Một trong những vấn đề thí sinh vừa trúng tuyển, đặc biệt phụ huynh rất quan tâm trong những ngày này, là khi về thành phố nhập học, ở lại thành phố học ĐH, thí sinh phải làm thế nào để thích nghi và có được kết quả học tập như mong muốn.
Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Xác nhận nhập học trúng tuyển: Những điều thí sinh cần nhớ” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (29.8), thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng môi trường học tập ở ĐH đòi hỏi bạn trẻ phải biết tự nghiên cứu, tự trưởng thành. “Các em phải học phương pháp học ĐH, tìm tài liệu, tra cứu, tham gia các hoạt động, CLB đội nhóm, học cách làm chủ thời gian. Ngoài ra cần biết tự lập khi xa gia đình. Biết cân đối chi tiêu, làm chủ trong các mối quan hệ để không bị cám dỗ”, thạc sĩ Nguyên đưa ra lời khuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình,Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cũng cho rằng xa gia đình về thành phố học ĐH là cơ hội để rèn luyện, trưởng thành. “Các em phải tự lập kế hoạch cho bản thân gồm kế hoạch tài chính, kế hoạch thời gian. Chi tiêu hợp lý và sử dụng thời gian hợp lý cho học tập, vui chơi, làm thêm… Nếu cần hỗ trợ, các em có thể tìm đến cố vấn học tập hoặc phòng công tác sinh viên của trường”, thạc sĩ Bình chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Ân, Trường ĐH Duy Tân, thì khuyên tân sinh viên cần tìm hiểu quy chế, quy định của trường, chương trình đào tạo… để có được lộ trình và kế hoạch học tập phù hợp. “Trong học kỳ đầu tiên các em không nên tham gia quá nhiều vào các hoạt động ngoại khóa mà hãy tập trung việc học trước. Khi có kết quả học tập tốt ở học kỳ 1, các em sẽ có động lực cho các học kỳ tiếp theo và lúc đó có thể lựa chọn tham gia các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ cho học tập vẫn chưa muộn”, thạc sĩ Ân nhìn nhận.
Tham khảo kỹ cấu trúc chương trình đào tạo, sự phân bổ các học phần trong học kỳ là lời khuyên của thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dành cho tân sinh viên. “Có nhiều em trong quá trình học cảm thấy bị lạc hướng, không biết mình học cái gì, không tìm thấy sự yêu thích hoặc động lực học tập. Các em cần tìm đến thầy cô để được hỗ trợ, tư vấn, nếu không sẽ rất dễ rơi vào tình huống chán nản, dẫn đến bỏ học giữa chừng…”, thạc sĩ Phương lưu ý.