Tuyển sinh 2018: Hồ sơ nộp vào nhiều trường tăng nhẹ

0
1362

Sau 20 ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia  2018 (từ 1 đến 20/4), nhiều trường đại học đã nhận được thông tin từ phía Bộ GD-ĐT về số lượng nguyện vọng (NV) mà thí sinh đăng ký vào từng mã ngành của trường mình.

So với năm ngoái, số lượng thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm nay tăng khoảng 100 nghìn thí sinh, vì thế việc số lượng NV nộp vào các trường mặt bằng chung đều tăng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, số NV nộp vào Bách khoa năm nay có phần nhỉnh hơn năm ngoái một chút ở tất cả các ngành – lên tới 60.000 NV. Tuy nhiên, con số này không có ý nghĩa nhiều do tính tất cả các NV và mỗi thí sinh có thể nộp vào nhiều mã ngành trong cùng một trường.

Ông Điền cho biết, số lượng thí sinh nộp NV1 vào trường mới là con số đánh giá được sức hút của các ngành.

“Tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 6.500. Số lượng thí sinh nộp NV1 ởnhiều ngành vượt quá 200% so với chỉ tiêu và đều rơi vào những ngành truyền thống của trường như: Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, Điều kiện và tự động hóa” – ông Điền chia sẻ.

Khối ngành Kinh tế của trường năm nay gồm có: Kinh tế công nghệ, Quản lý công nghiệp, Quản trị kinh doanh, Kế toán tài chính ngân hàng – cũng khá thu hút thí sinh. Số lượng thí sinh nộp NV1 các ngành này đều vượt 150% so với chỉ tiêu.

Trưởng phòng Đào tạo của trường cũng cho biết, điểm mới nhất trong mùa tuyển sinh năm nay của trường là không tổ chức tuyển sinh theo nhóm ngành – nghĩa là thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành rồi mới phân ngành. Thay vào đó, trường định hướng phân ngành ngay từ đầu – nghĩa là đăng ký xét tuyển ngành nào, trúng tuyển sẽ học ngành đó. Sự thay đổi này cũng dựa trên nhu cầu, mong muốn của chính sinh viên.

Trường ĐH Ngoại thương, bà Phạm Thu Hương – Trưởng phòng Đào tạo cho biết, số lượng NV nộp vào trường ổn định tương đương năm ngoái. Mức độ thu hút của tất cả các mã ngành cũng tương đương nhau. Trong đó, thí sinh chọn tổ hợp khối D1 là nhiều nhất, sau đó đến khối A1.

Tổng chỉ tiêu của Trường ĐH Ngoại thương cả cơ sở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh là 3.850 chỉ tiêu. Tổng NV nộp vào trường là 21.760, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh là khoảng 15.700 NV, TP.HCM khoảng 6.100 NV. Hầu hết số NV nộp vào ĐH Ngoại thương đều là NV1.

Bà Hương cũng cho biết, năm nay ĐH Ngoại thương có 2 phương thức xét tuyển: xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi THPT Quốc gia và học bạ. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp đến tháng 7 trường mới nhận NV.

Năm nay, 2 cơ sở đại học thuộc tốp đầu cả nước là ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có số NV nộp vào tăng so với năm trước.

Ông Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, lượng NV nộp vào trường tăng 20% so với năm ngoái. “Các ngành hấp dẫn thí sinh nhất gồm có: Marketing, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng. Năm nay, trường mở một số ngành mới cũng rất thu hút thí sinh, đó là: Thương mại điện tử, Logistic, Quản lý chuỗi cung ứng”.

Đây cũng là những ngành mới của Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải dự kiến sẽ được cấp phép vào tháng 5 tới đây và đến tháng 7 sẽ nhận NV của các em nộp vào sau khi đã có điểm thi. Ông Phạm Quang Dũng – cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường này cho biết, năm nay lượng NV nộp vào trường tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. “Tổng NV đăng ký là gần 11.000, trong đó NV1 là 1.555, NV2 là 1.800, NV3 là 3000. Chỉ tiêu năm nay của trường là 2.400 sinh viên”.

Ông Nguyễn Tiến Thảo – Phó trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhìn chung số lượng NV nộp vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, nhưng chưa thể công bố chính xác. Ông cho rằng số liệu Bộ cung cấp cho các trường vẫn còn đang có nhiều trùng lặp. Những số liệu hiện tại, nếu thí sinh chưa tìm hiểu kỹ, sẽ gây xáo trộn cho các em, bởi vì đây chưa phải là con số cuối cùng. Sau khi biết kết quả thi vào tháng 7 tới, thí sinh sẽ được phép đăng ký lại các NV một lần nữa để phù hợp với điểm số của mình.

ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong số ít cơ sở đào tạo nhiều khối ngành, từ Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ, Y dược… Ông Thảo cho biết, năm nay, số lượng NV nộp vào các khối ngành vẫn khá cân đối, không có sự chênh lệch lớn giữa khối tự nhiên và xã hội. Các khối ngành Y dược vẫn là những ngành “đắt hàng” nhất, sau đó đến các khối Kinh tế, Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin.

Theo Vietnamnet