Đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ: Lưu ý điều này để đừng trượt oan

0
4309
Đăng ký xét tuyển ĐH CĐ Lưu ý điều này để đừng trượt oan

Hôm qua 1/4, học sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển, tuyển sinh đại học cao đẳng (ĐH, CĐ). Nhiều chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh nên chọn 4-5 nguyện vọng để tránh tràn lan, đặc biệt là các thông tin trong phiếu đăng ký cần phải chính xác, tránh “bút sa gà chết”.

Theo đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, quá trình đăng ký nguyện vọng ĐH, CĐ có 2 bước gồm chọn ngành nghề và chọn trường, ghi nguyện vọng đăng ký vào phiếu.

Với bước chọn ngành nghề và chọn trường, ông Sơn cho rằng, đây là bước quan trọng nhất trước khi các em đặt bút ghi hồ sơ.

“Nguyên tắc chọn ngành nghề, đó là phải phù hợp với khả năng, đam mê của bản thân và tương thích với nhu cầu nhân lực trong tương lai. Sau khi chọn ngành nghề xong các em tìm kiếm những trường có đào tạo ngành mà mình đã chọn, tìm hiểu thông tin điều kiện học tập, học phí, chất lượng đào tạo, chính sách hỗ trợ, môi trường sống xung quanh,… Từ đó liệt kê danh sách các trường có khả năng phù hợp với bản thân để lựa chọn”, ông Sơn nói.

dang-ky-xet-tuyen-dhcd-luu-y-dieu-nay-de-dung-truot-oan-1

Về việc ghi nguyện vọng đăng ký vào phiếu, ông Sơn cho biết, với phương án xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các nguyện vọng xét tuyển trong đợt 1 được xét công bằng với nhau và thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng thì bắt buộc phải chọn nguyện vọng có thứ tự nhỏ nhất. Chính vì vậy, nên các em cần lưu ý nguyên tắc ghi nguyện vọng là giảm dần theo sự phù hợp, yêu thích về ngành nghề của các em.

Ông Sơn lấy ví dụ, bạn A có điểm xét tuyển 21 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y, Bạn B có điểm xét tuyển 23 điểm và đăng ký NV1 vào trường Y, NV2 vào trường Z, bạn C có điểm xét tuyển 18 điểm và đăng ký NV1 vào trường X, NV2 vào trường Y và NV3 vào trường Z. Điểm chuẩn các trường công bố như sau: Trường X: 23 điểm; Trường Y: 21 điểm; Trường Z: 18 điểm. Do đó, bạn A (21 điểm) rớt NV1 nhưng vẫn đậu NV2 vào trường Y dù chỉ là NV2, Bạn B (23 điểm) trúng tuyển ngay NV1 vào trường Y, Bạn C (18 điểm) rớt NV1, NV2 nhưng vẫn trúng tuyển NV3 vào trường Z.

“Như vậy, đối với những trường/ngành mà các em yêu thích nhất nhưng cơ hội trúng tuyển thấp, các em vẫn nên xếp thứ tự ưu tiên cao nhất. Với cách ghi như thế này thì các em luôn có cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp, yêu thích của bản thân. Và lưu ý không nên chọn ngành chỉ vì đậu đại học”, ông Sơn lưu ý.

Về phần đăng ký xét tuyển ngành nghề/trường tuyển sinh, mặc dù quy định cho phép không giới hạn nguyện vọng nhưng các em cần suy xét cho phù hợp, không nên có quá nhiều nguyện vọng dẫn đến bị loãng trong việc lựa chọn ngành nghề, các em nên đăng kí tầm 4 – 5 nguyện vọng và tập trung vào lựa chọn các ngành phù hợp với đam mê và khả năng của mình. Nên nhớ các em vẫn còn cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng trong tháng 7, nên sau khi thi xong thì tùy vào điều kiện điểm thi của mình để chọn trường vừa sức và phù hợp với điều kiện gia đình.

Thí sinh chưa vội

Ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết, để học sinh có thời gian suy nghĩ, lựa chọn thì trường chốt lịch nộp phiếu đăng ký dự thi của học sinh là 16/4. Trước đó, trường cũng đã tổ chức nhiều buổi tư vấn cho các em học sinh lớp 12 như giáo viên chủ nhiệm tư vấn trực tiếp dựa vào năng lực, nguyện vọng của học sinh, mời chuyên gia đến tư vấn cho học sinh và phụ huynh.

Trường THPT Phan Huy Chú cũng khảo sát tham khảo nguyện vọng lựa chọn ngành nghề của học sinh. Theo đó, nhóm ngành Quản trị kinh doanh có nhiều lựa chọn nhất với 275 nguyện vọng, kế đến là ngành công nghệ thông tin 237 nguyện vọng, marketing 168 nguyện vọng và công tác xã hội là 146 nguyện vọng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày đầu trong thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN, tại các trường THPT, thí sinh chưa vội đăng ký xét tuyển. Bắt đầu từ ngày 10/4 trở đi, các trường cũng mới thu phiếu đăng ký dự thi.

Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay, khi đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý một số điểm như đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Năm nay, điểm chênh lệch giữa hai khu vực ưu tiên kế tiếp vẫn là 0,25 điểm, các đối tượng ưu tiên chênh lệch 1 điểm. Với ưu tiên khu vực, có 3 khu vực được cộng điểm ưu tiên khi các trường xác định điểm trúng tuyển, gồm khu vực (KV) 1, KV 2, KV 2 nông thôn. Như vậy, với thí sinh được mức ưu tiên cao nhất, khi các trường xác định điểm trúng tuyển, các em chỉ được cộng 2,75 điểm, thay vì 3,5 điểm như những năm trước.

Điểm lưu ý thứ hai đối với thí sinh đó là các khối trường công an, quân đội chỉ nhận những thí sinh đã qua sơ tuyển và đăng ký nguyện vọng 1. Các nguyện vọng còn lại thí sinh vẫn đăng ký vào các trường ĐH dân sự bình thường theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nguyện vọng của mình.

Một lưu ý nữa đó là đối với những thí sinh năm nay dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT nếu đăng ký xét tuyển cả hai bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) thì phải dự thi đầy đủ các bài thi thành phần của hai tổ hợp này. Nếu bỏ một trong hai bài thi này coi như bỏ thi và thí sinh không được xét tốt nghiệp THPT năm 2019.

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia làm thi và tuyển sinh nhiều năm, thì sai sót mà thí sinh hay mắc phải khi đăng ký dự thi đó là khai sai đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên do xác định sai đối tượng hoặc khu vực. Những sai sót này nếu không được phát hiện kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của thí sinh sau này.