Kết thúc xét tuyển Đại học đợt 1: Điểm chuẩn tăng cao như dự báo

0
981

Kết thúc xét tuyển đợt 1, phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.

Ngày 5/10, theo lịch tuyển sinh đại học năm 2020 của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đều phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h. Điểm chuẩn trúng tuyển các trường đại học năm nay đều tăng như dự báo. Kết thúc xét tuyển đợt 1, phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PV: Thưa bà, các trường Đại học đã công bố điểm chuẩn bằng phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, bà có đánh giá gì về điểm chuẩn, về công tác tuyển sinh năm nay?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Với kết quả xét tuyển lọc ảo được một thí sinh sẽ nhập học bằng phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp phổ thông thì kết quả ban đầu cho thấy có rất nhiều trường đã đạt được chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của mình. Khoảng 205 đơn vị tuyển sinh đã có thể đạt được mức chỉ tiêu ít nhất 70% trở lên và như vậy là kết quả tuyển sinh vào đợt 1 đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng và hiệu quả cũng như giảm áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung mới đây.

Các trường cũng đã rất minh bạch, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh cuối cùng. Thí sinh cũng được đăng ký xét tuyển và được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình. Như vậy là các em đã cân nhắc theo tình hình chung điểm số cũng như năng lực của bản thân để có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mà mình yêu thích.

Chúng tôi cho rằng, phương thức tuyển sinh năm 2020 đã đạt được tính khách quan, công bằng đối với thí sinh cũng như các trường trong quá trình thực hiện mục tiêu đảm bảo tính đổi mới nhưng cũng rất ổn định trong công tác tuyển sinh tiếp theo tinh thần của Nghị quyết 29

PV: Năm nay nhiều ngành điểm chuẩn rất cao, ví dụ như ngành Hàn Quốc của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là 30 điểm. Theo bà đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Thứ nhất là chỉ tiêu xét tuyển vào ngành học đó rất ít trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký lại cao và các trường cũng đã phân bổ những phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu như thí sinh đã trúng tuyển nhiều bằng những phương thức khác không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông phần chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức này còn rất ít. Một lý do tiếp là mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu phục vụ cho xét tốt nghiệp, đồng thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đề thi có những yêu cầu giảm bớt một chút so với năm trước. Do vậy điểm thi của tất cả các thí sinh đã cao hơn so với năm trước.

Bộ GD-ĐT cũng đã thường xuyên khuyến cáo để các em thí sinh lưu ý điểm khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi trung học phổ thông. Tuy nhiên, có một số trường hợp các em khi đăng ký một nguyện vọng hoặc rất ít hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, các trường thuộc tốp đầu, mức cạnh tranh cao nên đã có những trường hợp rất đáng tiếc các em đã không trúng tuyển vào nguyện vọng của mình, thậm chí khi đang có điểm khá tốt.

PV: Với những thí sinh điểm tốt mà không trúng tuyển đợt 1, đâu sẽ là cơ hội cho các em ở đợt xét tuyển tiếp theo, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Các trường đại học thì được xét tuyển nhiều đợt trong năm theo đúng quy chế và đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong những đợt xét tuyển này. Các trường sau khi căn cứ vào số lượng các em thí sinh thực sự nhập học sẽ xem xét những chỉ tiêu còn lại để ra quyết định có tuyển tiếp bổ sung thêm trong năm nay không.

Về nguyên tắc, từ sau 15/10, các trường có thể tiếp tục bổ sung tuyển cho đủ chỉ tiêu còn thiếu và các trường sẽ công bố rộng rãi trên trang web của nhà trường hoặc qua những kênh truyền thông khác. Vì vậy, các thí sinh cần theo dõi để nắm vững những thông tin tiếp theo từ các trường và những khuyến cáo từ Bộ GD-ĐT.

Chúng tôi khuyến khích các trường nói chung và đặc biệt là các trường thuộc top đầu nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên có những đợt tuyển sinh bổ sung, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt có cơ hội để học các chương trình liên kết đào tạo.

PV: Trước khi công bố điểm chuẩn, Bộ GD-ĐT cùng các trường ĐH đã chạy hệ thống lọc ảo thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển để đưa ra mức điểm trúng tuyển đầu vào năm 2020. Bà có thể đánh giá về hiệu quả của phần mềm lọc ảo trong tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Để có thể xét tuyển và lọc ảo hiệu quả như hiện nay cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ GD-ĐT đến các Sở GD-ĐT, các trường phổ thông và các trường đại học. Do đó, cần có sự phối hợp tốt giữa Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia, các trường, các nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện.

Chúng ta cần có một hệ thống các phần mềm với những chức năng đủ để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đa dạng phong phú. Đặc biệt là cần có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác. Do đó, khi những thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học thì cũng cần được các trường cập nhật lên hệ thống, khi đó hiệu quả của phần mềm hệ thống học mới được đảm bảo. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy được tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất cũng như giúp các trường tăng cường kiểm soát số lượng thí sinh ảo, đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh và sự minh bạch công khai.

PV: Xin cảm ơn bà!.

Theo VOV