Tuyển sinh đại học 2022: Ngăn trường gây khó cho thí sinh

0
352

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều điểm mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng quy chế sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Bên cạnh đó, những điểm mới của quy chế năm nay cũng sẽ triệt để khắc phục tình trạng một số trường có thể gây khó cho thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm, yêu cầu nộp trước các khoản phí giữ chỗ…

* Thưa bà, nhiều trường cho rằng dự thảo quy định thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT sẽ khó cho thí sinh và trường vì mỗi ngành có nhiều phương thức, tiêu chí khác nhau? Bà có thể nói rõ hơn về điểm này?

– Trong các năm qua, quy chế tuyển sinh đã quy định cụ thể việc các trường chủ động xét tuyển trên cơ sở các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký. Do đó, nhận định về việc hạn chế quyền lựa chọn của các thí sinh hoặc hạn chế quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh là chưa chính xác, dù đứng ở góc độ nào.

Thực tế những năm qua, một số trường đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh về việc thí sinh trúng tuyển nhưng không tải danh sách lên hệ thống để loại ra trước khi xử lý nguyện vọng. Do đó, nhiều thí sinh đồng thời trúng tuyển tại các nơi, làm ảnh hưởng không nhỏ (tăng số thí sinh ảo) tới các trường khác và các thí sinh khác.

Do đó, hệ thống xử lý nguyện vọng cho mọi phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất có thể mà mình đã lựa chọn. Thí sinh không phải lo lắng việc nếu chấp nhận nhập học sớm ở trường này theo phương thức xét tuyển này có thể lỡ cơ hội ở trường mình yêu thích hơn theo phương thức khác.

Mã xét tuyển chỉ là một vấn đề nhỏ, mang tính kỹ thuật, sẽ có hướng dẫn kèm các định nghĩa rõ ràng về mã xét tuyển để thí sinh không nhầm lẫn. Việc đăng ký của thí sinh và xử lý lọc ảo chung các nguyện vọng xét tuyển năm 2022 không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của trường.

Bên cạnh đó, việc xử lý lọc ảo các nguyện vọng của thí sinh năm 2022 sẽ triệt để khắc phục tình trạng một số trường có thể gây khó cho thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm, yêu cầu nộp trước các khoản phí giữ chỗ…

Tuyển sinh đại học 2022: Ngăn trường gây khó cho thí sinh - Ảnh 2.

Hiện đang trong thời gian dự thảo đăng lên mạng để xin ý kiến góp ý của các bên liên quan. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận các ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện theo hướng có lợi nhất, phù hợp nhất với thí sinh, cơ sở đào tạo và toàn hệ thống nói chung.

PGS.TS NGUYỄN THU THỦY

* Cũng có ý kiến cho rằng quy định thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm các phương thức khác vẫn phải đăng ký xét tuyển một lần nữa trên hệ thống là làm khó thí sinh?

IFrame

– Ở những năm trước, thí sinh vẫn luôn đăng ký vào hệ thống chung. Như vậy, năm 2022 cũng không tăng thêm “thủ tục” nào cho thí sinh, không làm thí sinh nào mất đi cơ hội dự tuyển và trúng tuyển.

Trong thời gian qua, một số trường yêu cầu thí sinh nhập học sớm hoặc nộp tiền để giữ chỗ khi trường xét hồ sơ thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường (khi chưa tốt nghiệp THPT).

Việc này gây nên các phản hồi tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ các thí sinh, từ các trường khác, thậm chí các đại biểu Quốc hội đã nêu trong năm qua: sai quy định của quy chế khi gọi thí sinh nhập học sớm vào trường (khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT); làm mất quyền lợi của thí sinh khi thí sinh có nhu cầu chờ cả phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT; thiếu sự công bằng giữa các trường (gọi nhập học trước và không gọi nhập học trước).

Quy chế của Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định chung để các cơ sở đào tạo phải tuân thủ để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đảm bảo công tác quản lý nhà nước của ngành, đứng trên lợi ích tổng thể của hệ thống và đặc biệt là của các thí sinh.

* Những năm trước các trường đại học thành lập nhóm lọc ảo theo khu vực và Bộ GD-ĐT cũng chạy lọc ảo nhưng tỉ lệ ảo vẫn lớn. Phương án lọc ảo năm nay thì sao, thưa bà?

– Lý do những năm qua vẫn tồn tại một tỉ lệ thí sinh ảo khá lớn là vì một số trường đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh việc thí sinh trúng tuyển nhưng không tải danh sách lên hệ thống để loại ra trước khi xử lý nguyện vọng và lọc ảo.

Với phương án lọc ảo của năm nay, khi tất cả các phương thức xét tuyển đều được hệ thống hỗ trợ tuyển sinh xử lý nguyện vọng, sẽ đảm bảo thí sinh chỉ trúng tuyển tại một nguyện vọng cao nhất theo phương thức – ngành – trường, như vậy tỉ lệ ảo sẽ giảm tối đa có thể.

Tất nhiên vẫn không thể loại trừ được hoàn toàn thí sinh ảo, bởi vẫn có trường hợp thí sinh đã trúng tuyển nhưng lại quyết định không nhập học (ví dụ: quyết định đi du học nước ngoài…). Tuy vậy, đây vẫn là phương án tốt nhất có thể để mang lại lợi ích lớn nhất cho hệ thống.

Không ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do

* Dự kiến điểm ưu tiên khu vực chỉ được tính cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay. Việc này đang gây ý kiến trái chiều. Quan điểm của Bộ GD-ĐT ra sao khi dự thảo như trên?

– Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi lần đầu.

Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học.

Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học.

Nếu một em học sinh vừa tốt nghiệp THPT phải cạnh tranh một suất học đại học (nhất là các trường tốp đầu) với một anh, chị tốt nghiệp năm trước (thậm chí đang học đại học) có thêm thời gian ôn luyện và lại được cộng thêm điểm ưu tiên khu vực một lần nữa thì liệu có công bằng?

Do vậy, nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng, dự thảo quy chế đã đưa ra quy định theo hướng thí sinh tại các vùng được hưởng ưu tiên khu vực chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần khi có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngay năm đầu tiên tốt nghiệp THPT.

Theo Báo Tuổi Trẻ