Nhiều người cho rằng xếp lịch học từ 6h khiến sinh viên dễ bỏ tiết học vì không dậy sớm được, trong khi không ít ý kiến khẳng định cách làm này tạo cho người trẻ thói quen tốt.
“Em thấy học từ 6h không thành vấn đề, vừa tạo thói quen dậy sớm vừa tránh tắc đường”, một sinh viên nêu quan điểm cá nhân về việc ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo lịch học tiết một từ 6h.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chung suy nghĩ như nam sinh. Nhiều người cho rằng việc học quá sớm sẽ khiến nhiều người bỏ tiết hoặc không đủ tỉnh táo để học.
Kỷ luật và siêng năng hơn
Ngọc Ánh, một cựu sinh viên cho biết từ nhỏ, chị tạo thói quen dậy từ 5h, dù giờ vào học là 7h hay 8h. Ánh cho rằng việc thức dậy từ 5h để kịp vào học lúc 6h (như cách xếp lịch học của ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) không hề khiến sinh viên mất ngủ, thiếu tỉnh táo. Thay vào đó, nó rèn cho họ tính kỷ luật, siêng năng.
“Vào học sớm, các em sẽ có thói quen đi ngủ sớm, tránh thức khuya, chơi bời tới 1h-2h, không tốt cho sức khỏe”, Ngọc Ánh giải thích.
Không chỉ những người đã trải qua năm tháng đại học, không ít sinh viên cũng đồng ý với việc bắt đầu giờ học từ lúc 6h.
Tuấn Anh, nêu quan điểm trên trang tin tức giáo dục, mình thấy lạ khi nhiều người phản ứng mạnh với lịch học của ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM. Học 6h hay 7h cũng chỉ là thói quen. Việc học có nhiều khó khăn, trong đó có phải dậy sớm đến trường.
Kỷ luật và siêng năng hơn
Tuy nhiên, cậu bạn cho rằng giờ học này có thể gây khó khăn cho những bạn ở xa và không có phương tiện di chuyển. Dù vậy, nếu có thể, sinh viên nên học cách thích nghi thay vì phàn nàn.
Cùng quan điểm, Kim Chi, sinh viên cho rằng lịch học từ 6h có thể chấp nhận được. Chi từng gặp khó khăn khi phải dậy từ 5h để kịp lên viện điểm danh vào 6h. “Khi thành thói quen, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều”, nữ sinh nhận định.
Vào học từ 6h sáng tạo thói quen tốt hay ép sinh viên bỏ tiết?
Ngược lại, nhiều người cảm thấy vào học từ 6h là “cực hình”. Để kịp giờ học, họ bắt buộc phải dậy từ 5h. Điều này thực sự là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với hàng loạt sinh viên vốn quen với lối sống “cú đêm”.
Theo đó, khung giờ giảng dạy mới của ĐH Bách khoa bắt đầu sớm nhất từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h10. Nhiều sinh viên cho rằng khung giờ giảng dạy này rất bất hợp lý.
Nhiều sinh viên khẳng định học từ 6h sẽ rất khó cho những bạn ở xa
Một sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, học từ 6h là điều không thể. Lịch học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ 7h mà nhiều sinh viên còn chật vật mãi mới lên lớp đúng giờ. Nữ sinh tin chắc nếu không phải trường siết kỷ luật, số người đi học muộn, bỏ tiết chắc chắn không hề ít.
Nhiều ý kiến không đồng tình việc học từ 6h sáng vì cho rằng giờ đó, sinh viên chưa đủ tỉnh táo để vào học. “Tôi từng học từ 6h30, cảm thấy không tập trung nổi. Đi học mà không tập trung được, không hiểu nổi bài thì học làm gì?”.
Theo điều 4, Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) của Bộ GD&ĐT quy định: Thời gian hoạt động giảng dạy của trường được tính từ 8h đến 20h hàng ngày. Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường.
Tùy theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của trường, trưởng phòng đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp.