Bộ poster đờn ca tài tử Nam Bộ do nhóm sinh viên FPT Edu thiết kế được tích hợp công nghệ AR. Người dùng có thể sử dụng smartphone quét hình ảnh để thưởng thức ngay giai điệu hoặc tra cứu thêm thông tin qua bộ artbook đi kèm.
Ứng dụng công nghệ AR trong thiết kế mỹ thuật số nhằm lan tỏa giá trị của đờn ca tài tử Nam Bộ đến thế hệ trẻ là dự án của nhóm sinh viên gồm Lê Thành Ngoan, Nguyễn Hoàng Khang, Đặng Vũ Phương, Dương Hoài Anh, Nguyễn Hoàng Kha (Greenwich Việt Nam cơ sở Cần Thơ, thuộc FPT Edu).
Nhóm Nam Bộ gồm các sinh viên: Lê Thành Ngoan, Nguyễn Hoàng Khang, Đặng Vũ Phương, Dương Hoài Anh, Nguyễn Hoàng Kha (Greenwich Việt Nam cơ sở Cần Thơ, thuộc FPT Edu).
Cả 5 thành viên đều là người con của vùng đất Nam Bộ và được nuôi dưỡng bằng tình yêu sâu đậm với những giai điệu dân ca hò vè, đặc biệt là những giai điệu đờn ca tài tử Nam Bộ. Xuất phát từ tình yêu ấy, lại chứng kiến những giai điệu truyền thống đang dần trở nên xa cách với thế hệ trẻ, nhóm đã ấp ủ một dự án nhằm đưa loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử tới gần hơn với người trẻ bằng một hình thức mới mà vẫn giữ nguyên giá trị vốn có của nó.
Vận dụng những kiến thức chuyên ngành có được trong quá trình học tập, nhóm đã thiết kế một bộ poster đờn ca tài tử Nam Bộ theo phong cách vừa truyền thống gần gũi vừa hiện đại, mới mẻ. Đặc biệt, nhóm đã tìm tòi để vận dụng kiến thức liên ngành: Công nghệ thông tin và Thiết kế đồ hoạ trong sản phẩm này khi tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).
Bộ 5 poster được tích hợp công nghệ AR nhằm giúp người xem thưởng thức dân ca Nam Bộ bằng cả thị giác và thính giác.
Thiết kế này cho phép người xem dễ dàng tiếp cận và thưởng thức loại hình đờn ca tài tử bằng cách sử dụng phần mềm Artivive trên smartphone quét trực tiếp trên những hình ảnh đó. Bằng thao tác này, một bài nhạc tương ứng với mỗi thiết kế sẽ được phát trực tiếp trên điện thoại di động kèm những hình ảnh, chuyển động bắt mắt, màu sắc sặc sỡ đầy thu hút nhưng vẫn mang nét đẹp truyền thống. Bên cạnh đó, người xem cũng có thể ngay lập tức tra cứu thông tin về lời bài hát và ý nghĩa của ca từ trên artbook đi kèm bộ poster.
Để thực hiện dự án này, các thành viên đã dành nhiều thời gian thu thập thông tin, tài liệu từ Internet và sách, báo, đồng thời thực hiện khảo sát thị hiếu của người trẻ với phong cách đồ họa trong các sản phẩm quảng bá. Đặc biệt, nhóm đã gặp gỡ và trao đổi cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian như: Nhà nghiên cứu văn hoá Nhâm Hùng – một trong những chuyên gia gạo cội ở lĩnh vực văn hoá Nam Bộ, Kiến trúc sư Trần Quang Minh (con trai cố GS Trần Văn Khê, người được mệnh danh là đã là người đưa âm nhạc Việt Nam có mặt trên bản đồ âm nhạc thế giới), cô Lương Thị Kim Oanh – Nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc và Múa trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Cần Thơ, ca sỹ Lệ Hằng, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt (tác giả các ca khúc mang âm hưởng dân ca như Ru lại câu hò, Thương lắm Mình Ơi, Nhớ em Lý Bông Mai…).
Đồng thời, để có thể thể hiện tốt nhất tinh thần văn hóa dân tộc dưới một hình thức trending, hấp dẫn hơn với giới trẻ, các thành viên cũng phải vận dụng kỹ năng vẽ sáng tạo, sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp và phần khó khăn nhất chính là ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường vào thiết kế. Trung bình, với một sản phẩm poster, nhóm cần từ 10 – 15 ngày để vừa thiết kế vừa tạo hiệu hứng.
Hiện, sản phẩm của nhóm bao gồm 5 poster đã được tích hợp công nghệ AR, 1 cuốn artbook mang tên Điệu Phương Nam và một số sản phẩm phụ khác. Artbook được thiết kế giống như một cuốn sách với nội dung chính là 5 thể loại của Đờn ca tài tử: Hát ru, Hò, Lý, Vè, Nói Thơ. Mỗi thể loại lại bao gồm 5 bài hát tiêu biểu được chọn lọc từ kho tàng dân ca Nam Bộ, Việt Nam.
Artbook Điệu Phương Nam cung cấp nhiều thông tin thú vị về các thế loại dân ca Nam Bộ với hình ảnh được thiết kế theo phong cách hiện đại.
Mới đây, nhóm đã đưa sản phẩm của mình tham dự cuộc thi FPT Edu ResFes 2023. Tại vòng chung kết, “Ứng dụng công nghệ AR trong thiết kế mỹ thuật số nhằm lan tỏa giá trị của đờn ca tài tử Nam Bộ” đã xuất sắc giành giải Nhất tiểu ban Thiết kế Mỹ thuật số.
Chia sẻ về dự định phát triển sản phẩm trong tương lai, nhóm cho biết: “Sau cuộc thi, nhóm sẽ hoàn thiện nốt phần chuyển động AR cho artbook – phần việc mà do thời gian có hạn của cuộc thi nhóm chưa kịp hoàn thành. Tiếp theo, nhóm sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu để đề tài được tiếp cận nhiều nhóm tuổi hơn chứ không riêng gì giới trẻ, tiếp tục phát triển đề tài trên nền tảng website để tất cả những người yêu nhạc trong và ngoài nước có thể biết đến và yêu thích dân ca Nam Bộ”.
Được biết, FPT Edu ResFes là cuộc thi Nghiên cứu khoa học được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức thường niên dành cho học sinh, sinh viên trong và ngoài Tổ chức. Năm nay, FPT Edu ResFes lấy chủ đề: “Pursuing Happiness in a Digital Era – Mưu cầu hạnh phúc trong thời đại số” thu hút nhiều nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn, ứng dụng công nghệ hiện đại trong đó có 36 đề tài nghiên cứu của học sinh, sinh viên FPT Edu và 3 sản phẩm của sinh viên Ấn Độ lọt vào vòng chung kết, tổ chức tại FPT Edu Đà Nẵng.