Khởi nghiệp sinh viên – Từ khát vọng tới hiện thực

0
2414

Các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp đầy thử thách và cả những người đang loay hoay tìm lối đi cho mình sẽ tìm thấy giải pháp qua những chia sẻ thực tế về vấn đề khởi nghiệp của sinh viên từ giảng đường thông qua các khách mời: TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm, Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT, Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu, Founder – CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi buổi tư vấn.

***

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội:

Xin chào Quý độc giả của Báo điện tử Dân trí. Trước hết tôi xin cảm ơn trường Đại học FPT cũng như báo Dân Trí đã tạo điều kiện cho tôi được giao lưu với các bạn. Vấn đề khởi nghiệp hoặc các bạn thích nói theo tiếng Anh là “Start up” không phải chỉ nóng bỏng ở nước ta mà đang diễn ra với hầu hết các nước trên thế giới. Đặc biệt phấn khởi và chào đón trào lưu này chính là giới trẻ, các bạn thanh niên đang tràn đầy nhiệt huyết, thông minh, có sức khỏe, có đam mê, cống hiến cho xã hội, trên cơ sở đó làm giàu cho bản thân, cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chúc các bạn tìm được những thông tin hữu ích cho mình qua buổi tư vấn!

TS.Nguyễn Lê Minh (thứ 2 bên phải) và Ths.Vũ Thu Chinh (thứ 2 bên trái) cùng các cán bộ trường Đại học FPT tham gia buổi tư vấn.
TS.Nguyễn Lê Minh (thứ 2 bên phải) và Ths.Vũ Thu Chinh (thứ 2 bên trái) cùng các cán bộ trường Đại học FPT tham gia buổi tư vấn.

Bùi Đức Nghĩa – Tuổi: 19 – Email: [email protected]

Thưa chú Lê Minh, thời điểm nào sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp? Tại sao?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Nghĩa,

Bạn có thể khởi nghiệp ngay còn khi trên ghế nhà trường khi bạn đã có đam mê cháy bỏng trong lĩnh vực nào đó. Cách đây chưa lâu có cuộc thi KHKT cho học sinh THPT toàn miền Bắc tổ chức tại Phú Thọ, đã có các bạn học sinh lớp 11, 12 đạt kết quả tốt trong lĩnh vực này, đã có các công ty sẵn sàng mua lại sáng tạo của các bạn để đưa vào sản xuất. Có những bạn với số vốn ban đầu không lớn đã đi vào sản xuất trong lĩnh vực bạn có hiểu biết và đam mê.

Lê Đức Mạnh – Tuổi: 18 – Email: manhducle[email protected]

Cháu chào chú Lê Minh. Theo chú, sinh viên nên dành ra số vốn bao nhiêu khi mới bắt đầu khởi nghiệp ạ?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Mạnh,

Sau khi đã có ý tưởng, thì 3 yếu tố quan trọng đầu tiên là:

Vốn, công nghệ và lao động. Số vốn cần thiết đầu tiên là bao nhiêu tùy thuộc bạn đầu tư vào lĩnh vực nào. Nếu lĩnh vực đó cần nhiều thiết bị máy móc thì vốn cần khá nhiều. Ngược lại nếu lĩnh vực khởi nghiệp chỉ dùng công nghệ đơn giản, sử dụng lao động thủ công là chủ yếu thì vốn đương nhiên không đòi hỏi quá cao. Ở đây muốn nói thêm, muốn tăng lượng vốn cần thiết có thể bạn nên liên kết thêm với một số người có cùng đam mê trong lĩnh vực bạn muốn khởi nghiệp.

Võ Hữu Huân – Giới tính: Nam – Tuổi: 19 – Email: [email protected] – Mobile: 01298541xxx

Em chào thầy Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT. Em muốn hỏi môi trường đại học tạo điều kiện gì cho sinh viên khởi nghiệp khi còn trên ghế giảng đường?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Chào Huân,

Không biết em biết thông tin này chưa: cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1982/QĐ-TTg ban hành Khung trình độ quốc gia trong đó quy định chuẩn đầu ra của trinh độ đại học, ghi rõ là sinh viên khi tốt nghiệp cần có “kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác”. Quy định này ban hành đã được 6 tháng, và tôi nghĩ rằng đa số các trường đại học vẫn chưa quán triệt việc môi trường đại học cần phải tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, và để cho sinh viên có tố chất khởi nghiệp là một trong các nhiệm vụ quan trọng của trường. Các bạn sinh viên hình như cũng rất ít người biết điều này.

Tôi nghĩ rằng hàm lượng trí tuệ, khát vọng cống hiến, khát vọng thể hiện, mong mỏi làm được một cái gì đó độc đáo, một cái gì đó mới, một cái gì đó có ích, một cái gì đó mang lại sự giàu có cho cá nhân và cho đất nước – những điều này tập trung nhiều nhất ở sinh viên. Sinh viên không khởi nghiệp – thì chờ ai khởi nghiệp bây giờ?


TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT (trái).

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT (trái).

Nguyễn Thị Ngọc Mai – Giới tính: Nữ – Tuổi: 22 – Email: [email protected] – Mobile: 01667108xxx

Thưa Tiến sĩ Lê Trường Tùng, chương trình đào tạo của nhà trường ĐH FPT có nội dung hướng nghiệp, khởi nghiệp không?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Khi đã xem việc tạo kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên là nhiệm vụ của trường đại học như yêu cầu của Khung trình độ quốc gia, thì nội dung khởi nghiệp phải được thể hiện trong chương trình đào tạo. Với ĐH FPT, chúng tôi quan niệm để làm việc được trong có doanh nghiệp đang có thì chỉ cần học 2/3 chương trình (5-6 học kỳ) là đủ. Thời gian còn lại chính là đào tạo nâng cao, để sinh viên ngoài việc định hướng chuyên sâu về lĩnh vực mà mình lựa chọn, còn được đào tạo về khởi nghiệp, về quản trị… Chương trình đào tạo của ĐH FPT có môn Khởi nghiệp, và có một môn đặc biệt gọi là On the Job Training (OJT – học trong môi trường doanh nghiệp), môn này được tiến hành 1 học kỳ tại doanh nghiệp sau khi học được 5-6 học kỳ chuyên môn. OJT không chỉ nhằm tăng kỹ năng thực hành, cảm nhận môi trường làm việc thực tế, mà còn để các em trải qua giai đoạn “làm thợ” để sau này biết “làm chủ” phải như thế nào, phải học thêm gì trong 2-3 học kỳ còn lại tại trường.

Vũ Khánh Minh – Tuổi: 19 – Email: [email protected]

Cháu muốn hỏi chú Lê Minh, có nên khởi nghiệp khi chưa có đủ kinh nghiệm…và làm thế nào để vượt qua thất bại khi khởi nghiệp ạ?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội

Chào Minh,

Không nên bởi vì khi chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ hiểu biết mà bạn lao vào khởi nghiệp thì thất bại là cái chắc. Vậy thì bạn phải đi học: học trong thực tiễn, học người đi trước, học trong sách vở, học trên internet.

Để vượt qua thất bại, tôi khuyên bạn nên dựa theo lời khuyên của ông Walt Disney, người thành lập hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới cũng như các tổ hợp vui chơi Disney Land: “Bạn phải tự tin, bạn phải kiên nhẫn, bạn phải dũng cảm.” Hãy rút kinh nghiệm vì sao thất bại và bắt đầu trở lại. Hãy đứng dậy ngay ở chỗ mà mình thất bại.

Nguyễn Minh Hải — Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Cháu muốn sau khi tốt nghiệp đi làm lấy kinh nghiệm rồi mới bắt đầu khởi nghiệp.Nhưng hiện tại đại đa số các DN muốn người có kinh nghiệm, vậy cháu phải làm sao để có kinh nghiệm cũng như đáp ứng được yêu cầu của DN?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Hải,

Về vấn đền này, tôi đã có dịp trao đổi với một số doanh nghiệp. Đòi hỏi kinh nghiệm thường chỉ dành cho một số vị trí quản lý hoặc trực tiếp sản xuất một số sản phẩm phức tạp. Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường là một sự đánh đố, khiến các em hoang mang. Nên nhớ các kiến thức mà cơ sở đào tạo cho thanh niên chỉ là những kiến thức cơ bản, sau đó các doanh nghiệp sẽ bổ sung các phần cần thiết cho họ sau khi đã nhận họ vào làm việc. Tôi tin rằng với những kiến thức cơ bản đã được nhà trường cung cấp, họ sẽ thích nghi với hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Tôi có lời khuyên với các bạn trẻ, nếu gặp trường hợp doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm, hãy thành thật trả lời rằng: tôi mới ra trường, kinh nghiệm thực tiễn có thể chưa có nhiều, nhưng trong quá trình nhà trường đào tạo, tôi đã có dịp thực tập ở nhà máy X, doanh nghiệp Y, … Và tôi đã có kết quả tốt được các cơ sở đó thừa nhận. Mong rằng với những hiểu biết ấy cộng với sự đào tạo bổ sung của doanh nghiệp tôi sẽ nhanh chóng làm việc tốt, hòa nhập nhanh với doanh nghiệp.

100% sinh viên Đại học FPT được tham gia làm việc thực tế trong 4-8 tháng tại doanh nghiệp từ năm thứ 3 để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp.
100% sinh viên Đại học FPT được tham gia làm việc thực tế trong 4-8 tháng tại doanh nghiệp từ năm thứ 3 để tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp.

Võ Tú Cảnh – Giới tính: Nam – Tuổi: 18 – Email: [email protected]

Anh Hiếu ơi, anh bắt đầu khởi nghiệp từ bao giờ? Với số vốn là bao nhiêu?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Chào Cảnh,

Anh bắt đầu phát triển dự án đầu tiên ngay từ khi là sinh viên năm nhất Đại học FPT, sau đó phát triển và thành lập 2 công ty về công nghệ từ năm 2014. Số vốn ban đầu khá khiêm tốn, chủ yếu là tận dụng nguồn lực cá nhân.

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu - Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam (trái).
Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam (trái).

Lê Hà Phương – Giới tính: Nữ – Tuổi: 45 – Mobile: 0973671xxx

Đai học FPT có hỗ trợ vốn khi sinh viên đề xuất ý tưởng khởi nghiệp không?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Chào chị Hà Phương, từ năm 2016, nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, trường Đại học FPT xây dựng quỹ Khởi nghiệp dành riêng cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Mỗi sinh viên hoặc nhóm sinh viên khi có dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí theo nội dung chi thực tế – tức nhà trường sẽ chi trả hộ cho sinh viên những khoản chi mà nếu không có quỹ này các em sẽ phải dùng tiền túi của mình hoặc xin tiền cha mẹ. Mỗi năm Quỹ Khởi nghiệp dự kiến chọn 20 đề án khởi nghiệp để hỗ trợ, với số tiền tối thiểu 50 triệu đồng/đề án, và có thể cao hơn phụ thuộc vào nội dung đề án đặt ra. Nếu đề án khởi nghiệp thất bại, xem như đây là khoản chi rủi ro của trường. Nếu khởi nghiệp thành công thì xem đây như vốn của trường góp vào công ty tương lại do sinh viên tạo lập.

Phan Thiên Phúc – Giới tính: Nam – Tuổi: 34 – Email: [email protected]

Sinh viên nên chọn những ngành nghề nào để khởi nghiệp?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Chọn ngành nào để khởi nghiệp sẽ thuộc vào đầu óc sáng tạo, ý chí quyết tâm, thời cơ – và vận may của sinh viên. Trên thực tế có thể khởi nghiệp từ bất cứ ngành nào, tuy nhiên hiện nay những ngành khởi nghiệp có triển vọng đều dựa trên công nghệ cao. Các ngành không thuộc lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp được thì cũng cần bám vào công nghệ – khi đó mới tạo được ưu thế cạnh tranh với các đối thủ đang có. Với những ngành đang thay đổi nhanh chóng thì thường có nhiều cơ hội mới, còn các ngành mang tính truyền thống thì cũng có thể khởi nghiệp bằng cách vẫn dịch vụ/sản phẩm đấy với chất lương cao hơn, giá thành thấp hơn bằng công nghệ mới, ví dụ như nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2017, Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Toán học (dự kiến), Quản trị Kinh doanh, Quản trị Khách sạn, Kinh doanh Quốc tế, Tài chính Ngân hàng, Ngôn Ngữ Anh, Ngôn Ngữ Nhật, Ngôn Ngữ Hàn Quốc (dự kiến), Truyền thông đa phương tiện (dự kiến), Thiết kế đồ họa, Kiến trúc.
Năm 2017, Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Toán học (dự kiến), Quản trị Kinh doanh, Quản trị Khách sạn, Kinh doanh Quốc tế, Tài chính Ngân hàng, Ngôn Ngữ Anh, Ngôn Ngữ Nhật, Ngôn Ngữ Hàn Quốc (dự kiến), Truyền thông đa phương tiện (dự kiến), Thiết kế đồ họa, Kiến trúc.

Mai Anh Tân – Giới tính: Nam – Tuổi: 18 – Email: [email protected]

Vì sao chương trình đào tạo hệ đại học chính quy của Trường Đại học FPT chỉ kéo dài 3 năm trong khi các trường khác trung bình là 4 năm?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào bạn,

Vì trường Đại học FPT không nghỉ hè và áp dụng lịch đào tạo 3 học kỳ/năm nên bạn có thể hoàn tất 9 học kỳ chuyên ngành chỉ trong vòng 3 năm. Nói cách khác, tại Đại học FPT, nếu bạn đủ điều kiện miễn tiếng Anh dự bị, bạn chỉ cần 3 năm để hoàn thành chương trình đại học. Bạn cũng không cần lo lắng về lịch học vì sẽ có 2 tuần nghỉ xen giữa các học kỳ.

Việc áp dụng lịch học này không chỉ giúp bạn rút ngắn thời gian học tập mà còn giúp bạn làm quen với lịch làm việc toàn thời gian, có thể sớm hoà nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp khi đi làm sau này.


Ths. Vũ Thu Chinh (bên trái) - Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT.

Ths. Vũ Thu Chinh (bên trái) – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT.

Nguyễn Đình Nguyên – Giới tính: Nam – Tuổi: 18 – Email: [email protected] – Mobile: 0934435xxx

Bên cạnh trào lưu khởi nghiệp rầm rộ, cũng có không ít ý kiến cho rằng sinh viên không nên khởi nghiệp quá sớm, vì còn thiếu quá nhiều kỹ năng mềm, không có kinh nghiệm, vì trường đại học Việt Nam không cung cấp được những kỹ năng này. TS có nghĩ như vậy không ạ?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Tôi nghĩ rằng ngoài việc nhà trường có trách nhiệm cung cấp các kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thì sinh viên nào muốn khởi nghiệp thì cũng cần làm việc dễ hơn trước, đó là tự trang bị cho mình các kỹ năng và kinh nghiệm còn thiếu. Chờ đến khi đủ kỹ năng kinh nghiệm thì chẳng biết đến khi nào. Kỹ năng kinh nghiệm có nhiều nhất chính là trong quá trình khởi nghiệp.

Nguyễn Thị Ngọc – Giới tính: Nữ – Tuổi: 19 – Email: [email protected]

Khi khởi nghiệp anh gặp những trở ngại thách thức gì?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Chào Ngọc,

Khó khăn đầu tiên của anh là việc có thể thuyết phục được mọi người bắt đầu làm việc với mình. Làm sao để mọi người tin tưởng, sẵn sàng cống hiến và làm việc để ra được sản phẩm đầu tiên.

Khó khăn thứ 2 là khi đã hoàn thiện sản phẩm, làm sao để tiếp cận được nhiều người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. Việc thực hiện marketing gặp nhiều khó khăn, khi bản thân đội ngũ phát triển không ai có nền tảng về marketing tốt.

Khi sản phẩm đã tiếp cận được người dùng, đi vào ổn định, quy mô nhân sự gia tăng. Việc quản lý nhân sự gặp nhiều vấn đề, cũng như nguồn vốn tài chính để duy trì ngày càng lớn.

Với mỗi giai đoạn lại có một khó khăn khác nhau, đòi hỏi đội ngũ sáng lập phải luôn tỉnh táo, tính toán kỹ các vấn đề để đưa ra những quyết định, giải pháp hợp lý.

Ngày hội việc làm do Đại học FPT tổ chức định kỳ 1 học kỳ/lần là dịp để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu về văn hóa công ty. Đồng thời nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan thực tế tại doanh nghiệp, giao lưu với đại diện doanh nghiệp để giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động.
Ngày hội việc làm do Đại học FPT tổ chức định kỳ 1 học kỳ/lần là dịp để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu về văn hóa công ty. Đồng thời nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan thực tế tại doanh nghiệp, giao lưu với đại diện doanh nghiệp để giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động.

Đinh Hà Anh – Giới tính: Nam – Tuổi: 18 – Email: [email protected]

Cháu chào chú Lê Minh. Thưa chú, những thách thức lớn nhất với việc khởi nghiệp kinh doanh là gì ạ?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Hà Anh,

Theo tôi, thách thức lớn nhất chính là việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thậm chí công nghệ ấy có khi chưa có sẵn cho nên bạn phải sáng chế ra và từ đó nó trở thành độc quyền của riêng mình (đăng ký độc quyền), các vấn đề khác như nói ở trên về vốn và lao động thì không khó giải quyết lắm. Một thách thức cũng lớn không kém, đó là vẫn đề thị trường, bạn phải biết thăm dò, tìm hiểu thị trường, tìm hiểu khách hàng cũng như thị hiếu của họ.

Tôi đưa bạn 1 ví dụ, gần đây chị Nguyễn Thị Thịnh ở tỉnh Hà Nam muốn khởi nghiệp bằng cách nuôi bò sữa. Vốn ban đầu không lớn để mua 2 con bò Úc và 1 con bò nội. Chỉ ít lâu sau chúng lăn ra chết vì chúng mắc bệnh kí sinh trùng máu: chị Thịnh đã chưa nắm vững công nghệ nuôi bò sữa như thế nào nên đã thất bại. Bây giờ sau khi rút kinh nghiệm chị đã có 1 đàn 30 con bò sữa, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 2 tạ sữa bò tiệt trùng, thơm ngon.

Đinh Quang Đức – Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Cháu là sinh viên muốn khởi nghiệp nhưng cháu không có vốn? Vậy phải làm thế nào?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Đức,

Có 3 cách để tạo vốn ban đầu khi khởi nghiệp: vốn tự có do cháu tiết kiệm, do gia đình cung cấp, nguồn thứ 2 là liên kết với bạn bè, với những người cùng chí hướng và đam mê; thứ 3 đi vay của các tổ chức tín dụng. Một số trường đại học cũng hỗ trợ vốn cho sinh viên khởi nghiệp như Đại học FPT.

Từ năm 2016, trường Đại học FPT xây dựng quỹ Khởi nghiệp dành riêng cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Mỗi năm Quỹ Khởi nghiệp dự kiến chọn 20 đề án khởi nghiệp để hỗ trợ, với số tiền tối thiểu 50 triệu/đề án, và có thể cao hơn.
Từ năm 2016, trường Đại học FPT xây dựng quỹ Khởi nghiệp dành riêng cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Mỗi năm Quỹ Khởi nghiệp dự kiến chọn 20 đề án khởi nghiệp để hỗ trợ, với số tiền tối thiểu 50 triệu/đề án, và có thể cao hơn.

Đặng Minh Huy – 56 tuổi – [email protected]

Hiện nay tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp đang ngày càng tăng. Nhà trường có biện pháp gì về việc giới thiệu việc làm cho sinh viên của mình? Khởi nghiệp có phải là một trong những biện pháp tạo việc làm cho sinh viên của trường?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào anh Huy,

Việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề được Trường Đại học FPT đặc biệt chú trọng. Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng chương trình, Trường Đại học FPT đã tham khảo ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp. Từ năm thứ 3, 100% sinh viên Đại học FPT được tham gia chương trình thực tập tại doanh nghiệp (On the Job training) nhằm giúp sinh viên nhanh chóng tiếp xúc với thực tế của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các em sau khi ra trường.

Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp của trường cũng thường xuyên tổ chức các Ngày hội việc làm định kỳ cho sinh viên, các chương trình tham quan thực tế tại doanh nghiệp… Theo thống kê mới nhất, 98% sinh viên ĐH FPT có việc làm sau khi ra trường, 19% sinh viên đang học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển: Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Philippines, Nhật… Năm 2015, ĐH FPT được xếp hạng 5 sao về việc làm (mức đánh giá cao nhất) theo chuẩn QS Star…

Khởi nghiệp cũng là một hoạt động được nhà trường chú trọng như một nhiệm vụ tất yếu của trường đại học, với mục tiêu giúp sinh viên không chỉ biết “làm thợ”, “làm thuê” mà còn có thể “làm chủ”.

98% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau khi ra trường với mức lương trung bình 8,3 triệu VNĐ/tháng, 19% sinh viên đang học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển.
98% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau khi ra trường với mức lương trung bình 8,3 triệu VNĐ/tháng, 19% sinh viên đang học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển.

Đàm Đình Đức Trung – 42 tuổi – trungbankxxx@ gmail.com

Tôi có nghe nói đến việc phát triển toàn diện trong chương trình học của Đại học FPT. Vậy các kỹ năng mềm giúp các em thành công trước tuyển dụng thì sẽ được rèn luyện thêm không, ở thời gian thực tập hay ở trường?

Chân thành cảm ơn.

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào anh Trung,

Ở Trường Đại học FPT, bên cạnh việc đào tạo chuyên ngành tốt thì chúng tôi còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, lớp học kỹ năng mềm để mỗi sinh viên được rèn giũa, cọ xát và tự tin hơn. Phòng phát triển cá nhân của nhà trường sẽ thiết kế các khóa học riêng giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng và sức sáng tạo của mình. Thông qua các bài tập thực tế, sinh viên hoàn toàn tự tin, chủ động trong cuộc sống và học tập. Do đó, sinh viên Trường Đại học FPT nhanh chóng hòa nhập, phát huy và thích ứng tốt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam cũng như Quốc tế.

Các bậc phụ huynh hãy lắng nghe con cái của mình nói về mong muốn và ước mơ của chúng. Từ đó chúng ta mới có thể thấu hiểu và đồng hành cùng con cái. Đối với các bạn học sinh lớp 12, tôi nghĩ các bạn có thể chủ động tìm hiểu về Trường Đại học FPT, những khóa học phát triển cá nhân, những sự kiện, câu lạc bộ… do nhà trường và các bạn sinh viên tổ chức. Các bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành một sinh viên năng động, tự tin và sáng tạo như các bạn sinh viên Trường Đại học FPT.

Nguyễn Hằng My – Giới tính: Nữ – Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Nên khởi nghiệp khi còn vừa làm vừa học hay học xong mới khởi nghiệp hay học xong đi làm thuê rồi mới khởi nghiệp? Thời điểm nào là lý tưởng nhất thưa TS?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Chào bạn Hằng My. Khởi nghiệp không khi nào muộn, nhưng càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt. Tuổi trẻ dám mạo hiểm, ít vướng bận, không có gì để mất, lại có nhiều thời gian để sửa sai… Thường thì có 2 thời điểm khởi nghiệp: thời điểm thứ nhất là manh nha khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường, vì khi đó có thời gian, có bạn bè, có thể tận dụng sự hỗ trợ của nhà trường, và nếu thành công thì ra trường đã có việc. Thời điểm thứ 2 là đi làm để có thêm kinh nghiệm, thêm quan hệ và tìm cơ hội, để sau 3-5 năm là khởi nghiệp được – khởi nghiệp tự thân hoặc khởi nghiệp chính trong lòng doanh nghiệp.

Phan Lê Giang – Giới tính: Nữ – Tuổi: 50 – Email: [email protected]

Nghe nói FPT là tập đoàn xuất phát từ nhóm kỹ sư khởi nghiệp bán máy tính ở Nga. Vậy thì Đại học FPT có được coi là đại học khởi nghiệp không? ĐH FPT đã có những chính sách gì cho khởi nghiệp sinh viên?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Cám ơn câu hỏi thú vị của chị Lê Giang.

Tên ban đầu của FPT là Food Proceesing Technology – làm về công nghệ thực phẩm, đưa công nghệ cao vào ngành thực phẩm. Xây dựng và triển khai hoạt động của ĐH FPT cũng có thể xem như một dự án khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp. Trong FPT, chúng tôi nói rằng ĐH FPT không chỉ là một hoạt động dịch vụ của FPT, mà là một sản phẩm của FPT cung cấp cho xã hội. Như vậy ĐH FPT có thể xem như kết quả khởi nghiệp, nhưng với số liệu sinh viên khởi nghiệp còn khiêm tốn, thì chưa thể gọi là đại học khởi nghiệp được. Trường Technion của Israel được gọi là đại học khởi nghiệp, cứ 4 sinh viên tốt nghiệp Technion thì có một người khởi nghiệp kinh doanh, cứ 7 nữ sinh viên Technion tốt nghiệp thì có một người trở thành nữ doanh nhân, và 1/4 cựu học viên Technion giữ vai trò quản lý cao cấp nhất trong các công ty công nghệ cao.

Hiện nay ĐH FPT xem khởi nghiệp sinh viên là một trong các nội dung hoạt động quan trọng của trường, tìm mọi cách giúp sinh viên khởi nghiệp, đưa các nội dung khởi nghiệp vào đào tạo trong trường, tạo quỹ khởi nghiệp sinh viên, khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp…

Võ Thị Yến Trang – Giới tính: Nữ – Tuổi: 27 – Email: [email protected] – Mobile: 01658098xxx

Nhà trường có phải đặt nặng vấn đề khởi nghiệp chỉ để giải quyết vấn đề thất nghiệp cho sinh viên không?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Chào Yến Trang,

Cám ơn câu hỏi rất thẳng thắn của em .Việc thất nghiệp với sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt nam hiện nay không phải là cao. Con số 4% thất nghiệp của những người có trình độ đại học ở Việt Nam hiện nay nếu so với các nước khác là thấp, nhưng được dư luận thổi phồng lên thành vấn đề lớn. Một xã hội lành mạnh bao giờ cũng cần có một lực lương lao động dự trữ hợp lý để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp mới hoặc bổ sung cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng – và tôi nghĩ tỷ lệ thất nghiệp 5% là hợp lý, cũng giống như để yên tâm thì trong túi bao giờ cũng có ít tiền dự trữ, chứ có đồng nào tiêu hết đồng đấy thì đáng lo.

Đặt vấn để sinh viên khởi nghiệp là để mong quốc gia khởi sắc, chứ không vì việc sinh viên thất nghiệp đông.

TS. Lê Trường Tùng trao giải Nhất cho nhóm nhóm sinh viên Đại học FPT với sản phẩm Friendly Guide trong đêm chung kết cuộc thi “Start-up Uni: Become a unipreneur” diễn ra vào tháng 11/2016 tại Đại học FPT Hòa Lạc.
TS. Lê Trường Tùng trao giải Nhất cho nhóm nhóm sinh viên Đại học FPT với sản phẩm Friendly Guide trong đêm chung kết cuộc thi “Start-up Uni: Become a unipreneur” diễn ra vào tháng 11/2016 tại Đại học FPT Hòa Lạc.

Phan Minh Tuấn – Giới tính: Nam – Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Chào anh Hiếu. Trước khi khởi nghiệp, anh đã trang bị những gì?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Chào Tuấn, để bắt đầu khởi nghiệp, em cần chuẩn bị những yếu tố sau nhé:

Một ý tưởng đủ tốt (Khách hàng cần/có nhu cầu, Thị trường đủ lớn); Kiến thức nền tảng về chuyên môn (liên quan đến dự án mình đang làm); Có nguồn lực tài chính; Có đủ đam mê.

Nguyễn Minh Trung – Giới tính: Nam – Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Anh Hiếu ơi, những giai đoạn của quá trình khởi nghiệp là gì? Đặc trưng của từng giai đoạn như thế nào ạ?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Chào Minh Trung. Từ kinh nghiệm của mình, anh rút ra 5 giai đoạn khi khởi nghiệp:

Đầu tiên là “xây dựng ý tưởng”: Bắt đầu lên ý tưởng, thảo luận để đưa ra lựa chọn sản phẩm / dịch vụ cuối cùng.

Tiếp đến là “xây dựng đội nhóm”: Người sáng lập tìm kiếm và thiết lập đội nhóm, những người đầu tiên phát triển sản phẩm / dịch vụ. Giai đoạn này thường mất nhiều thời gian tìm kiếm, thuyết phục người đồng hành. Đòi hỏi phải có một ý tưởng đủ tốt, và các thành viên phải có niềm tin vào nhau.

Tiếp nữa là “Phát triển sản phẩm / dịch vụ”: Cùng nhau nghiên cứu, phát triển sản phẩm / dịch vụ. Thường xuyên nhận phản hồi từ người dùng, khách hàng để tối ưu.

Tiếp theo là “Đi vào thị trườn”g: Giai đoạn này là lúc sản phẩm đã hoàn thiện, có khách hàng sử dụng. Lúc này cần tập trung đẩy mạnh marketing, bán hàng để tiếp cận tới nhiều đối tượng sử dụng hơn.

Cuối cùng là giai đoạn “Tối ưu”: Lúc này mọi thứ đã ổn định hơn, quy mô công ty, doanh số đều tăng. Bài toán mở rộng và tối ưu chi phí, vận hành được quan tâm đến nhiều hơn.

Trần Trung Hiếu (hàng thứ 2, đứng thứ 5 từ trái sang) trong buổi giao lưu “Định hướng nghề nghiệp” với sinh viên Đại học FPT .
Trần Trung Hiếu (hàng thứ 2, đứng thứ 5 từ trái sang) trong buổi giao lưu “Định hướng nghề nghiệp” với sinh viên Đại học FPT .

Nguyễn Thế Lân – Tuổi: 19 – Email: [email protected]

Cháu đã từng 3 lần khởi nghiệp nhưng thất bại và quyết định khi ra trường sẽ đi theo niềm đam mê này. Hiện tại, cháu vẫn có đủ khả năng thì nên đi làm thuê rồi làm chủ, hay là bắt tay vào thực hiện ước mơ làm chủ?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Lân,

Những tâm sự vừa nói chứng tỏ cháu rất hiểu mình đấy. Cháu vẫn tiếp tục đam mê, không nản chí, cháu đã 3 lần thất bại nhưng tự nhận vẫn đủ khả năng vươn lên, tôi rất hoan nghênh. Cháu có biết người làm ra bóng đèn không? Đó là ông Edison, người Mỹ sau này được tôn vinh là người sáng chế vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, thậm chí còn gọi yêu ông ta là thầy phù thủy. Để có bóng đèn dây tóc dầu tiên mang lại ánh sáng cho loài người ông đã phải thí nghiệm hàng nghìn lần mới thành công. Chúc cháu đứng lên và tiếp tục đi trên con đường tự mình khởi nghiệp.

Thân Văn Trường – Tuổi: 21 – Email: [email protected]

Cháu chào chú Lê Minh. Cháu muốn hỏi những lợi thế của sinh viên khi khởi nghiệp là gì ạ?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào cháu Trường,

Các bạn sinh viên đang ở lứa tuổi thanh niên lại được đào tạo bài bản trong các trường đại học, cao đẳng. Ở lứa tuổi các bạn, sức khỏe còn rất tốt, nhiều ước mơ, và hiện nay lại được nhà nước ủng hộ rất nhiều trong lĩnh vực nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp.

Như trên đã nói và tôi xin phép nhắc lại cùng với những kiến thức đã được nhà trường rèn luyện, với những hiểu biết các bạn thu lượm được qua các đợt thực tập, qua truy cập trên mạng Internet, cộng với đam mê cháy bỏng phù hợp với sở trường của mình, với khả năng của mình thì đó chính là những ưu thế các bạn có thể thành công khi khởi nghiệp.

Nguyễn Tiến Dũng – Tuổi: 18 – Email: [email protected]

Cháu chào bác Lê Minh. Theo bác, yếu tố nào quyết định sự thành công khi khởi nghiệp?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào Dũng,

Khi khởi nghiệp cũng như trong tất cả các lĩnh vực hoạt động khác thì yếu tố quan trọng hàng đầu chính là sự ĐAM MÊ. Có người nói rất chí lí: “Hãy đuổi theo sự đam mê, sự thành công sẽ đuổi theo bạn.”

Lâm Bảo Tiên – Giới tính: Nam – Tuổi: 19 – Email: [email protected] – Mobile: 01676077xxx

Em muốn trở thành nhà khởi nghiệp và bắt đầu công ty về lĩnh vực phần mềm của em thay vì phí hoài thời gian ở đại học. Thầy hãy cho em lời khuyên?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Trước tiên em phải có ý tưởng khởi nghiệp đặc sắc, vì khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu có thật, có cách tiếp cận độc đáo, mới mẻ, mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng, và cạnh tranh được với các đối thủ khác. Nếu như cơ hội khởi nghiệp chín muồi, thì tạm gác lại việc học đại học, bảo lưu để khởi nghiệp là một lựa chọn tốt. Tấm bằng đại học lấy lúc nào cũng được, còn cơ hội khởi nghiệp không nắm bắt thì sẽ trôi tuột mất.

Từ 20 triệu khởi nghiệp, cựu sinh viên Đại học FPT Nguyễn Thùy Trâm (ngoài cùng, phải) trở thành chủ tiệm cưới, spa hàng đầu ở Đà Nẵng.
Từ 20 triệu khởi nghiệp, cựu sinh viên Đại học FPT Nguyễn Thùy Trâm (ngoài cùng, phải) trở thành chủ tiệm cưới, spa hàng đầu ở Đà Nẵng.

Lê Hoàng Anh Minh – Giới tính: Nam – Tuổi: 38 – Email: [email protected] – Mobile: 01667898xxx

Với những con số thống kê thất nghiệp khủng khiếp ngày càng tăng như thế là nỗi lo vô cùng lớn đối với học sinh chúng em. Nhất là đối với những học sinh khó khăn như con, điều băn khoăn lớn nhất là học nghề gì để sau này ra trường có công việc ngay, thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình ạ?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Con số 4% sinh viên thấp nghiệp thì không khủng khiếp lắm đâu em, vì có nghĩa là 96% có việc làm. Tuy nhiên cũng chia sẻ quan điểm của em vì trên phạm vi toàn cầu, việc làm bao giờ cũng là mối quan tâm lớn. Liên Hợp Quốc có khảo sát khoảng 10 triệu người trên về mối quan tâm lớn nhất, thì Top 3 là Giáo dục, Y tế và Việc làm. Để có việc làm ngay, việc làm tốt, em cần chọn ngành phù hợp và trường tốt. Chọn ngành không phù hợp sẽ khó có cơ hội làm việc đúng ngành nghề sau này, chọn trường tồi thì giá trị của tấm bằng không cao. Nếu xem việc làm là mục tiêu số một, thì em có thể tham gia học chương trình Chuyên viên Phần mềm 16-20 tháng của FPT (cấp chứng chỉ) tại Đà nẵng, ra trường có việc ngay tại công ty FPT Software Đà nẵng.

Hồ Thị Ngọc Tuyền – 47 tuổi – [email protected]

Con tôi hiện đang học lớp 12, giỏi Tiếng Anh, thích hoạt động xã hội. Mong muốn năm sau dự thi vào Ngành Ngôn ngữ Anh hoặc Nhật, không biết cơ hội làm việc toàn cầu của ngành này như thế nào? Có thể làm được những công việc gì?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Nhật sẽ học chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa của nước sở tại. Hai chuyên ngành này có 2 hướng để lựa chọn là ngoại ngữ thương mại và ngoại ngữ công nghệ thông tin. Con chị có thể làm biên phiên dịch tiếng Anh hoặc tiếng Nhật; Điều phối viên chuyên làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, các Bộ, các ngành hữu quan của Việt Nam, tổ chức kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp tổ chức châu Âu, Anh – Mỹ, Nhật Bản, các nước sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật là ngôn ngữ chính. Riêng với ngành tiếng Nhật nhánh công nghệ thông tin thì cơ hội làm việc tại Nhật là rất cao. Mời chị tham khảo thông tin về 2 chuyên ngành này trên website của Đại học FPT.


Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, Đại học FPT trong thời gian du học tại Đại học Rissho Nhật Bản.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, Đại học FPT trong thời gian du học tại Đại học Rissho Nhật Bản.

Thanh Nguyen Quynh – Tuổi: 17 – Email: [email protected]

Em muốn hỏi, điểm trung bình Toán, Văn trên 7,5 và Anh văn trên 5,0. Vậy em có thể xét tuyển bằng học bạ không? Và trường mình có xét hạnh kiểm của 3 năm học THPT hay không? Em cám ơn!

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào em,

Khi nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ nhà trường không yêu cầu điểm trung bình của từng môn phải trên 7,0 và không yêu cầu xét theo hạnh kiểm của 3 năm học THPT mà theo quy chế tuyển sinh của Trường Đại học FPT em chỉ cần đạt: Tổng điểm trung bình 3 môn trong 5 học kỳ liêp tiếp ở THPT từ 21 điểm trở lên xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT là em có thể nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường. Em có thể tham khảo điều kiện xét tuyển vào Đại học FPT tại đây .

Nguyễn Tiến Dung – Tuổi: 17 – Email: [email protected]

Cho em hỏi chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hay tiếng Việt và có giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy không?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào em,

100% giáo trình của trường (trừ một số môn bắt buộc sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhập từ nước ngoài, có bản quyền của các nhà xuất bản nổi tiếng như McGraw Hill, Pearson, Cengage, Jones and Bartlett Learning,…

Số giáo trình này nhập nguyên bản, tất cả sinh viên được phát một bộ sách theo học kỳ, theo môn đăng ký học (trường cho mượn miễn phí). Giáo trình cập nhật khoảng 2-3 năm một lần, tùy theo mục tiêu chương trình học trường sẽ đổi sách phù hợp hoặc cập nhật sách tái bản.

Trường có giảng viên người nước ngoài đến từ các nước khác nhau tùy từng môn học và ngành học giảng dạy xen kẽ với giảng viên người Việt em nhé.

Mai Huỳnh Anh – Giới tính: Nữ – Tuổi 18

Em được biết năm nay học bổng Nguyễn Văn Đạo có kỳ thi xét tuyển riêng, vâỵ kỳ thi học bổng của Trường Đại học FPT sắp tới đề thi ra nội dung như thế nào ạ, có giống các phần với đề thi tuyển sinh đầu vào của trường không? em cám ơn!

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào Huỳnh Anh nhé,

Đề thi học bổng của Trường Đại học FPT thì cấu trúc đề chỉ có 1 đề chung cho tất cả các ngành. bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm toán tư duy logic thi trong 120 phút. Đề nghị luận cùng đề thi đầu vào thi trong 60 phút.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học FPT năm 2017 diễn ra vào ngày 14/5/2017.
Kỳ thi tuyển sinh Đại học FPT năm 2017 diễn ra vào ngày 14/5/2017.

Nguyễn Hoàng Minh – Giới tính: Nam – Tuổi: 21 – Email: [email protected]

Anh học gì từ trường đại học cho kinh nghiệm khởi nghiệp của mình?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Khi học Đại học FPT, mình được trang bị rất nhiều kiến thức chuyên môn, chính điều này giúp mình tự tin hơn khi làm việc và khởi nghiệp về sau. Tại Đại học FPT mình còn được trải nghiệm và được làm việc thực tế tại doanh nghiệp (OJT) ngay từ năm 3, đây là bước ngoặt lớn nhất, giúp mình có những trải nghiệm thực tế, hiểu thêm về lĩnh vực sẽ làm sau khi ra trường.

Lê Trọng Phú Sơn – Giới tính: Nam – Tuổi: 45 – Email: [email protected] – Mobile: 0987893xxx

Xin hỏi ban tư vấn, nên hướng cho con gái chọn nghề nào để khi ra trường khỏi thất nghiệp?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Thế mạnh của phụ nữ là tư duy cảm xúc, không phải là tư duy logic. Vì vậy, con gái nên chọn những ngành phù hợp với tư duy cảm xúc, không nên chọn những ngành mang tính quy tắc cứng nhắc.

Nguyễn Quang Huy – Giới tính: Nam- Tuổi: 18

Em muốn biết nếu em đăng ký học Đại học FPT tại cơ sở Đà Nẵng thì chất lượng đào tạo và học phí như thế nào ạ?

Ths. Vũ Thu Chinh – Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học FPT

Chào em,

Chất lượng đào tạo, các giáo trình, học liệu… của trường Đại học FPT là tương đương nhau ở tất cả các cơ sở đào tạo. Ngoài ra khi đăng ký học Đại học FPT tại Đà Nẵng năm 2017, em được nhận mức học phí ưu đãi và chỉ bằng 70% học phí công bố năm 2017 của Đại học FPT.

Huyền My – Giới tính: Nữ – Tuổi: 19 – Email: [email protected]

Thưa TS. Lê Trường Tùng, ai cũng nhăm nhe khởi nghiệp lấy ai xây dựng doanh nghiệp? Lấy nguồn khách hàng của công ty mình đang làm ra thành nguồn khách hàng của riêng mình có coi là khởi nghiệp? Làm thương mại là chính, không lo đầu tư kĩ thuật công nghệ có phải khởi nghiệp lành mạnh không? Vấn đề pháp lý khi làm những lĩnh vực còn quá mới được hỗ trợ thế nào?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Cám ơn Huyền My với các câu hỏi rất cụ thể. Việc ai cũng nhăm nhe khởi nghiệp thì lấy ai làm việc khác – thì chắc em không phải lo, xã hội có cơ chế tự điều tiết. Việc lấy nguồn khách hàng của nhau liên quan đến phạm trù cạnh tranh được điều tiết bởi Luật Cạnh tranh chứ không liên quan đến khởi nghiệp. Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi bị cấm, còn cạnh tranh lành mạnh thì không sao cả, mà còn tốt là đằng khác. Khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại bây giờ cũng cần công nghệ cao, nếu không sẽ không cạnh tranh được và khó đi lâu dài. Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp được làm những gì nhà nước không cấm, cho nên làm lĩnh vực mới ít bị luật chi phối hơn, em yên tâm nhé.

Tại Đại học FPT, người học xác định được đích đến là người làm chủ doanh nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, họ biết bản thân cần học gì để lên kế hoạch rèn luyện, tích lũy trong quãng đường 4 năm.
Tại Đại học FPT, người học xác định được đích đến là người làm chủ doanh nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, họ biết bản thân cần học gì để lên kế hoạch rèn luyện, tích lũy trong quãng đường 4 năm.

Bùi Thanh Nguyện – Tuổi: 55 – Email: [email protected]

Chào anh Lê Minh. Tôi là phụ huynh học sinh, năm nay con tôi đang học lớp 12. Cháu rất thích khởi nghiệp và gia đình cũng muốn định hướng cho cháu theo hướng này. Theo anh, học ngành gì dễ khởi nghiệp?

TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Ban chương trình quốc gia về việc làm – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chào anh Nguyện,

Hiện nay theo thống kê có hàng nghìn ngành nghề khác nhau. Nếu cháu nhà mình có đam mê chọn đúng ngành nghề của mình, cháu hoàn toàn có thể thành công khi khởi nghiệp. Tôi đưa ra 2 ví dụ: 1 của Mỹ, 1 của Việt Nam. Chắc bạn biết Bill Gates, anh ấy học đến năm thứ 2 thì bỏ học để đuổi theo đam mê về máy tính của mình, và cuối cùng anh ấy đã là người lãnh đạo tập đoàn Microsoft hùng mạnh trên toàn thế giới và trở thành người giàu nhất hành tinh. Anh ấy từng nói vui: “Nếu hồi ấy tôi tiếp tục học đại học thì bây giờ không có Bill Gates (tất nhiên sau này anh đã quay lại Harvard để lấy bằng tốt nghiệp).

Ví dụ thứ 2, ở huyện Chương Mỹ ngoại thành Hà Nội có anh Tạ Đức Duy chỉ học đến lớp 12 nhưng cực kỳ đam mê ngành cơ khí, anh đã mày mò, học hỏi qua bạn bè, qua sách vở và thành công khi chế tạo được 1 máy nông nghiệp có đến 15 chức năng khác nhau sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Anh đã thành lập một xưởng cơ khí mang tên Đức Duy với 20 công nhân, lương bình quân của công nhân khoảng 6 triệu đồng 1 tháng (nên nhớ sinh viên đại học mới tốt nghiệp ra trường, nhiều người chỉ được khoảng hơn 3 triệu 1 tháng). Mới đây anh Duy đã là một trong 10 thanh niên tiêu biểu được Thủ tướng tặng bằng khen.

Võ Hà Duyên – Giới tính: Nữ – Tuổi 24 – Email [email protected]

Điều gì mới thực sự giúp một sinh viên khởi nghiệp thành công thưa TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT

Chào bạn, có nhiều kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Nhưng những mô hình thành công nói chung đều xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, từ tham vọng lớn, việc thực hiện đầy máu lửa, và một chút gặp may nữa.

Vũ Như Anh – Giới tính: Nữ – Tuổi: 26 – Email: [email protected]

Sinh viên mong muốn khởi nghiệp nhưng lại băn khoăn giữa hai lựa chọn, cụ thể nên chú trọng kiến thức chuyên môn hay “vươn” sang những kiến thức tổng hợp khác mà doanh nghiệp cần để dễ dàng tiếp cận thị trường lao động? Ban tư vấn hãy cho em lời khuyên?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Có nhiều mô hình khời nghiệp, có thể cần chuyên môn rất sâu để hình thành doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ chuyên sâu, ví dụ như phát minh ra cơ chế chữa bênh hiểm nghèo và hình thành doanh nghiệp để thị trường hóa cơ chế chữa bệnh nảy. Tuy nhiên nhiều người khởi nghiệp không cần kiến thức chuyên môn quá sâu, mà cần đủ rộng để tồn tại và phát triển trên thương trường. Tôi thì cho rằng năng lực khởi nghiệp không liên quan gì đến việc học sâu hạy rộng cả, cần nhất là tinh thần khởi nghiệp và môi trường khởi nghiệp

Phạm Huyền Anh – Giới tính: Nữ – Tuổi: 20 – Email: [email protected]

Khi có ý tưởng thì một sinh viên cần cân nhắc những điều kiện gì để quyết định thời điểm thích hợp bắt đầu khởi nghiệp? Là sinh viên khối kỹ thuật nhưng lại muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống thì có được không ạ?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Chào bạn Huyền Anh,

Có được tinh thần khởi nghiệp, là phải luôn nung nấu ý định khởi nghiệp, khi thấy có cơ hội kinh doanh là làm ngay bằng nguồn lực của mình, không đủ thì vận động nguồn lực người khác cùng tham gia, vì cũng ý tưởng đó, mình không làm người khác làm mất. Ăn uống luôn là lĩnh vực có khách hàng, sẽ có nhiều người học kỹ thuật nhảy vào lĩnh vực ăn uống – thực phẩm, tuy nhiên khi làm cần lưu ý đến phân khúc khách hàng và việc áp dụng công nghệ cao như thế nào.

Đoàn Hải Mạnh – Giới tính: Nam – Tuổi: 17 – Email: [email protected]

Em muốn hỏi anh Hiếu, một người trẻ mới ra trường thì nên làm công trước để tích lũy kinh nghiệm rồi sau đó làm chủ sẽ tốt hơn hay là tự lập nghiệp để làm chủ ngay từ đầu?

Cựu sinh viên Đại học FPT Trần Trung Hiếu – Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam.

Không quan trọng là lúc nào, quan trọng là để bắt đầu làm bất kỳ cái gì cũng cần có kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết để làm việc. Chúng ta chỉ có điều đó khi có trải nghiệm thực tế, vì vậy ngay từ lúc đang ngồi ghế nhà trường nên làm thêm để trải nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Đây là điều quan trọng cho mỗi ai có mong muốn và dự định khởi nghiệp về sau. Tại Đại học FPT mình may mắn có được môi trường tốt để thực hiện điều đó, các thầy cô tạo nhiều điều kiện để sinh viên được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn.

Nguyễn Quang Minh – Giới tính: Nam – Tuổi: 19 – Email: [email protected] – Mobile: 0988240xxx

Thưa TS, từ kinh nghiệm của ông thì sinh viên khởi nghiệp thường gặp những sai lầm như thế nào? Hiện, các khởi nghiệp của sinh viên thường tập trung ở những lĩnh vực nào? Lĩnh vực nào chứng kiến nhiều khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ? Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp không ạ?

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp theo phong trào, không định làm thật, chỉ dừng lại ở ý tưởng dự thi, được giải xong lại nghĩ ra ý tưởng khác dự thi tiếp – dẫn đến ý tưởng tô vẽ phục vụ người chấm là chính. Trong thời gian qua, các lĩnh vực mà các bạn trẻ khởi nghiệp thành công thì hoặc là công nghệ cao (CNTT), hoặc là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng (trồng trọt chăn nuôi), hoặc là kinh doanh – đặc biệt là kinh doanh qua mạng. Tôi nghĩ khởi nghiệp là cứ làm đi, máu lửa, chọn lĩnh vực ít mạo hiểm, đầu tư ít, theo chiến thuật “bắn đạn nhỏ”, và có thất bại thì cũng được rất nhiều kinh nghiệm quý báu tạo nền tảng cho các công việc sau này.

Chúc các bạn trẻ chọn đường ngành nghề và trường đúng sở nguyện của mình. Chúc các bạn khởi nghiệp thành công.

Dân trí