Không phải cứ giỏi là được tuyển thẳng

0
3251

Các chuyên gia lưu ý chỉ tiêu tuyển thẳng có hạn và thí sinh cân nhắc khi nộp hồ sơ tuyển thẳng, đặc biệt vào trường “hot”.

Mùa tuyển sinh năm 2018, nhiều trường ĐH đã công bố ưu tiên tuyển thẳng hoặc tuyển thẳng học sinh giỏi các trường theo học bạ, học sinh giỏi thi tỉnh, trong đội tuyển quốc gia… thay vì chỉ tuyển thẳng đối tượng đoạt giải quốc gia, quốc tế như các năm.

Mới đây, ĐH Quốc gia TP.HCM tuyên bố ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi các trường chuyên, năng khiếu và các trường THPT thuộc tốp có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất năm 2015, 2016, 2017, trong đó có 15 trường tại TP.HCM. Năm 2016, trường chỉ dành 10% cho phương thức này với phạm vi trường THPT hẹp hơn.

Trước đó, ĐH Tài chính – Marketing lần đầu công bố xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT đối với học sinh các trường THPT trên toàn quốc, có đủ 3 năm học THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi đối với tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy năm nay.

ĐH Sư phạm TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào học bạ. Cụ thể, với mỗi ngành học, trường xét tuyển dựa trên kết quả 3 môn học lớp 12 THPT ứng với tổ hợp môn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Năm nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dành tới 40% chỉ tiêu cho hệ đào tạo ĐH chất lượng cao bằng phương thức xét tuyển thẳng.

Nhà trường cũng ưu tiên xét tuyển với các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2018 nằm trong 200 trường tốp đầu cả nước, các trường THPT có ký kết hợp tác về hướng nghiệp, tuyển sinh – đào tạo và nghiên cứu khoa học, có thư giới thiệu của hiệu trưởng sẽ là 5% chỉ tiêu.

Yêu cầu đối với những thí sinh này là có điểm trung bình học bạ trong 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 7,5 trở lên đối với các ngành đào tạo hệ đại trà và từ 7,0 trở lên đối với chất lượng cao.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc – phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM – cho biết hiện nay, do quyền tự chủ nên mỗi trường đưa ra một tiêu chuẩn tuyển thẳng khác nhau. Điều này trước mắt khiến tâm lý thí sinh hoang mang, khó khăn tìm kiếm vì nơi này mình có thể được tuyển thẳng, trong khi nơi khác lại không.

Theo thạc sĩ Quốc, nhiều trường mở rộng chính sách tuyển thẳng nhưng chưa hẳn lôi kéo được nhiều thí sinh do ngày nay, các em được hướng nghiệp kỹ càng, chọn trường theo ngành, nghề chứ không phải chỉ để đậu ĐH như trước đây. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ xảy ra ở những trường cùng khối, có đào tạo các ngành giống nhau.

Ông Lê Phan Quốc cho biết mỗi trường sẽ quy định tỷ lệ tuyển thẳng là bao nhiêu trong đề án tuyển sinh, chứ không có chuyện tuyển thẳng tràn lan, mức phần trăm này rất quan trọng, khống chế, tạo ra sân chơi công bằng thí sinh.

Nếu lỡ quá trình học tập phấn đấu không được kết quả ưng ý nhưng trong kỳ thi THPT, thí sinh phấn đấu hết mình, đạt kết quả cao vẫn có cơ hội.

Những ngành “hot” có khi số lượng hồ sơ tuyển thẳng rất nhiều nhưng trường chỉ lấy theo tỉ lệ quy định.

“Do đó, những thí sinh giỏi phải cân nhắc khi nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển vào các trường tốp trên, xem hồ sơ của mình có khả năng cạnh tranh với những hồ sơ khác không. Ngoài ra, các em cần xem xét tham gia các phương thức khác như xét kết quả bằng kỳ thi THPT quốc gia”, ông Quốc khuyên.

Đồng quan điểm, một chuyên gia khác nhận định nếu số học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển quá đông vào một số trường top, sẽ đẩy điểm chuẩn lên cao, khiến không ít học sinh đạt điểm cao vẫn có thể không có cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 1.

“Với sự mở cửa của phương thức tuyển thẳng, đây là tín hiệu dự báo năm nay điểm trúng tuyển một số trường top sẽ rất cao”, chuyên gia này nhìn nhận.

Tuy nhiên, thạc sĩ Phạm Thế Vinh – trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng, ĐH Tài chính – Marketing đánh giá cao chất lượng nguồn thí sinh giỏi 3 năm THPT liên tiếp trên học bạ.

“Tôi cho rằng quá trình 3 năm học có nền tảng vững chãi hơn một kỳ thi vài môn có tính may rủi”, ông Vinh bày tỏ.

Theo NewsZing