“Hồi đó, mấy năm tiểu học, Phan Anh dành toàn bộ số tiền của mình để mua báo Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Hồng,… chứ không có tiền mua sách. Đọc báo thấy thích rồi cũng thử viết một bài gửi đi. Bất ngờ là mẩu báo nhỏ lần đầu tiên Phan Anh viết lại được đăng”
MC Phan Anh đến với nghề rất tình cờ và đạt nhiều thành công
Bước vào làm trong lĩnh vực truyền hình từ năm 2004, đến nay đã được hơn 12 năm nhưng MC Phan Anh vẫn không nhận mình là nhà báo. Anh nói: “Nghề báo rất cao quý. Đó là một ngành có quyền lực mềm, quyền lực thứ tư trong xã hội. Vì vậy, vai trò, vị trí của một nhà báo trong xã hội là rất lớn. Đến giờ, tôi vẫn không dám nhận mình là một nhà báo”.
Con đường đến với lĩnh vực truyền hình của MC Phan Anh có lẽ dễ dàng và may mắn hơn nhiều người khác. Anh chia sẻ rằng, có một người bạn “xúi” đi phỏng vấn làm trong đài truyền hình. Và anh cũng nghe theo nhưng không hề tìm hiểu kỹ về công việc sắp đến để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.
Anh hài hước nhớ lại: “Ngồi bên ngoài chờ đến lượt mình phỏng vấn, nghe người ta nói hỏi bằng tiếng Anh nên Phan Anh sợ dữ lắm. Hồi đó mình lại dở tiếng Anh dữ lắm. Ai dè khi vào đối mặt, chị phỏng vấn nhìn vào mặt Phan Anh rồi nói: Bạn này mặt sáng nè, làm MC không em? Phan Anh cũng thích lắm và gật đầu ngay. Từ đó bắt đầu làm MC cho đài truyền hình luôn”.
Đó là câu chuyện bén duyên với nghề truyền hình và gắn bó cho đến hiện nay của MC Phan Anh. Tuy lúc ấy chưa học qua một lớp đào tạo về báo chí, truyền hình nào nhưng Phan Anh lại bắt nhịp rất nhanh với nghề. Anh đã học bằng việc chứng kiến các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và các thành viên của một ekip làm việc. Dần dà, anh đã bắt nhịp được với công việc mới này.
Tuy đến với nghề rất bất ngờ nhưng MC Phan Anh đã thật sự thành công khi gắn bó với rất nhiều chương trình đình đám và hầu hết người xem truyền hình đều biết đến anh.
Một điều thú vị mà ít ai biết rằng, chàng MC thường xuyên xuất hiện trên truyền hình này đã có tác phẩm báo chí đầu tiên do mình viết vào năm học lớp 4. Phan Anh chia sẻ: “Hồi đó, mấy năm tiểu học, Phan Anh dành toàn bộ số tiền của mình để mua báo Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Hồng,… chứ không có tiền mua sách. Đọc báo thấy thích rồi cũng thử viết một bài gửi đi. Bất ngờ là mẩu báo nhỏ lần đầu tiên Phan Anh viết lại được đăng”.
Sau đó, để tạo thêm tình tiết hấp dẫn cho những bài viết sau, Phan Anh đã bắt đầu thêm thắt vào những bài báo cho mình thêm sinh động. Nhưng dường như ban biên tập nhận ra nên Phan Anh chờ mãi mà các bài này vẫn không thấy xuất hiện trên mặt báo. Chính điều này làm Phan Anh nhận ra ra rằng: “Người làm báo cần phải trung thực với câu chuyện của mình. Sự thật, khách quan trong nghề báo vừa là sứ mệnh vừa là đạo đức nghề nghiệp cao quý này”.
Theo Thuchienuocmo.vn