Tháng 6 về, lẽ ra phải là mùa của những ngày hè rong chơi, thư giản cùng gia đình, bạn bè thì tháng 6 lại một mùa thi đẫm nước mắt mà các sỉ tử năm cuối cấp đang gánh phải.
“Ước gì ngày đó có ai nói với tôi rằng tôi chỉ là một cô học trò bình thường, bé nhỏ, tôi có quyền thi trượt như bất cứ ai. Ước gì ngày đó có ai nói với tôi rằng đừng tạo áp lực nặng nề cho bản thân như thế, thi trượt chỉ là chuyện nhỏ thôi mà…
Cứ đến tháng 6 hàng năm là học trò cả nước lại nao nức, hồi hộp, phấp phỏng, lo âu về kì thi tuyển sinh vào các trường đại học. Nhớ về mình của 20 năm trước, tôi cũng như các em hôm nay, có bao ước mơ, hi vọng gửi gắm sau cánh cổng trường cao vời vợi ấy.
Ngày đó, chúng tôi phải thi tuyển, chứ không xét tuyển như bây giờ. Để thực hiện ước mơ vào Đại học, tôi ra sức học hành chăm chỉ ngày đêm. Sáng đến lớp, chiều đi ôn ở các lò luyện, tối lên thư viện đọc sách, đêm về vẫn chong đèn đến 12 giờ khuya. Tuy mệt mỏi nhưng vui vẻ, tự nguyện vì tin tưởng rằng có thế mới mong chạm được vào tấm vé thông hành cho cuộc đời sau này.
Ngoài ra phải kể thêm rằng, trong suốt 12 năm học phổ thông, thì có đến 7 năm tôi học lớp chuyên Văn và học lực luôn thuộc loại khá, ở mức tiệm cận với giỏi. Chính vì thế cơ hội thi đỗ của tôi không phải là quá xa vời, mặc dù ngày ấy đang là thời kì “hoàng kim” của khối C, thí sinh dự thi rất đông, điểm trúng tuyển rất cao.
Bạn bè cũng như người thân, đa phần đều tin tưởng, kì vọng rằng tôi sẽ đỗ. Chính bản thân tôi, bề ngoài tuy lo lắng, thắc thỏm về kì thi đại học nhưng sâu xa trong thâm tâm vẫn ngầm vang lên lời khẳng định chắc nịch là tôi sẽ thi đỗ.
Có ai ngờ, đến ngày báo điểm, tôi lại bị trượt tất cả các trường. Không thể nào nói hết nỗi đau đớn, khổ sở vò xé tim gan tôi khi đó. Thế là viễn cảnh về một tương lai tươi đẹp được tay trong tay với bạn bè, được ngẩng cao đầu tự hào về bản thân, được xả hơi, thư giãn sau một năm học tập miệt mài không ngừng nghỉ đã sụp đổ tan tành trong phút chốc.
Nỗi đau khổ càng nhân lên gấp bội khi mà những người bạn thân thiết của tôi đều thi đỗ cả. Duy chỉ có mình tôi là trơ khấc ra, ngược dòng, lạc lối giữa niềm vui mừng, rạng rỡ, hân hoan của bạn bè. Ghen tị, chán chường, thất vọng, xấu hổ, tự ti… tất cả các loại cảm xúc tiêu cực cứ đua nhau tràn ngập khắp tâm trí tôi, nhấn chìm tôi xuống tận đáy bùn sâu.
Thêm vào đó, là nỗi buồn não nuột, thê lương của mẹ tôi nữa. Cả đời mẹ chỉ có mình tôi, bao nhiêu kì vọng, tin tưởng đều đặt hết vào đứa con duy nhất này. Năm nào đi họp phụ huynh cũng nghe cô nhận xét con chăm chỉ, học khá, được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn chuyên. Vậy mà tôi đã làm mẹ ngã ngửa vì thất vọng. Trong đau khổ, mẹ không xỉ vả mắng nhiếc tôi nặng lời mà dày vò tôi bằng những câu thở ngắn than dài, bằng hành động tự kỉ ám thị rằng hình như đi đâu, gặp ai, người ta cũng muốn hỏi xem con mình thi đỗ hay trượt.
Chính vì thế mà ngay từ lúc biết điểm, tôi đã bị suy sụp trầm trọng. Khóc lóc thôi chưa đủ, tôi còn giam mình một năm liền không gặp gỡ bất cứ ai, nhất là bạn bè. Ngay cả ngày sinh nhật của bản thân, tôi cũng trốn biệt đi chỗ khác để đỡ phải đối diện với những lời chia sẻ, động viên mà khi đó tôi mặc định rằng đấy chỉ là sự thương hại không hơn không kém. Hậu quả của những tổn thương ghê gớm đó là căn bệnh đau đầu phát tác và hoành hành dữ dội đến mức tôi phải đi tiêm thuốc giảm đau.
Hai chục năm rồi mà vết thương lòng về lần thi trượt đại học đầu tiên vẫn không hề xóa mờ trong tâm trí tôi. Chẳng cần đợi đến tháng 6 mùa thi, chẳng cần đợi phượng vĩ cháy đỏ những hàng cây và bằng lăng tím bầm sau tán lá, tôi vẫn cứ nhớ, cứ ám ảnh mãi những tháng ngày tệ hại, đẫm nước mắt ấy.
Giờ đây nhìn lại, tôi mới thấy xót thương mình, xót thương tất cả những ai đã từng rơi vào tâm trạng khổ đau giống như mình trong chuyện thi cử. Sao tôi lại u mê, ngu ngốc thế! Thi trượt một năm có là gì so với cả cuộc đời dài đằng đẵng này. Biến cố thi trượt có là gì so với muôn vàn những biến cố to lớn khác trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn, mệt mỏi này. Không đỗ năm nay thì đỗ năm sau, trượt một lần không có nghĩa là trượt mãi mãi. Sai lầm từ thi trượt hoàn toàn có thể sửa chữa được, còn bao nhiêu sai lầm khác vĩnh viễn không thể thay đổi được thì sao. Tự dày vò, hành hạ bản thân mình như tôi chẳng giải quyết được gì mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý lâu dài.
Ước gì ngày đó có ai nói với tôi rằng tôi chỉ là một cô học trò bình thường, bé nhỏ, tôi có quyền thi trượt như bất cứ ai. Ước gì ngày đó có ai nói với tôi rằng đừng tạo áp lực nặng nề cho bản thân như thế, thi trượt chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Quan trọng là phải biết đứng lên sau vấp ngã để tự tin, mạnh mẽ làm lại từ đầu. Thất bại tuy có đắng cay thật nhưng là trải nghiệm đáng quý để làm phong phú thêm kinh nghiệm sống của bản thân và giúp ta biết trân trọng hơn những thành quả đạt được sau này.”
Theo Dantri