Tuyển sinh và đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo: Cần sự đầu tư và tầm nhìn chiến lược

0
487

Trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học dữ liệu (DS) là 2 ngành mới được nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu các trường chỉ chăm chăm mở ngành và tuyển sinh mà bỏ quên việc đầu tư nền tảng hạ tầng công nghệ, chương trình một cách hoàn chỉnh, chất lượng nhân lực nhóm ngành này sẽ thiếu chiều sâu.

Xu hướng nhân lực của tương lai

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước có 11 cơ sở trong và ngoài công lập có đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học dữ liệu (DS). Tại TPHCM có thể kể đến một số trường đi đầu trong việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo 2 ngành này là Trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghệ Thông tin… Ở khối ngoài công lập có các trường như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Quốc tế Hồng Bàng…

Sức hút của các ngành học này tăng theo từng năm khi chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn có xu hướng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2019, điểm chuẩn 2 ngành này từ 21 – 25,2 điểm tùy trường thì năm nay điểm chuẩn tăng từ 2 – 3 điểm, với mức điểm cao nhất là 28,65 điểm (ĐH Bách khoa Hà Nội).

Theo các chuyên gia, AI (Artificial Intelligence) là một trong những ngành trụ cột trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay. Trí tuệ nhân tạo có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh và nhanh hơn so với con người.

Tuy vậy, khi đánh giá về chương trình đào tạo nhân lực nhóm ngành học này tại các trường, GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu khảo sát – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cho rằng: Nhiều chương trình đào tạo hiện nay vẫn theo hướng có gì dạy nấy mà không xuất phát từ chính nội hàm của AI và DS khiến cho tính kết nối và hướng đích của nhóm ngành trên thiếu sự xuyên suốt và một tầm nhìn chủ đạo.

“Khung chương trình AI và DS gồm nền tảng toán, AI nâng cao, nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng AI, dữ liệu lớn, AI và xã hội, môn học chung… Tuy vậy, chương trình đào tạo tại nhiều nơi đang khá rời rạc” – GS Bảo nói.

Theo ông Đào Trung Thành – chuyên gia về lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, nhà tư vấn chiến lược cho Tập đoàn Mobifone, chuyển đổi số là cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 và AI là công nghệ cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, nhân lực AI sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận công nghệ và thực hiện chuyển đổi số. Do vậy, chất lượng đào tạo nhân lực nhóm ngành nghề này tại các trường đại học có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các DN công nghệ Việt đang đau đầu giải bài toán khan hiếm kỹ sư AI, nhân lực mấu chốt trong các dự án ứng dụng công nghệ mới.

“Chuyển đổi số là việc khá phức tạp. Theo thống kê của McKinsey và Forbes, thế giới hiện có khoảng 70 – 84% dự án không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), với hơn 400 DN tại Việt Nam vào năm 2020, thiếu nhân lực để thực hiện chuyển đổi số là một trong 5 rào cản của DN. Với tình trạng kỹ năng số kém của người lao động Việt Nam, chuyển đổi số càng khó khăn gấp bội” – ông Thành nói.

Nhìn nhận nhu cầu nhân lực ngành AI là có, TS Nguyễn Thị Hảo – Quyền Trưởng ban Ban Đại học, ĐHQG TPHCM – cho biết: TP mới triển khai 14 chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo dưới 1.000 sinh viên. So với hơn 250.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin ở Việt Nam, quy mô đào tạo này còn khiêm tốn.

Làm gì để có nhân lực AI chất lượng?

Theo TS Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), để xây dựng một chương trình đào tạo bài bản cho nhóm ngành trên đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Ngoài việc xây dựng nền tảng dữ liệu (Big Data đủ lớn), khi mở ngành HUTECH phải tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực, tham khảo các chương trình đào tạo của nước ngoài để xây dựng chuẩn đầu ra. Từ chuẩn đầu ra xây dựng các mô-đun kiến thức sau đó đối sánh với chương trình đào tạo trong và ngoài nước làm căn cứ tổ chức triển khai chương trình đào tạo và cập nhật cho phù hợp thực tiễn.

“Khung chương trình đào tạo của nhóm ngành trên tại HUTECH đều dựa trên nền tảng của toán (toán rời rạc, xác suất thống kê, đại số tuyến tính…), nền tảng công nghệ thông tin (các môn cơ sở ngành như kỹ thuật lập trình, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, lập trình hướng đối tượng, cơ sở dữ liệu…) và nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo, máy học thống kê…), dữ liệu lớn, phân tích và xử lý dữ liệu. Riêng ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, còn được trang bị thêm các kiến thức về cơ, điện, tự động hóa…

Ngoài ra, chương trình đào tạo được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ với Công ty Vedax chuyên nghiên cứu phát triển và triển khai các giải pháp ứng dụng AI (có phòng dự án đặt trong Viện Công nghệ cao của nhà trường). Qua đó, sinh viên sẽ được tham gia vào quá trình triển khai các dự án từ năm thứ 2 và có điều kiện sử dụng nguồn dữ liệu lớn của công ty.

Song song hạ tầng, nhà trường cũng xây dựng một đội ngũ giáo viên cho các nhóm ngành trên từ nguồn chuyên gia đến từ công ty là đối tác chiến lược của trường. Mời gọi, trải thảm đỏ đón những chuyên gia uy tín, được đào tạo từ nước phát triển như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Công hòa Séc về giảng dạy” – TS Quốc Anh chia sẻ.

Để bổ khuyết nguồn nhân lực AI và trở thành trung tâm đào tạo – nghiên cứu hàng đầu về AI của ASEAN vào năm 2030, theo TS Nguyễn Thị Hảo, ĐHQG TPHCM đã tập trung nghiên cứu, xác định các phương hướng phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng và sự đồng bộ của chương trình đào tạo AI trong toàn hệ thống.

“Cụ thể, về định hướng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ thông tin sẽ mở chương trình đào tạo AI theo hướng chuyên sâu. Trong khi đó, Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Kinh tế – Luật mở mới chương trình đào tạo AI theo hướng liên ngành và ứng dụng. Những định hướng này phù hợp với đặc thù và thế mạnh phát triển của các đơn vị” – TS Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh.

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT – cũng nhìn nhận: Không có trí tuệ tự nhiên “ngon lành” thì không thể làm được trí tuệ nhân tạo. Và để hệ thống giáo dục đại học đảm nhiệm tốt và đầy đủ vai trò đào tạo nguồn nhân lực AI và DS chất lượng, các trường cần phải giải quyết được hai bài toán:

Xác định rõ trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực có tố chất chuyển đổi số, để sau này tham gia sự nghiệp chuyển đổi số các luồng kinh tế – xã hội và chính bản thân ngành Giáo dục cũng phải chuyển đổi số, nếu không sẽ khó đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Tiếp đó, đưa AI vào môi trường đào tạo truyền thống, cá thể hóa từng ngành học; đưa yếu tố sư phạm vào giáo dục trực tuyến, vào máy móc là bài toán lớn trong giáo dục trực tuyến nói chung và AI nói riêng trong bối cảnh mới hiện nay và tương lai.

PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TPHCM thì cho rằng: Để đẩy mạnh chất lượng đào tạo nhân lực ngành này, không chỉ bồi dưỡng cho sinh viên đại học kiến thức nền tảng, thuật toán, giải thuật bên trong, mà phải rèn kỹ năng để vận dụng vào thực tế, xây dựng những sản phẩm phục vụ xã hội, khuyến khích sinh viên làm quen, nghiên cứu khoa học về AI.

 

Theo Báo Giáo dục và đào tạo