PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020.
Năm 2020, chúng ta đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, được nhân dân và dư luận đồng tình ủng hộ. Kết quả Kỳ thi được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT với độ tin cậy cao; đánh giá được công tác quản lý giáo dục, chất lượng giáo dục ở các địa phương và cũng hỗ trợ rất tốt cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Từ nhận định này, PGS Mai Văn Trinh cho biết: giai đoạn tới đây (2021-2025), khi chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Đặc biệt, ở năm 2021 tới, Kỳ thi sẽ được tổ chức như năm 2020 cả về phương thức tổ chức thi, công tác đề thi, chấm thi và công bố kết quả thi. Do đó, các nhà trường yên tâm tổ chức dạy học.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì để tiếp tục phát triển ngân hàng câu hỏi cũng như từng bước tính toán để ứng dụng sử dụng máy tính trong Kỳ thi này. Việc tổ chức các kỳ thi trên máy tính, kinh nghiệm quốc tế đã làm khá nhiều, nhất là các trung tâm khảo thí có uy tín. Việt Nam cũng sẽ thực hiện, nhưng được tính toán với một lộ trình mang tính khả thi. Với địa phương có điều kiện, chuẩn bị tốt cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính, phần mềm và đặc biệt là chuẩn bị kỹ năng sử dụng máy tính cho thí sinh, cùng với việc phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp, khi đó chúng ta sẽ từng bước thử nghiệm và tiến tới mở rộng dần. Việc sử dụng máy tính cho Kỳ thi không làm sốc, không làm ảnh hưởng lớn đến công tác dạy học, thi cử của thí sinh trong những năm tới.
“Qua tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây, nhất là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các thí sinh được dự thi tại trường THPT, đi thi cũng như đi học. Như vậy, khoảng cách giữa học sinh ở nông thôn và thành thị, học sinh ở nơi có điều kiện và nơi khó khăn hơn đã được giảm đi rất nhiều. Do đó, việc đưa máy tính vào Kỳ thi này cũng phải bảo đảm quyền lợi cho thí sinh cả nước, theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ chức thi trên máy tính ở đâu, thời điểm nào phải được tính toán thật kỹ, nơi nào có điều kiện sẽ làm trước và chúng ta cứ làm dần dần để bảo đảm không ảnh hưởng đến các thí sinh ở vùng khó.” – PGS Mai Văn Trinh chia sẻ thêm.
Theo Báo Giáo dục và đào tạo