Xét tuyển đại học – chặng cuối đừng chủ quan

0
231
lich-tuu-truong-dang-duoc-nhieu-tinh-thanh-cong-bo-2

Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 chỉ còn 4 ngày. Sau 17h ngày 30-7, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://thisinh.thithptquocgia….) sẽ đóng, thí sinh không thể đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng.

Thí sinh cần tận dụng tối đa quãng thời gian còn lại để rà soát tất cả các nguyện vọng cho phù hợp với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như phổ điểm các môn, tổ hợp và đừng quên việc nộp lệ phí từ ngày 31-7. Đây là khâu rất quan trọng, tránh từ đỗ thành trượt do thí sinh chủ quan ở phút cuối.

Để không trượt đại học ở “phút 89”

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm ngoái, nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng cuối cùng lại trượt do thực hiện không đúng, đủ quy định xét tuyển. Năm nay, việc đăng ký xét tuyển vẫn được áp dụng theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng có một số điều chỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia cảnh báo thí sinh không nên chủ quan mà cần cẩn trọng ở từng khâu, làm đúng, đủ quy trình để bảo đảm quyền lợi.

Kể lại câu chuyện của mình, thí sinh Trần Tuấn Anh, học sinh lớp 12 năm học 2021-2022, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho biết, từ cuối tháng 5-2022, em đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ vào một trường, vì vậy không quan tâm đến việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống vì nghĩ rằng đã đỗ rồi. May thay, đến những ngày gần hết hạn đăng ký, cô giáo chủ nhiệm rà soát danh sách trúng tuyển sớm của lớp nên phát hiện và nhắc nhở. Em đã kịp đăng ký nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 lên hệ thống khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn.

Đây là bài học kinh nghiệm cho các thí sinh năm nay. Ghi nhận từ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh với tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi mới chiếm khoảng 40% và thấp hơn cùng thời điểm năm 2022 khiến Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy không khỏi lo lắng, đặt giả thiết có thể nhiều thí sinh trúng tuyển sớm nhưng đang hiểu nhầm rằng không phải đăng ký.

“Thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng lên hệ thống, bao gồm cả nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Đây là yêu cầu bắt buộc. Kết quả sau lọc ảo của hệ thống mới là kết quả trúng tuyển chính thức”, bà Thủy nhắn nhủ.

Ngay từ bây giờ, thí sinh cần khẩn trương đăng ký, rà soát, cần thiết thì điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng cho phù hợp với điểm thi của mình. Sau khi đã hoàn thiện quy trình, cần đăng nhập lại để kiểm tra xem hệ thống đã ghi nhận đầy đủ số nguyện vọng mình đã đăng ký hay chưa.

Lưu ý về “điểm sàn”

Thời điểm này, nhiều trường đã công bố mức “điểm sàn” nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, thí sinh cũng có thêm căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần phân biệt rõ “điểm sàn” và điểm chuẩn để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, đồng thời cân nhắc kỹ về “điểm sàn” trước khi đăng ký.

Trước đây, “điểm sàn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Từ năm 2018, các trường tự quyết định “điểm sàn”, Bộ chỉ quy định điểm sàn nhóm ngành sư phạm và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng, vẫn có khá nhiều thí sinh mơ hồ, nhầm lẫn giữa “điểm sàn” với điểm chuẩn khiến việc lựa chọn nguyện vọng để đăng ký không hiệu quả.

Phụ trách Phòng Đào tạo (Trường Đại học Thủy lợi) Trần Khắc Thạc lưu ý, “điểm sàn” là ngưỡng điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường lấy làm cơ sở nhận hồ sơ xét tuyển, đây chưa phải là điểm trúng tuyển. Còn điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Điểm chuẩn sẽ được các trường xác định bằng việc lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn.

Thời điểm này, các trường mới chỉ thông báo “điểm sàn”, sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí và hệ thống hoàn thành việc lọc ảo thì mới đến bước công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 22-8.

Dù chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn, nhưng đây là thời gian rất quan trọng, thí sinh cần thận trọng rà soát, thậm chí điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo thí sinh không nên thấy các trường có “điểm sàn” thấp mà nghĩ rằng điểm chuẩn cũng thấp. Thí sinh nên xem lại điểm chuẩn trong khoảng 3 năm gần đây của các ngành mình đăng ký và lưu ý đến chỉ tiêu năm nay. Nếu chỉ tiêu thấp mà số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển cao thì điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. Vì vậy, cần có phương án dự phòng bằng việc thêm nguyện vọng ở ngành tương tự nhưng ở nhóm cạnh tranh thấp hơn…

Thí sinh cũng đừng quên nộp lệ phí xét tuyển (theo hình thức trực tuyến). Thời gian nộp lệ phí được chia làm 6 đợt trong khoảng thời gian từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8. Thí sinh Hà Nội sẽ nộp lệ phí ở đợt đầu tiên, bắt đầu từ 0h ngày 31-7 đến 17h ngày 1-8.