Thí sinh nên chọn trường rồi chọn nghề hay xác định nghề nghiệp trước?

0
1485

Kì thi THPT Quốc gia đã cận kề, những câu hỏi về chọn trường – chọn nghề lại “nóng” hơn bao giờ hết. Lối đi nào giúp các bạn có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình và tìm được một công việc thích hợp – đó có lẽ không chỉ là trăn trở riêng của những thí sinh dự thi năm nay…

“Chọn trường rồi chọn nghề” là cách thức lựa chọn chủ yếu dựa trên danh tiếng của các ngôi trường. Đặc biệt, từ bao lâu nay, mọi người vẫn thường truyền tai nhau câu nói “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” để khẳng định sự đúng đắn của lựa chọn này. Y, Dược, Bách khoa đều là những ngôi trường có tiếng tăm, từng đào tạo ra nhiều cá nhân xuất sắc. Nếu hỏi lợi ích theo đuổi những ngôi trường này là gì, chắc chắn phải kể đến việc gia đình bạn sẽ “phổng mũi” như thế nào khi khoe họ hàng làng xóm: “Cháu nó đang học Y/học Bách khoa đấy!”

“Mình thích vẽ vời từ bé, cũng hay đoạt giải các cuộc thi vẽ do mấy tờ báo học trò tổ chức. Nhưng khi biết mình có dự định thi Mỹ thuật, bố mẹ vẫn tìm cách ngăn cản rất quyết liệt. Đến ngày thi, mình phải trốn đi. Nói chung, muốn thi ĐH theo đam mê của bản thân, bạn sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần để chứng minh với bố mẹ lựa chọn của mình là đúng đắn” – Trần Thanh Tâm, sinh viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Trên thực tế thì ngoài những ưu điểm rất dễ nhận thấy, cả 2 cách lựa chọn trên đều có những hạn chế mà ít thí sinh nào ở tuổi 18 nhận ra được. Nếu chọn trường chỉ vì danh tiếng, bước vào ĐH, các bạn rất dễ “sốc” vì một môi trường học tập thường không giống như tưởng tượng. Bên cạnh đó, nhiều bạn còn nhận ra mình không thực sự hợp với ngành học, phát hiện ra mình có những đam mê khác… nên dần thờ ơ và bỏ bê việc học.

Còn khi chọn ngành học theo sở thích, bạn rất dễ bị “đánh lừa” bởi vô vàn các thông tin “lung linh” về ngành nghề tương lai mà bỏ qua các mặt trái của nó. Ví dụ, Thiết kế đồ họa là một ngành nghề rất thời thượng, bạn lại vẽ đẹp và bạn nghĩ rằng mình quá thích hợp. Nhưng bạn lại không có tính kiên trì, không chịu được áp lực. Vậy làm sao bạn chịu nổi việc phải “ngồi lì” từ 8 đến 10 tiếng một ngày (thậm chí hơn) bên bàn làm việc chỉ để sửa lại một đống thiết kế theo yêu cầu khách hàng?

Câu hỏi đặt ra từ những hạn chế trên là: “Tại sao chúng ta không chọn một ngôi trường vừa danh tiếng, vừa có ngành học mình yêu thích?”

Đương nhiên, bạn sẽ mất công “đãi cát tìm vàng” hơn rất nhiều. Nhưng hãy thử so sánh giữa việc ngay bây giờ bỏ ra vài tuần để tìm hiểu về ngành học, trường học mà mình yêu thích với việc mất đến 4 năm tại một nơi mình hoàn toàn không muốn, cái nào mang lại lợi ích và hiệu quả lớn hơn?

Hiện nay, danh tiếng của một ngôi trường không chỉ bó hẹp trong “Y, Dược, Bách khoa” như mọi người vẫn thường nói. Đó còn là những ngôi trường được các tổ chức quốc tế công nhận chất lượng đào tạo. Ví dụ như ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 800 ĐH tốt nhất thế giới, ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc top 1000 (theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds) hay trường ĐH FPT nằm trong số 17% trường đại học tốt nhất châu Á, và là một trong hai trường ngoài công lập tốt nhất Việt Nam (theo công bố của Webometrics).

Ngược lại, “chọn nghề rồi mới chọn trường” là cách thức chọn lựa dựa theo sở trường của bản thân. “Mình muốn gì?, “mình muốn trở thành ai?”, “mình giỏi làm gì nhất?”… chính là những câu hỏi khiến các bạn phải trăn trở chứ không phải mức độ danh tiếng của ngôi trường. Và theo lựa chọn này, khả năng cao là nguyện vọng của bạn sẽ không hoàn toàn trùng khớp với mong muốn của gia đình, thầy cô và nhà trường.

Về ngành học, đừng chỉ quan tâm đến sở thích của bản thân mà hãy tìm hiểu cả các thách thức lẫn nhu cầu tuyển dụng của thị trường để có sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Truyền thông, Du lịch – lữ hành,… đang là các lựa chọn rất “hot” bởi thu nhập cao và nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, trường ĐH FPT mở 2 ngành mới là IoT (Internet vạn vật) và AI (Trí tuệ nhân tạo). Đây đều là những xu hướng công nghệ thời thượng mà cả thế giới đang theo đuổi. Bởi vậy, nếu lựa chọn ngành học này, thí sinh không cần quá lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp.

Như thế, rõ ràng câu hỏi từng gây khó cho bao thế hệ học sinh “chọn trường rồi chọn nghề hay xác định nghề nghiệp trước” sẽ dễ dàng được hóa giải khi bạn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho tương lai của chính mình.