Nhiều đại học thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh

0
302

Trong đề án chính thức, Đại học Lao động – Xã hội và Học viện Ngoại giao giảm nhẹ chỉ tiêu, phân bổ lại tỷ lệ các phương thức so với kế hoạch dự kiến.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 vào 10/6, các đại học cũng ban hành đề án tuyển sinh chính thức.

So với dự kiến công bố đầu tháng 4, Đại học Lao động – Xã hội giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong đề án chính thức. Cụ thể, tại trụ sở chính Hà Nội, trường tuyển 1.900 sinh viên từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, 473 em xét học bạ. Với cơ sở TP HCM, chỉ tiêu cho hai phương thức này lần lượt là 700 và 180. Tổng chỉ tiêu của hai cơ sở là 3.253, ít hơn khoảng 500 so với lúc dự kiến.

Đại học Lao động – Xã hội vẫn duy trì ổn định ba phương thức xét tuyển, gồm căn cứ kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. Nếu chọn phương thức cuối, thí sinh phải thuộc một trong các trường hợp: là anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua; đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia trở lên; là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hoặc học sinh các trường dân tộc nội trú, người nước ngoài.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển thẳng và học bạ từ 20/6 đến 20/7, còn kết quả thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm chuẩn năm 2021 của Đại học Lao động – Xã hội dao động 14 đến 22,4. Mức thấp nhất giữ nguyên, trong khi mức cao nhất tăng hơn 7 điểm so với năm 2020. Ngành Quản trị Nhân lực lấy điểm chuẩn cao nhất, còn Bảo hiểm thấp nhất.

Điểm chuẩn tại cơ sở TP HCM cao hơn, từ 15 đến 23,5, trong đó Quản trị Nhân lực tiếp tục dẫn đầu, nhiều ngành khác trên 20.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Với Học viện Ngoại giao, trường không thay đổi nhiều dự thảo đã công bố, nhưng giảm tổng chỉ tiêu (từ 2.200 xuống 2.010), đồng thời phân chia lại tỷ lệ chỉ tiêu của các nhóm thí sinh trong năm phương thức công bố cuối tháng 4.

Xét học bạ là phương thức chủ đạo của Học viện Ngoại giao trong năm 2022 với 67% chỉ tiêu. Thí sinh phải đạt điểm tổng kết trung bình từ 8 trở lên trong 3/5 kỳ học bất kỳ; đồng thời thuộc một trong ba nhóm: đoạt giải Olympic quốc gia, quốc tế; là học sinh trường THPT chuyên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Học viện Ngoại giao còn dành 2% chỉ tiêu để xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn, áp dụng cho thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài; 3% cho phương thức kết hợp xét học bạ và phỏng vấn, dành cho thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học… hoặc đoạt giải các cuộc thi quốc tế.

25% chỉ tiêu được dành để tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, 3% xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều kiện của năm phương thức không thay đổi so với kế hoạch dự kiến mà trường đã công bố.

Trước đó, Đại học Kinh tế quốc dân công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Trường tuyển 6.100 sinh viên, tăng 100 so với năm ngoái. Bên cạnh giữ ổn định ba phương thức như năm 2021, gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục, xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (tổng 63% chỉ tiêu), xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (35%); Đại học Kinh tế Quốc dân dành 2% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy.

Trong đề án riêng, trường tiếp tục chia thí sinh thành 6 nhóm, thay vì 7 nhóm như dự thảo hồi đầu tháng 1 và bản sửa đổi giữa tháng 5. Sự thay đổi này bởi nhóm ba – xét tuyển thí sinh bằng kết quả thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội – được chuyển thành một phương thức xét tuyển.

Từ năm 2023, trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế. Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp.

Hiện nay tồn tại khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học, nhiều trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cách làm này không sai nhưng việc nhiều trường phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức không hợp lý có thể gây ra khó khăn cho thí sinh.

Năm nay, Bộ yêu cầu các trường đảm bảo nguyên tắc ổn định. Đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình giảm (chẳng hạn không quá 30% tổng chỉ tiêu mỗi năm) để không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của học sinh.

Theo Vnexpress