Sinh viên đắn đo ở lại hay rời Hà Nội

0
1882

Hồ Hữu Thi, 21 tuổi, từ Nghệ An ra Hà Nội học một tuần thì trường lại cho nghỉ tiếp phòng Covid-19. Giờ Thi không biết nên về quê hay ở lại.

Là sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thi mới trở lại trường ngày 2/3 sau kỳ nghỉ hơn một tháng. Ngày đầu đi học, Thi và các bạn được đo thân nhiệt, phát khẩu trang và nước rửa tay. Thấy nhà trường quan tâm sức khỏe sinh viên, Thi vui vẻ chấp hành.

Sau một tuần học tập trung, tối 7/3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo cho gần 8.000 sinh viên nghỉ học do Hà Nội ghi nhận trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên. Bạn học nhanh chóng thu dọn đồ đạc về quê, Thi lại lưỡng lự.

Bố mẹ đều là bác sĩ, Thi không bị thúc giục nhanh chóng trở về nhà. “Bố mẹ chỉ khuyên mình nên tự cách ly an toàn tại phòng, không đến nơi đông người và thường xuyên rửa tay. Cách vài tiếng mẹ lại gọi điện hỏi thăm tình hình”, Thi kể.

Việc nghỉ học liên tiếp khiến kỳ kiến tập một tháng của Thi bị thay đổi ba lần. Hiện nhà trường thông báo kiến tập từ 30/3 đến 24/6, nhưng cũng “không biết có thực hiện được không”. Nam sinh lo lắng nếu tiếp tục nghỉ học, chương trình không thể hoàn thành đúng tiến độ, sẽ phải ra trường muộn.

Vì Học viện Báo chí và Tuyên truyền chưa tổ chức học online, những ngày vừa qua của Thi chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, xem phim. Nam sinh cũng không thể đi làm thêm trong thời gian có dịch nên “chỉ biết nằm cho qua ngày, đợi mọi thứ tốt lên để trở lại trường”.

Học cùng trường, dưới Hữu Thi một khóa, Phạm Duy Cường (quê Đăk Nông) từng đắn đo ở lại Hà Nội hay về quê. Đầu tháng 3, khi được đi học trở lại, Cường mua vé máy bay rồi ra Hà Nội luôn. Tuy nhiên, đến 6/3 khi Việt Nam có “bệnh nhân 17”, bố mẹ Cường liên tục gọi điện, động viên con trai về nhà.

“Mình lo về nhà sẽ mang mầm bệnh cho bố mẹ và những người xung quanh, làm cả nước khó kiểm soát dịch bệnh hơn. Thêm nữa, mình cũng mới trở lại Hà Nội một tuần, chi phí đi lại cũng tốn kém”, Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, bố mẹ tiếp tục động viên, thậm chí gây sức ép với Cường. Sau khi tự kiểm tra thân nhiệt, chắc chắn mình không sốt và không có biểu hiện bệnh, Cường đặt vé ra sân bay ngay trong sáng 8/3. Xác định lần nghỉ này sẽ không dài như trước, nam sinh chỉ mang vài bộ quần áo và chiếc laptop rời Hà Nội.

Cường đeo hai khẩu trang, đi găng tay và đút tay vào túi áo trong suốt quãng đường từ Hà Nội về Đăk Nông. “Được nghỉ học về nhà mà tâm trạng mình nặng trĩu, khác hẳn một tuần trước khi trở lại Hà Nội. Về đến nhà, bố mẹ mừng lắm, còn mình áy náy, giống như đang bỏ trốn”, Cường nói.

Tương tự, Lê Mạnh, 23 tuổi, quê Phú Thọ cũng đang phân vân về quê hay ở lại sau khi Đại học Bách khoa Hà Nội cho nghỉ học. Đầu tháng 3 khi xuống trường, ngoài hai balo quần áo, đồ dùng cá nhân mang về từ trước Tết, Mạnh được mẹ chuẩn bị cho 3 kg thịt, hai chục trứng, mấy chiếc bắp cải, súp lơ và một ít khoai tây để ăn dần, không phải đi chợ nhiều, tránh tiếp xúc đông người.

Sau một tuần học suôn sẻ, trưa 8/3 khi đang nấu cơm, chàng sinh viên ngành Điều khiển và Tự động hóa nhận thông báo trường đổi phương thức dạy và học từ tập trung ở trường sang học online cho hơn 35.000 sinh viên, do Hà Nội có ca nhiễm nCoV đầu tiên. Mạnh hụt hẫng, nhắn với mẹ “Chắc chiều nay con về”. Gia đình ủng hộ về nhà cho an toàn, nhưng trường lại khuyến cáo sinh viên không rời khỏi nơi cư trú khiến Mạnh phân vân.

Cuối cùng, nam sinh quyết định ở lại Hà Nội thêm xem tình hình sao rồi tính tiếp. Chiều 9/3 là buổi học online đầu tiên sau một tuần học tập trung, Mạnh tỏ ra chán nản. “Thầy giáo mới làm quen với phần mềm dạy online nên khá mất thời gian. Học online cũng khó hiểu hơn, ít tương tác mà không vui vì chẳng có bạn bè bên cạnh để thảo luận”, Mạnh chia sẻ, bày tỏ hy vọng trường sớm thông báo về phương thức học tập tuần tới để sinh viên tính.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ là hai trong hàng chục trường đã đón sinh viên từ 2/3, nhưng lại cho nghỉ tiếp một tuần sau khi Việt Nam ghi nhận thêm 15 ca nhiễm nCoV, trong đó Hà Nội 4 ca. Ngoài ra, những trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân… dự định đón sinh viên trở lại ngày 9/3 cũng hủy bỏ quyết định đi học, tiếp tục gia hạn nghỉ đến 15/3.

Việc các trường thay đổi quyết định khiến hàng chục nghìn sinh viên tại Hà Nội gặp khó khăn trước quyết định về hay ở lại thủ đô. Trước đó, sinh viên của hầu hết trường tại Hà Nội được nghỉ hết tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết dài 2-3 tuần.

Đến ngày 10/3, Việt Nam có 33 người nhiễm nCoV, trong đó 16 người đã được chữa khỏi hoàn toàn. Covid-19 đã lây lan ra 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 115.000 người nhiễm bệnh và hơn 4.000 người chết.

Theo VNE