Sắp đến thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH – CĐ 2019, sĩ tử cần nắm rõ những bí kíp này

0
1956

Từ ngày 1/4 tới, thí sinh cả nước sẽ bước vào giai đoạn đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học. Đây là lúc các sĩ tử cần tìm hiểu thông tin về các ngành nghề cũng như “bí kíp” đăng ký nguyện vọng xét tuyển sao cho hiệu quả nhất.

Có khá nhiều lưu ý dành cho thí sinh, tuy nhiên điều quan trọng nhất khi lựa chọn nguyện vọng (NV) vẫn chính là “biết người biết ta”, tìm hiểu đúng sở thích, đánh giá đúng năng lực của bản thân để có thể chọn NV phù hợp, có cơ hội trúng tuyển ngay đợt đầu tiên.

Cần nghiên cứu điểm chuẩn nhiều năm qua

Một nhầm lẫn phổ biến của thí sinh và phụ huynh khi chọn trường là luôn chỉ căn cứ vào “điểm chuẩn năm ngoái”. Thật ra, điểm chuẩn từng năm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như uy tín của trường, độ “hot” của ngành, số lượng thí sinh nộp hồ sơ… và đặc biệt là độ khó của đề thi của năm đó.

Năm 2017, đề thi THPT Quốc gia được đánh giá là tương đối “dễ thở” trong khi năm 2018, đề thi lại khó hơn nên điểm chuẩn ít nhiều biến động.  Ví dụ Ngành Marketing năm 2017 lấy 20 điểm, năm 2018 lấy 19 điểm; ngành Quản trị khách sạn năm 2018 lấy 19 điểm, năm 2018 lấy 17 điểm… Muốn nắm chắc được mức điểm chuẩn của các trường, thí sinh cần tham khảo 3 – 4 năm liên tiếp để có cái nhìn toàn diện.

Xác định được năng lực bản thân cũng là điều mà thí sinh nên quan tâm. Thí sinh có thể dựa vào điểm kiểm tra, điểm học tập trung bình… của các môn trong bài thi để ước lượng ngưỡng điểm thi của mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý là với áp lực phòng thi, tâm lý thi cử căng thẳng… điểm thi thường sẽ ít nhiều thấp hơn so với điểm học tập trên lớp. Khoảng chênh lệch này chính là điều mà thí sinh nên đặc biệt quan tâm để chọn trường “dự phòng” (các trường thường có ngưỡng điểm thấp hơn điểm thi của bản thân), qua đó đảm bảo khả năng trúng tuyển đại học.

“Chiến lược 3 nhóm” trong việc chọn trường, ngành khi đăng ký NV

Sau khi “khoanh vùng” được các trường có đào tạo ngành mình yêu thích, hãy dựa trên điểm trung bình ở lớp để ước lượng xem điểm thi THPT Quốc gia có thể nằm ở khoảng nào. Hãy bắt đầu sắp xếp các NV theo “phương thức an toàn”, có trường tương đối cao hơn, có trường ngang với điểm số dự kiến của bản thân và nhất thiết phải có trường thấp hơn điểm số dự kiến…

Chọn ngành theo sở thích, chọn trường theo năng lực là “bí kíp” để trúng tuyển đợt 1
Mỗi ngành thường có tương đối nhiều trường cùng đào tạo với môi trường học tập, định hướng cũng như thế mạnh đào tạo riêng. Hiểu rõ lợi thế này, thí sinh nên linh hoạt “chọn ngành theo sở thích, chọn trường theo năng lực” để đảm bảo bản thân có thể theo học đúng ngành yêu thích.

Nhất là những thí sinh với điểm thi dự đoán ở mức vừa phải, thay vì cố gồng mình chọn một ngành bất kỳ ở một trường top đầu, các bạn có thể đăng ký NV vào ngành yêu thích ở các trường đại học có điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn dự kiến không quá cao.

Chủ động chọn trường phù hợp với năng lực không chỉ là lời khuyên hữu ích dành cho thí sinh ở ngưỡng khá – trung bình khá, thí sinh không tự tin với bản thân. Ngay cả các thí sinh có học lực tốt muốn xét vào các trường “top” cũng cần tham khảo đăng ký thêm nguyện vọng vào những trường có điểm chuẩn ngang hoặc thấp hơn một chút so với điểm số của mình.

Từ đó, học sinh sẽ chắc chắn hơn về cơ hội trúng tuyển, nhất là trong điều kiện bài thi THPT Quốc gia năm nay sẽ “cởi mở” hơn, khó dự đoán kết quả chính xác.