Thời đại 4.0 học sinh phải giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin

0
2831

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Thế hệ học sinh phổ thông hôm nay may mắn được sinh ra trong thời đại khi cả nhân loại đang chứng kiến những thay đổi hàng ngày bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại”.

Các cháu học sinh Trường phổ thông chuyên Vĩnh Phúc hào hứng giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ảnh Trinh Phúc).

Qua trao đổi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc có thể hiểu, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vận, công nghệ in 3D, robot tự động,… là những đặc điểm lớn của cách mạng công nghiệp 4.0.

“Người ta có thể in nguyên một chiếc ô tô ngay tại một cuộc triển lãm bằng công nghệ in 3D. Thậm chí, bằng công nghệ in 3D các chuyên gia đã tái tạo được tai người có cả mạch máu và sụn tai. Đây được xem là một bước đột phá, tạo nền móng cho việc “in” ra các bộ phận thay thế trên cơ thể người trong tương lai…

Thật khó để hình dung ra hết những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhưng có điều chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ làm thay mạnh mẽ thế giới của chúng ta trong tương lai” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng động viên các cháu học sinh chăm học ngoại ngữ và tin học để trở thành công dân toàn cầu, thành người tự do trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh Trinh Phúc).

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ. Trong tương lai, khi robot sẽ thay thế công việc của con người, nhiều lao động có nguy cơ bị thất nghiệp.

“Nếu các bạn không trang bị cho mình những hành trang tri thức các bạn cũng có nguy cơ bị thất nghiệp” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.

Do đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các em phải chăm chỉ học ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Mục đích của việc học trong thời đại ngày nay là để trở thành người tự do, thành công dân toàn cầu.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Em nào học giỏi công nghệ thông tin thì sáng tạo ra phần mềm như Grab…để đem bán cho nhiều nước thu về ngoại tệ.

Tóm lại, sẽ có rất nhiều con đường dẫn tới thành công cho các bạn học sinh – những người chủ tương lai của đất nước. Miễn là, các em phải có ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới và không ngừng phấn đấu vươn lên”.

Những câu chuyện kể của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về tấm gương vượt khó làm giàu đã truyền tải thông điệp “có chí thì nên” đến các cháu học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc (ảnh Trinh Phúc).

Cơ hội cho các bạn trẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là rất nhiều. Học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc phải cố gắng là những người lao động bằng trí tuệ.“Trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ có vô số ngành mới mở ra.

Các em sẽ có việc làm mới bằng công nghệ mới mà các em tiếp thu được.

Các em không chỉ làm việc trong nước, các em còn đi nước ngoài lao động mà không phải làm chân tay mà làm việc bằng khả năng, kỹ năng có được.

Thế hệ của các em phải học tập giỏi, học công nghệ mới, không chỉ phục vụ cho nước mình mà còn đi nước ngoài triển khai công nghệ mới” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã bồi đắp ý chí cho các em học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc bằng những tấm gương vượt khó vươn lên.

Câu chuyện về Lê Thị Thắm không có hai tay nhưng đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa hay câu chuyện của Trần Hồng Giang ở Nam Định liệt cả tay lẫn chân nhưng có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng bằng biên tập sách cho các nhà xuất bản mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể đã gây xúc động lớn.

“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Chuyện kể về cuộc đời của anh Trịnh Xuân Mười (người Diễn Châu – Nghệ An) trình độ chưa hết cấp hai những trở thành tỉ phú nhờ ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên cũng mang đến cho học sinh thông điệp “có chí thì nên”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cơ hội cho các bạn trẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là rất nhiều (ảnh Trinh Phúc).

 

Theo GDVN