề nghiệp hấp dẫn để các bạn trẻ lựa chọn theo học.

“Cơn sốt nhân lực” vẫn chưa giảm nhiệt

Trái hẳn với lo lắng của nhiều bạn trẻ về tình trạng bão hòa việc làm, những số liệu gần đây cho thấy ngành Công nghệ thông tin đang có “phong độ” tăng trưởng khá tốt và cần số lượng lớn nhân lực có trình độ, kỹ năng.

Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020 do Bộ Thông tin – Truyền thông thống kê, Việt Nam cần đến 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tín hiệu lạc quan này chính là động lực để các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin tự tin hơn khi chọn học cũng như tìm kiếm cho mình cơ hội đột phá trong lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh thuật ngữ công nghệ phần mềm, phần cứng hay mạng máy tính quen thuộc lâu nay, thị trường ngành này ngày càng mở rộng với sự ra đời và phát triển chóng mặt của các lĩnh vực như: công nghệ di động, điện toán đám mây, thương mại điện tử, game, mạng xã hội.. sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, với cơ hội việc làm đa dạng và phong phú như: Lập trình viên phần mềm, chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, kỹ thuật phần cứng máy tính, chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin tại các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Theo GDO