Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Bảo đảm không làm khó giáo viên, học sinh

0
634

Thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Minh họaThí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Minh họa

Ngày 3/4, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành đề thi tham khảo các môn thi THPT quốc gia 2020, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong học kỳ II năm học 2019 – 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy học ở các nhà trường. Để hướng tới Kỳ thi THPT quốc gia 2020 thành công, không gây khó khăn, lo lắng, áp lực không cần thiết với giáo viên, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, việc ban hành đề thi tham khảo là cần thiết.

Đề thi tham khảo giúp nhà trường, giáo viên, học sinh định hướng dạy học, ôn tập chủ động, chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào Kỳ thi THPT quốc gia. Đây là tài liệu tham khảo, đề nghị các nhà trường nghiên cứu kỹ, khai thác thật sâu để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch ôn tập trong thời gian tới. Từ đề thi tham khảo, gợi mở tương đối cụ thể, chi tiết, giúp định hướng công tác ôn tập trong các nhà trường.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Nói về nội dung kiến thức trong đề thi tham khảo, theo ông Mai Văn Trinh, Quy chế thi THPT quốc gia đã nói rõ, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Các nội dung được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ không đưa vào đề thi.

“Năm học 2019 – 2020, học kỳ I được tổ chức đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng sang học kỳ II, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên dù đã tinh giản nội dung dạy học, nhưng điều kiện tổ chức dạy học ở các địa phương khác nhau, do đó, trong đề thi tham khảo, chúng tôi cũng tính toán làm sao phù hợp với nội dung tinh giản, nhưng mặt khác phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đối với các địa phương trong cả nước, bảo đảm không làm khó, không gây sốc đối với giáo viên, học sinh” – ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng đề nghị các nhà trường, giáo viên, học sinh nghiên cứu kỹ đề tham khảo để xác định nội dung trọng tâm, nội dung nào cần chú trọng nhiều hơn, bảo đảm dạy học một cách trọn vẹn, đầy đủ theo tinh thần tinh giản; tuyệt đối không cắt bỏ chương trình.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại