Tại sao không nên hỏi ‘Lớn lên con muốn làm nghề gì?’

0
1454

Đó là điều hầu như ai khi còn nhỏ cũng từng được người lớn hỏi, nhưng nhà tâm lý học người Mỹ Adam Grant khuyên các bậc phụ huynh nên bỏ thói quen đó vì một số lý do…

“Con muốn làm nghề gì khi lớn lên?”.

Khi còn bé, tôi sợ câu hỏi đó lắm. Tôi chưa bao giờ có câu trả lời hay. Người lớn luôn thấy thất vọng vì tôi không mơ trở thành cái gì đó to lớn, như đạo diễn phim hoặc phi hành gia.

Vào đại học, tôi cuối cùng nhận ra mình muốn làm nhiều thứ, vậy nên tôi chọn trở thành nhà tâm lý học tổ chức. Công việc của tôi là tư vấn giải quyết những rắc rối trong công việc cho người khác. Tôi học được kinh nghiệm từ họ một cách gián tiếp, ví dụ cách đạo diễn phim tìm tòi sáng tạo, các phi hành gia xây dựng niềm tin ra sao…

Đến bây giờ, tôi tin rằng hỏi trẻ con “muốn làm nghề gì khi lớn lên” chỉ làm tổn thương chúng.

Đầu tiên, câu hỏi này buộc trẻ con phải xác định bản thân chúng về mặt công việc. Khi bạn được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, xã hội không chấp nhận những câu trả lời như “làm một người cha”, “làm một người mẹ”, chứ đừng nói câu trả lời “làm một người chính trực”.

Khi chúng ta định nghĩa bản thân bằng công việc, giá trị của chúng ta bị lệ thuộc vào những gì chúng ta gặt hái được (trong nghề nghiệp).

Vấn đề thứ hai, câu hỏi gợi lên hàm ý rằng mỗi người đều có một tiếng gọi nghề nghiệp nào đó. Mặc dù có mục tiêu cũng mang lại niềm vui, nhưng một nghiên cứu khoa học chỉ ra việc đi tìm “tiếng gọi” khiến các sinh viên cảm thấy bối rối và mất phương hướng (Tạp chí Hành vi nghề nghiệp, 2007).

Nếu bạn đủ may mắn tìm ra một mục tiêu, đó chưa chắc là một nghề khả thi. Thực tế có rất nhiều đam mê nghề nghiệp không thể… trả nổi hóa đơn điện nước, hoặc đơn giản nhiều người trong chúng ta không có năng lực cho công việc đó.

Có một câu chuyện thế này: Lần nọ, diễn viên hài da màu người Mỹ Chris Rock nghe một nhà quản lý sư phạm nói với đám đông học sinh trung học trong lễ khai giảng rằng, chúng có thể trở thành bất cứ nhân vật nào chúng muốn khi trưởng thành.

Rock chất vấn: “Quý cô ơi, tại sao cô lại nói dối với lũ trẻ? Có thể 4 đứa trong số chúng muốn làm gì cũng được, nhưng 2.000 đứa còn lại tốt hơn nên đi học nghề. Hãy nói với chúng sự thật: các em có thể làm bất cứ nghề gì mình giỏi – miễn là người ta chịu thuê”.

Nếu xoay sở vượt qua được những chướng ngại vật trên, vẫn còn thử thách thứ ba: hiếm có công việc nào giống với ước mơ, mong đợi thời còn nhỏ.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà tâm lý nhận thấy hành trình đi tìm một công việc lý tưởng khiến các sinh viên năm cuối cảm thấy lo lắng, căng thẳng, ngộp thở và suy sụp trên suốt chặng đường – và họ càng không hài lòng với những gì mình tìm thấy.

Tác giả Tim Urban viết: “Hạnh phúc là thực tế trừ đi sự trông đợi”. Nếu bạn cố tìm kiếm hạnh phúc, bạn chắc chắn sẽ thất vọng. Điều này giải thích tại sao người ta thống kê được những người tốt nghiệp đại học trong giai đoạn suy thoái kinh tế cảm thấy hài lòng với công việc hơn sau 30 năm. Đơn giản vì họ không xem có công việc là chuyện hiển nhiên.

Mặt tích cực của sự trông đợi ít là nó xóa đi khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta có. Nhiều công trình nghiên cứu gợi ý thay vì vẽ ra một bức tranh công việc màu hồng, tốt nhất bạn nên bắt đầu với một cái nhìn chân thật, bao gồm khó khăn, phức tạp và tất cả những thứ khác.

Bà hoàng truyền hình Oprah Winfrey diễn tả chính xác nhất: “Công việc của bạn không phải khi nào cũng thỏa mãn bạn”.

Tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện người trẻ đặt mục tiêu cao và mơ ước lớn, nhưng hãy nghe lời khuyên của một nhà tâm lý nghề nghiệp: Những ước mơ đó phải lớn hơn “công ăn chuyện làm”.

Hỏi trẻ con muốn làm nghề gì có thể đẩy chúng đi theo một con đường bản thân chưa chắc đã muốn, thay vào đó, (phụ huynh) hãy gợi ý cho con em suy nghĩ về con người chúng muốn trở thành, về tất cả những thứ khác nhau chúng muốn làm khi lớn lên.