Bí quyết nhận diện 12 biện pháp tu từ và tác dụng trong việc mang lại hiệu quả nghệ thuật về diễn đạt sẽ giúp thí sinh giành điểm tuyệt đối phần Đọc hiểu môn Ngữ văn thi THPT quốc gia.
Biện pháp tu từ là một trong những phần kiến thức tiếng Việt quan trọng thường xuất hiện trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn. Để giành trọn điểm câu này trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thí sinh cần nắm vững được 12 biện pháp tu từ và tác dụng của mỗi biện pháp trong việc mang lại hiệu quả nghệ thuật về diễn đạt.
Dưới đây là tổng hợp 12 biện pháp tu từ thí sinh cần nắm được.
1. Biện pháp So sánh
– So sánh là đối chiếu hai hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng.
– Giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc.
>> Xem thêm: 22 dạng đề so sánh văn học thường gặp trong đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia
2. Biện pháp Nhân hoá
– Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi… vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối.
– Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn hơn.
3. Biện pháp Ẩn dụ
– Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó.
– Cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.
>> xem thêm: DÀN Ý 6 KIỂU ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
4. Biện pháp Hoán dụ
– Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó.
– Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc.
5. Biện pháp Đảo ngữ
– Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu.
– Nhấn mạnh, gây ấn tượng về nội dung biểu đạt.
6. Nói giảm, nói tránh
– Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển.
– Làm giảm nhẹ đi ý đau thương, mất mát nhằm thể hiện sự trân trọng.
7. Biện pháp Nói quá
– Nói quá là phép tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả.
– Nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
8. Phép đối
– Phép đối là cách sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau.
– Tạo hiệu quả hài hòa, cân đối trong diễn đạt. Nhấn mạnh về ý, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu.
9. Điệp ngữ
– Điệp ngữ là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ.
– Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng – tăng giá trị biểu cảm.
10. Câu hỏi tu từ
– Câu hỏi tu từ là hình thức thể hiện câu hỏi nhưng không yêu cầu câu trả lời.
– Bộc lộ cảm xúc.
11. Liệt kê
– Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại.
– Diễn tả cụ thể, toàn điện.
12. Dấu chấm lửng (dấu ba chấm)
– Dấu chấm lửng hay còn gọi là dấu ba chấm dùng để biểu thị rằng người viết đã không diễn đạt hết ý.
– Tác dụng: Tạo điểm nhấn hoặc gợi sự lắng đọng của cảm xúc.
Trên đây là tổng hợp 12 biện pháp tu từ thường gặp trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn thí sinh cần nắm được để làm tốt bài thi. Chúc các thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới.
Theo thptquocgia.org