Phỏng theo lời chia sẻ phương pháp học trong buổi ra mắt khoa chủ quản với tân sinh viên khóa 37 của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình.
Vừa qua, trong tuần giáo dục công dân của tân sinh viên khóa 37 của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Phát thanh – Truyền hình đã tổ chức buổi gặp mặt khoa chủ quản và chia sẻ các phương pháp học tập hiệu quả đối với chương trình đại học. Có thể nói, đây là buổi trao đổi mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp các bạn tân sinh viên của trường hiểu hơn về khoa và các chuyên ngành mình sẽ theo học, được gặp gỡ Cố vấn học tập của lớp mà các bạn còn được học hỏi các phương pháp học phù hợp với chương trình đại học.
Cũng trong buổi chia sẻ thú vị này, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, hiện là Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình thuộc Học việc Báo chí và Tuyên truyền, đã đưa ra một câu hỏi khiến các bạn tân sinh viên cảm thấy rất hào hứng. Đó là: Theo các em, chúng ta cần dùng bao nhiêu cuốn vở trong bốn năm học đại học?
Hình ảnh tại buổi gặp mặt khoa chủ quản của tân sinh viên khoá 37 tại Học viện Báo chí tuyên truyền.
Tiếp đó cô Trường Giang chia sẻ chúng ta chỉ cần dùng ba cuốn vở trong suốt 4 năm học đại học. Một câu trả lời rất bất ngờ và gợi sự tò mò của tất cả mọi người trong hội trường. Và với cách lý giải rõ ràng của mình, cô đã thuyết phục được mọi người về câu trả lời của mình.
Cuốn vở đầu tiên dành để ghi tất cả những môn không thuộc chuyên ngành mình học. Các môn học đều có mối quan hệ gắn kết và liên hệ với nhau xuyên suốt chương trình học. Vì vậy chúng ta sử dụng một cuốn vở, chia ra thành các phần dành riêng cho mỗi môn nhưng khi cần tìm kiếm thông tin thì lại rất hệ thống, dễ cho cả việc ghi chép và việc ôn luyện.
Môn không thuộc chuyên ngành không có nghĩa là môn học không quan trọng, bởi đó cũng là nền tảng cho kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức xã hội cho mỗi con người, đặc biệt là người làm báo chí – người cần tiếp xúc với xã hội, có thể coi là kết nối các mối quan hệ trong xã hội như Nhà nước với người dân, những người nổi tiếng và người hâm mộ,… Và để có thể hệ thống những kiến thức này, tổng hợp một cách khoa học, hợp lý thì việc viết chúng vào một quyển vở với những đề mục rõ ràng chính là giải pháp ưu việt nhất.
Tương tự với những môn học đại cương, những môn học chuyên ngành cũng nên được viết chung vào một cuốn vở. Cùng những lý do trên, việc hệ thống thông tin, tổng hợp kiến thức giúp thuận lợi cho việc học tập và ôn luyện.
Vậy còn cuốn vở thứ ba chúng ta dùng để làm gì? Chẳng phải chương trình học của bất kì trường đại học nào, ngành học nào cũng đều chia ra hai nhóm môn học là các môn chuyên ngành và các môn đại cương đó sao? Vậy cuốn vở thứ ba có lẽ chỉ dùng cho một bộ môn đặc thù của mỗi ngành học. Với nghề báo nói chung, nó dành để viết.
Có cuốn vở nào không dành để viết, nhưng viết điều gì mới là quan trọng. Nó chẳng cần là những điều cao siêu hay mang những kĩ thuật viết báo chuyên nghiệp, mà đó chỉ đơn giản là những đề tài bất kì chúng ta có thể bắt gặp trong ngày. Về hành động giúp đỡ các cô lao công quét sân trường buổi sáng của một bạn sinh viên cùng trường. Về một ví dụ thú vị của giảng viên đứng lớp. Cảm nhận một món ăn ngon bạn được ăn. Gì cũng được, viết theo cách của bạn nhưng nhất định phải viết một cách nghiêm túc, có đầu có kết, có tiêu đề, có nội dung.
Nó có thể chẳng phải một bài báo như sau này bạn thực hành hoặc làm việc khi ra trường, nhưng chính việc viết thường xuyên và liên tục sẽ tạo cho bạn những kinh nghiệm mà không ai có thể trao cho bạn. Cách dùng từ trở nên thuần thục và phong phú, phù hợp. Biết cách đặt nhan đề thu hút và chuyên nghiệp. Và về mặt cá nhân, nó giống như một cách viết nhật kí theo một hình thức riêng biệt. Hãy tưởng tượng mười năm sau dù bạn có đã trở thành một nhà báo chuyên nghiệp hay làm một công việc khác phù hợp khả năng của bản thân thì khi đọc lại những câu chữ ngô nghê từ thuở mới bắt đầu viết chẳng phải cũng rất thú vị hay sao.
Tất nhiên, cô Giang cũng nói thêm, không phải phương pháp nào cũng có thể áp dụng đối với tất cả mọi người nhưng nếu bạn cảm thấy nó hữu ích và phù hợp thì rất nên áp dụng. Vì chúng ta là sinh viên đại học, và hơn thế, chúng ta là những người học báo chí, rất có thể còn là những nhà báo trong tương lai.
Khép lại buổi gặp gỡ và chia sẻ, các tân sinh viên đều cảm thấy vui vẻ và hồ hởi, háo hức đợi chờ năm học chính thức bắt đầu với những môn học thú vị, một môi trường học tập mới mẻ.
tri thức trẻ