Ngành nào ‘hot’, nhiều ưu đãi? Học lực trung bình chọn ngành nào?

0
5060

Trong phiên tư vấn buổi sáng 17-3 tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại ĐH Bách Khoa (Hà Nội), rất nhiều câu hỏi sát sườn nhưng cũng hóc búa đặt ra với các thầy cô trong ban tư vấn.

Trước nhiều quan tâm của học sinh về đề thi THPT quốc gia 2019, ngay đầu phiên tư vấn, PGS.TS Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định lại để trấn an các em học sinh rằng đề thi sẽ ra theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố.

Ông Trinh cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ giữ ổn định, chỉ có những điều chỉnh về kỹ thuật liên quan tới tổ chức thi để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan.

“Các em học sinh ôn tập bám sát chương trình cơ bản bậc THPT, chủ yếu lớp 12, có kỹ năng làm bài thi tốt thì có thể đạt yêu cầu của kỳ thi” – ông Mai Văn Trinh trao đổi.

“Lực học trung bình, nên chọn ngành nghề gì?”, học sinh hỏi. ThS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: “Ngành nào cũng sẽ có những trường tuyển sinh với mức điểm cao, thấp khác nhau tùy theo yêu cầu đào tạo. Vì thế cơ hội mở với tất cả các học sinh. Nên các em có lực học trung bình cũng có cơ hội, chỉ cần các em nỗ lực cho kỳ thi cuối cùng của hành trình học tập ở phổ thông”.

“Các em có thể vào trang web của các trường ĐH-CĐ và cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để tham khảo đề án tuyển sinh và thông tin mô tả về các ngành nghề.

Khi chọn được các nghề mình thích, các em có thể chọn các trường có yêu cầu đầu vào phù hợp với năng lực, căn cứ vào điểm chuẩn nhiều năm, phương án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh của các trường” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

“Không thể nói ngành giáo dục ngày càng bê bối”

Một câu hỏi bất ngờ từ một thí sinh Bắc Giang khiến cả khu vực tư vấn xôn xao. “Ngành giáo dục ngày càng có nhiều bê bối, liệu rằng ngành giáo dục có tiến triển tốt hơn trong tương lai? Với những sinh viên đam mê ngành sư phạm thì liệu có tin tưởng được đến năm 2020 tỉ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ giảm thiểu?”.

Câu hỏi khá “sốc”, nhưng TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đã thẳng thắn trả lời trực diện vấn đề.

“Căn cứ vào đâu để em nói ngành giáo dục ngày càng bê bối? Câu hỏi thể hiện em quan tâm đến các vấn đề xã hội và thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Tuy nhiên, phải khẳng định nhận định ở câu hỏi này xuất phát từ góc độ chưa đủ thông tin” – bà Phụng nói.

Theo bà Phụng, nếu tự đánh giá về giáo dục trong nước có thể bị cho là chủ quan, nhưng nhiều đánh giá quốc tế rất khách quan đã cho thấy giáo dục Việt Nam có nhiều thành tích đáng khích lệ.

Ngay trong năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong hai quốc gia có nền giáo dục đổi mới, năng động nhất châu Á (cùng với Trung Quốc). Ngoài ra, Việt Nam đã có 2 đại học vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới, 7 đại học lọt tóp 500 đại học châu Á.

“Không thể nói mọi thứ của giáo dục Việt Nam đều tốt, nhưng cũng không thể nói giáo dục Việt Nam ngày càng bê bối được” – bà Phụng nhấn mạnh.

Về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, thống kê từ các trường đại học cho tỉ lệ trung bình khoảng 86-87%, riêng với ngành sư phạm tỉ lệ này khoảng 81%.

Dựa trên bản tin thị trường lao động hằng quý của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê thì số lượng người có trình độ đại học thất nghiệp ở khoảng 138.000-230.000. Như vậy, so với hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thì tỉ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm dao động ở mức 95-97%.

Riêng ngành sư phạm, từ năm 2018 đến các năm tiếp theo, việc giao chỉ tiêu còn dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương. Như vậy trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay (81%).

Ngành du lịch “hot”, nhiều ưu đãi

Nhiều thí sinh đến với ngày hội đã tìm hiểu thông tin rất kỹ về xu hướng đào tạo, sự khuyến khích của Nhà nước với những ngành nghề trọng điểm, những ngành nghề đang cần nhân lực.

Một trong những mối quan tâm đặc biệt đối với thí sinh tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội – nhân văn… là nhóm ngành du lịch – khách sạn.

Theo GS Đinh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, đúng là ngành du lịch – khách sạn đang rất “hot”. Nhu cầu nhân lực của ngành đang rất rộng mở, Nhà nước cũng đang có những chính sách đặc biệt trong đào tạo ngành này. Vì vậy, ở một số trường, còn có chỉ tiêu dành cho ngành này như một ngành đặc thù.

Bổ sung thông tin ở tầm vĩ mô, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm với 5 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn riêng để các trường có đào tạo các ngành này kết hợp với Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch để đào tạo với tỉ trọng đào tạo lớn tại các doanh nghiệp.

Việc đào tạo theo cơ chế đặc thù này sẽ được áp dụng cách tính chỉ tiêu riêng, giảng viên thỉnh giảng đến từ các doanh nghiệp cũng được tính để đăng ký chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu nhân lực đang rất rộng mở.

Đặc biệt, thông tin từ các trường cho biết đến năm thứ 3, việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu của nhà trường, mà còn là nhu cầu từ chính doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định đây là lĩnh vực đang được Nhà nước đặc biệt ưu tiên.

Ở khối trường nghề, ngành này đang có lợi thế với mô hình đào tạo gắn với thực tiễn với 70% thời lượng thực hành, chỉ 30% dành cho lý thuyết.

Hiện nay, với hệ giáo dục nghề nghiệp, ngành đào tạo du lịch – khách sạn đang thí điểm đào tạo theo chương trình của Úc để cuối năm nay sẽ có khóa đầu tiên được cấp bằng.

Ngoài ra, hiện đã có thêm chương trình đào tạo theo chương trình của Đức. Học viên có thể theo học trình độ cao đẳng chương trình chất lượng cao này, sau này nhiều cơ hôi luân chuyển việc làm trong và ngoài nước.

Các chuyên gia “bị xoay”

Tại Ngày hội ở Hà Nội, khu tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp – Chọn lối vào đời là khu khá đặc biệt thu hút rất nhiều phụ huynh và học sinh. Những câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn cũng đa dạng, đa lĩnh vực khiến cho PGS-TS Phạm Mạnh Hà – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS Phạm Ngọc Linh – phó trưởng khoa công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, bị xoay như chong chóng.

Một học sinh hay phụ huynh không chỉ đặt câu hỏi và nghe trả lời mà mỗi trường hợp như một “ca tư vấn tâm lý ngắn” trong đó các chuyên gia thực sự đối thoại với các bậc cha mẹ và học sinh.

Nhiều học sinh thể hiện sự tìm hiểu rất nhiều, rất kỹ nhưng thừa nhận “càng rối”. Có em băn khoăn giữa một trường tư “có vẻ năng động” và một trường công lập “đáng tin cậy”.

TS Phạm Ngọc Linh cho rằng mỗi ngôi trường sẽ có một thế mạnh khác nhau. “Nếu em thích một môi trường học tập năng động, thiên về thực hành ứng dụng hơn thì chọn trường tư. Nhưng em phải xác định điều kiện kinh tế gia đình cho phép đóng học phí cao. Còn em muốn vào trường công, có sự bảo đảm chất lượng, học phí thấp hơn thì chọn trường trường công.”

Nhiều học sinh lo lắng và đặt các câu hỏi hóc búa cho các chuyên gia như “trường tư khó xin việc hơn trường công thì có nên học trường tư không”.

Về câu hỏi này, TS Linh khẳng định mọi khó khăn nếu có thì cũng chỉ là ban đầu, vì càng ngày các nhà tuyển dụng sẽ càng chú ý đến năng lực thực tế, phong cách, thái độ làm việc. Nên nếu có chuyên môn tốt, có kỹ năng mềm tốt, có sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm thì chắc chắn tấm bằng công hay tư không quá quan trọng.

Băn khoăn bao trùm lên ở khu “gỡ rối” vẫn là khúc mắc “Bố mẹ thích một nghề, con thích nghề khác thì làm sao”.

Một học sinh ”chiếm” mic đến 10 phút để chia sẻ về việc “bố mẹ định hướng thi vào ngành dược nên lúc nào cũng chăm chăm nói về dược khiến em không nghĩ được gì khác. Em cũng có một chút thích, nhưng vẫn băn khoăn liệu ý thích đó có phải do bố mẹ chi phối không?”.

TS Phạm Ngọc Linh không phải chỉ trả lời mà gần như tâm tình với em học sinh “thích nghiên cứu, nhưng lại cũng thích các hoạt động ngoại khóa nên chỉ sợ trường thiên về nghiên cứu sẽ quá nghiêm túc mà không có hoạt động phù hợp với lứa tuổi”.

Gỡ từng chút một, TS Linh đã đi đến “kết luận”, không phải “sự áp đặt” nào của cha mẹ cũng sai, mà thường là có cơ sở. Tuy nhiên, nếu các em học sinh đam mê một ngành khác thì hoàn toàn có thể tìm hiểu kỹ và thuyết phục bố mẹ.