Ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt: ​nhiều lựa chọn việc làm

0
2176

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các nhà máy giấy/thực phẩm/dệt… hoặc tại các công ty cơ điện lạnh, các cao ốc văn phòng… hay tại sở khoa học công nghệ, đi giảng dạy…

‘Nhiều người nghe cái tên kỹ thuật nhiệt rất khô khan và có vẻ khó hiểu, thật ra nó là mảng về năng lượng, liên quan tất cả các lĩnh vực đời sống. Đời sống càng phát triển, cơ hội việc làm trong ngành này càng cao’.

Đó là nhận định của TS Lê Minh Nhựt, trưởng bộ môn công nghệ kỹ thuật nhiệt, phó trưởng khoa cơ khí động lực Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Nhiều lựa chọn về việc làm

Công nghệ kỹ thuật nhiệt là ngành học nghiên cứu về các hệ thống kỹ thuật nhiệt, lạnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thiết kế, vận hành các hệ thống, trang thiết bị nhiệt – lạnh, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống con người cũng như sản xuất công nghiệp.

Đây là một ngành tương đối mới nhưng phát triển rất mạnh trong những năm gần đây cũng như trong tương lai. Theo TS Lê Minh Nhựt, sinh viên học ngành này sẽ được học các môn cơ bản như truyền nhiệt, nhiệt động, các môn chuyên ngành thì học về điều hòa không khí, kỹ thuật lạnh, bơm hoặc máy nén, lò hơi, nhà máy nhiệt điện, kỹ thuật sấy…

Nhìn chung, công nghệ kỹ thuật nhiệt là một khái niệm rất rộng, liên quan nhiều đến năng lượng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các nhà máy nhà máy giấy, nhà máy thực phẩm, nhà máy dệt, nhà máy đông lạnh, nhà máy đường hoặc tại các công ty cơ điện lạnh, các cao ốc văn phòng…

“Ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm và sinh viên có nhiều lựa chọn về công việc. Hiện nay, nhu cầu sử dụng điều hòa là rất cao, hầu hết các tòa nhà đều lắp đặt điều hòa.

Hoặc như trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm thì hầu như tất cả nhà máy khi xây dựng lên đều có quạt thông gió, điều hòa không khí, các đường ống cấp hơi cấp nhiệt.

Các ngành bên thủy sản thì tôm đông lạnh, cá đông lạnh… Tất cả những cái này đều dính dáng đến kỹ thuật nhiệt hết, do đó không lo thiếu việc làm”, ông Nhựt cho biết.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể lựa chọn làm việc tại các phòng tiết kiệm năng lượng thuộc sở khoa học công nghệ, phục vụ công tác giám sát, lắp đặt và vận hành trong các nhà máy nhiệt điện hoặc về giảng dạy các trường ĐH, CĐ, Trung cấp, THPT…

Mức thu nhập tối thiểu của sinh viên mới ra trường là 6 triệu đồng, có sinh viên mức lương khởi điểm 9 triệu đồng tùy thuộc vào năng lực, trình độ ngoại ngữ.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Tại khoa công nghệ kỹ thuật nhiệt, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sinh viên không chỉ được học kiến thức trên lớp còn được thực hành với hệ thống máy móc trong trường và tại các nhà máy.

Ngay từ năm 1, năm 2, sinh viên đã được đi đến tham quan các nhà máy để có khái niệm về ngành nghề. Đến năm 3, năm 4, sinh viên sẽ được thực tập, làm việc với máy móc hiện đại để nâng cao tay nghề.

“Chúng tôi đào tào sinh viên theo nhu cầu xã hội, vừa có kiến thức để nghiên cứu làm việc và vừa có tay nghề. Đào tạo sát với thực tế để khi sinh viên ra làm việc sẽ không bị bỡ ngỡ, các doanh nghiệp cũng không cần phải đào tạo lại”, ông Nhựt nói.

Hằng năm đều có các doanh nghiệp gửi công văn về trường để tuyển dụng. Đồng thời các doanh nghiệp cũng thường xuyên tặng học bổng, liên kết tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên ngành để sinh viên hiểu thêm về ngành nghề mình đang theo học.

Cũng theo ông Nhựt, ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt hơi khô khan nên chủ yếu là sinh viên nam, nữ theo học rất ít, chưa tới 10 sinh viên nữ mỗi khóa. Chính sách của trường là rất khuyến khích nữ theo học, một số ngành còn giảm 50% học phí cho đối tượng sinh viên nữ.

Mặc dù cơ hội việc làm rộng mở nhưng vẫn có những thách thức đối với sinh viên, thách thức lớn nhất là trình độ ngoại ngữ.

“Bất cứ ngành nghề nào bây giờ cũng vậy, ngoại ngữ rất quan trọng. Chuẩn tiếng Anh hiện tại của trường là TOEIC 450 nhưng sẽ nâng lên thành 500. Trong trường cũng có nhiều CLB tiếng Anh, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để hỗ trợ sinh viên”, ông Nhựt cho biết.

“Học không nặng, dễ xin việc làm”

Nguyễn Thanh Tịnh, sinh viên năm cuối khoa công nghệ kỹ thuật nhiệt, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Mình chọn học ngành này vì đam mê, thích tìm tòi, nghiên cứu hệ thống, máy móc. Theo mình thì có đam mê mới làm được việc, còn không thì sẽ chán lắm!”.

Trong khi đó Hồ Ngọc Vũ – cựu sinh viên khoa công nghệ kỹ thuật nhiệt, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện đang làm việc tại Công ty Daikin Việt Nam – cho biết ngay từ khi còn học năm 2, Vũ đã đăng ký học tiếng Anh tại các trung tâm để rèn các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và đến hiện tại, anh vẫn đi học tiếng Anh thường xuyên để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Vũ cũng chia sẻ thêm: “Theo bản thân mình thấy, công nghệ kỹ thuật nhiệt là một trong những ngành rất dễ xin việc làm. Khối lượng học ngành này cũng không quá nặng nề. Nếu bạn có niềm yêu thích về công nghệ, kỹ thuật thì nên lựa chọn ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt. Song song với đó là không ngừng rèn ngoại ngữ để có một công việc ổn định trong tương lai”.

TTO