Tự chủ đại học: Hội đồng trường cần xác định vị trí quản lí và chuyên gia

0
433

Hoạt động của hội đồng trường đại học giai đoạn vừa qua không có nhiều thuận lợi, thành viên hội đồng bên ngoài với sự đóng góp ở nhiều mức độ khác nhau vì thời gian hạn hẹp bởi 100% là kiêm nhiệm…

Đó là ý kiến của GS.TS Phạm Hồng Quang- Bí thư đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên về tự chủ đại học.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, có thể xác định trong 3 trụ cột của giáo dục đại học trong thế kỉ XXI là: đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ thành công, tư vấn chính sách có hiệu quả của giáo dục đại học đều phải thể hiện rõ tính chất độc đáo, dẫn dắt và sáng tạo.

Để có sức sáng tạo – chức năng quan trọng nhất của trường đại học và để tầm ảnh hưởng của một trường đại học được lan tỏa và có sức hấp dẫn bởi một môi trường tốt, môi trường tự chủ và sáng tạo sẽ là điểm then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cộng đồng. Đây cũng là tư tưởng cốt lõi của Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật 34, năm 2018).

Tự chủ đại học: Hội đồng trường cần xác định vị trí quản lí và chuyên gia - 1

Nhấn để phóng to ảnh

GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, mỗi trường đại học cần thiết chế hệ thống chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp chế cho nhà trường; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật.

Tham khảo 2 thiết chế của Hội đồng trường trong thực tiễn

GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, Hội đồng trường đại học là một thiết chế mới đã được thực thi trong một số trường đại học trong khoảng 5-7 năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn hoạt động của hội đồng trường, GS.TS Phạm Hồng Quang đưa ra 2 thiết chế hội đồng trong thực tiễn để tham khảo. Cụ thể:

Thứ nhất, Thiết chế của Hội đồng nhân dân tỉnh (huyện) do Bí thư hoặc Phó bí thư cấp ủy chủ trì (chủ tịch Hội đồng nhân dân) hoạt động theo Luật hội đồng nhân dân, hội đồng thông qua quyết nghị nhân sự ủy ban và các hoạt động của chính quyền; thiết chế hoạt động này có 2 điểm lưu ý: nhân sự là công chức nhà nước và có ngân sách đảm bảo.

Thứ hai, Đối với Hội đồng quản trị của doanh nghiệp hoạt động bởi chi phối của Luật doanh nghiệp và thành viên là đóng góp cố phần (người chủ trì là góp vốn trên 51%); hoạt động theo thiết chế của Luật doanh nghiệp.

GS.TS Phạm Hồng Quang phân tích, hoạt động của 2 thiết chế hội đồng quản lí và quản trị trên đây được thiết lập cho lĩnh vực hoạt động của nhà nước hay tư nhân đều có thuận lợi và được điều chỉnh bởi những Luật rất rõ ràng.

Các thành viên hội đồng của 2 thiết chế này chịu ràng buộc bởi trách nhiệm cụ thể. Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu rất cần thiết để xây dựng quy chế hội đồng đại học và hội đồng trường đại học có hiệu quả.

Tuy nhiên, khi xem xét hoạt động hội đồng của trường đại học giai đoạn vừa qua thì không có nhiều thuận lợi như vậy. Những khó khăn của hội đồng trường đại học có thể thấy: Thành viên hội đồng bên ngoài với sự đóng góp ở nhiều mức độ khác nhau khi tham gia hội đồng (họp, tham gia góp ý tài liệu, biểu quyết nhân sự, trao đổi trực tiếp trong các phiên họp…) vì thời gian hạn hẹp bởi 100% là kiêm nhiệm (nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động) không hoạt động trực tiếp tại cơ sở giáo dục đại học.

Khả năng đóng góp về trí tuệ thì lớn, đóng góp nhiều kinh nghiệm hay, nhiều ý tưởng tốt…nhưng không thường xuyên và nhiều khi bị vướng bởi yêu cầu pháp chế của các quyết định cá nhân khi không có mặt, đặc biệt là khâu giám sát.

Thành viên Hội đồng cần dành nhiều thời gian cho sinh hoạt hội đồng, cơ sở đào tạo chưa cung cấp đầy đủ thông tin kịp thời, các quan hệ của nhà trường cũng như vấn đề nảy sinh chưa có điều kiện để cập nhật được dữ liệu thông tin đầy đủ (hoặc thông tin chậm khi họp hội đồng mới được cung cấp chính thức)…

Thành viên trong trường, khó phân vai (giữa vai đảng ủy viên với giảng viên, vai lãnh đạo nhà trường với thành viên hội đồng); đối với đại diện sinh viên (có sự thay đổi liên tục vì chu kì của người học ngắn, khi chọn người học hiểu biết phải từ năm cuối khóa…).

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, thời gian và thành phần triệu tập chủ chốt để bầu thành viên hội đồng khi có sự biến động liên tục như: vị trí lãnh đạo thay đổi, giảng viên nghỉ hưu, thành phần ngoài phải thay đổi do vị trí lãnh đạo, nhà quản lí thay đổi, người học ra trường…(đối với thành viên theo cơ cấu). Do vậy, cần xây dựng quy chế để thay đổi thành viên hội đồng để điều chỉnh kịp khi có sự thay đổi.

Quan hệ giữa Hội đồng trường và đảng ủy

Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và đảng ủy, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, mặc dù không xuất hiện mâu thuẫn lớn nhưng có 2 xu hướng: các Nghị quyết của Đảng ủy được Hội đồng tuân thủ. Do vậy, ý kiến khác của các thành viên khác sẽ khó được tiếp thu.

Ngược lại, có nội dung của nghị quyết Hội đồng trường chưa “khớp” vào định hướng của Đảng ủy, do vậy chưa có sự “đối thoại” trực tiếp giữa Hội đồng và Đảng ủy (trên thực tế có thể xuất hiện, do vậy tính chất chỉ đạo và phản biện, tham gia và quyết định từ 2 chiều giữa Đảng ủy và Hội đồng tuy đồng nhất nhưng có tình huống chưa có sự thống nhất cao). Ví dụ, cấp ủy cấp trên quản lí nhân sự đến cấp phó cơ sở (hồ sơ, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm…) theo quy định của Đảng, trong khi Luật quy định cấp phó hiệu trưởng do Chủ tịch hội đồng trường bổ nhiệm…

Do vậy đối với Đại học, chưa phân định được rõ chế độ “thủ trưởng” của Giám đốc đại học với các Hiệu trưởng (trường thành viên), vì theo Luật, Hội đồng Đại học quyết nghị công nhận Hiệu trưởng các trường thành viên, trong khi theo quy định hiện hành thì Giám đốc đại học phải chịu trách nhiệm toàn diện về các trường thành viên trước Bộ trưởng.

GS.TS Phạm Hồng Quang chỉ dẫn: Hội đồng đại học (áp dụng đối với Đại học Vùng): Trong Luật 34, điều 13. Sửa đổi, bổ sung Điều 18: “a)… Thành viên trong đại học bao gồm bí thư cấp ủy, giám đốc đại học, chủ tịch công đoàn đại học, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của đại học; chủ tịch hội đồng trường của đơn vị thành viên (nếu có) hoặc người đứng đầu đơn vị thành viên trong trường hợp đơn vị không có hội đồng trường…”. Có thể hiểu “nếu có” là khi xuất phát từ thực tiễn, các trường thành viên không nhất thiết có Hội đồng trường. Vì Hội đồng ĐH đã có chức năng: “Cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học” (Khoản 9 Điều 1 của Luật số 34). Hội đồng đại học có trách nhiệm và quyền hạn: “Quyết định về cơ cấu tổ chức, đơn vị thành viên của đại học” (Khoản 13 Điều 1 của Luật số 34).

Với quy định trong Luật đã rõ nhưng trong Nghị định và thông tư hướng dẫn lại cụ thể hóa cho các trường thành viên có đủ các quyền như 1 trường đại học độc lập. Ví dụ: “Điều 8. Các đơn vị thành viên của đại học vùng: 2. Cơ cấu tổ chức của trường đại học thành viên của đại học vùng thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Giáo dục đại học)”.

Khi Hội đồng đại học thiết kế về tổ chức, cơ chế hoạt động các trường thành viên gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực chung. Điều này sẽ làm cho nhiệm vụ của Đại học lại thêm khó khăn khi thực hiện mục tiêu đã ghi trong Luật: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước” (Khoản 4 Điều 1 của Luật số 34). “Cùng thống nhất thực hiện mục tiêu sứ mạng chung“; “Cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học” (Khoản 9 Điều 1 của Luật số 34); Hội đồng đại học có trách nhiệm và quyền hạn:“Quyết định về cơ cấu tổ chức, đơn vị thành viên của đại học” (Khoản 13 Điều 1 của Luật số 34).

Ngoài ra, theo GS Phạm Hồng Quang một số vướng mắc, bất cập khác đang xuất hiện như: Sự chưa đồng bộ giữa các Luật có liên quan đến Luật giáo dục đại học và nhiều quy định của nhà nước. Cơ chế kết nối doanh nghiệp và đầu tư theo các phương thức xã hội hóa; công tác bổ nhiệm cán bộ theo Luật viên chức; công tác đảng yêu cầu về nhiệm kì và quy hoạch cán bộ trước khi bổ nhiệm…

Bộ Chủ quản cần giúp đỡ các trường tháo gỡ vướng mắc

GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, thiết kế Hội đồng đại học theo nhu cầu thực tiễn để đạt mục tiêu chung: sử dụng nguồn lực chung về con người, cơ sở vật chất và tài chính. Việc thành lập hội đồng trường tại các trường thành viên do Hội đồng đại học quyết định phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hội đồng trường đại học hoặc hội đồng đại học cần xác định rõ vị trí quản lí và chuyên gia; còn các thành phần khác (ngoài trường) cần lựa chọn với thành phần chất lượng trong tham vấn, có thiết chế hoạt động kèm chế tài xử lí (trong trường hợp không tuân thủ các quy định của hội đồng) để hoạt động thực sự có hiệu quả.

Trên thực tế, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của các trường đang gặp khó khăn: giữa yêu cầu của hệ thống văn bản pháp luật với thực tế từng trường đang trong quá trình tinh giản biên chế, thực hiện Nghị quyết 18,19 của Đảng về tinh gọn bộ máy hiệu quả, hiệu lực; tính chuyên nghiệp về pháp chế văn bản của nhiều đơn vị còn yếu…

Do vậy Bộ chủ quản cần hỗ trợ và kiểm duyệt hệ thống văn bản này (ở mức độ đạt yêu cầu) sẽ giúp các trường tháo gỡ các vướng mắc, sai sót trong giai đoạn đầu của tự chủ. Đặc biệt là mô hình 3 đại học vùng cần có hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành để triển khai hiệu quả hội đồng 2 cấp hiện nay.

Từ kinh nghiệm của hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp và hội đồng quản trị doanh nghiệp, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, mỗi trường đại học cần thiết chế hệ thống chuyên nghiệp trong xây dựng hệ thống pháp chế cho nhà trường; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình đó, cần một độ “trễ” khi được kiểm tra, kiểm toán, thanh tra các hoạt động của nhà trường, góp phần tạo động lực mạnh mẽ hơn trong quá trình tự chủ giáo dục đại học.

Theo Báo Dân Trí