Đừng biến kỳ thi tuyển sinh thành trò hề !

0
1686

TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập về giáo dục, cho rằng nếu xử lý nửa vời, ngộ nhận “nhân văn” như các trường hiện nay, Bộ GD-ĐT, các trường tự biến kỳ thi tuyển sinh thành trò hề.

TS Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng, lẽ ra Bộ GD-ĐT cần hủy kết quả tất cả bài thi có điểm thi gian lận, chứ không “trả về điểm thật” để rồi có nhiều thí sinh dùng điểm thật đó nghiễm nhiên học tiếp ĐH như hiện nay.

“Cách xử lý như các trường công an chính là điều mà xã hội thấy còn có sự công bằng. Nghĩa là đuổi thì đuổi hết, chứ không phải em thì phải về, em thì tiếp tục ở lại học vì điểm thi vẫn đạt điểm chuẩn, rồi lý luận các em không cần đến điểm gian lận vẫn đỗ”, TS Quyên nói.
PV: Bộ GD-ĐT cũng như các trường nói rằng có xóa tên các em thì cũng phải có căn cứ pháp lý, không thể tùy tiện.
TS Đỗ Thị Ngọc Quyên: Đúng là có vấn đề với các quy chế về thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hiện nay và cần thiết phải sửa. Nếu năm nay Bộ chưa kịp sửa thì có thể sửa để kịp sử dụng cho các kỳ tuyển sinh tiếp theo. Vì thế, trong năm nay, chưa thể tước quyền đăng ký dự thi kỳ thi tới của các thí sinh có điểm thi gian lận, vì muốn sửa được cũng cần có thời gian.
Tuy nhiên, một việc có thể làm ngay là các trường sửa ngay quy chế của mình vì các trường được quyền tự chủ. Lâu nay các trường vẫn đòi quyền tự chủ; giờ chính là cơ hội để các trường thực thi quyền này. Vừa rồi Báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an, về nguyên tắc xử lý của các trường ngành công an, rằng trường công an từ chối đào tạo thí sinh có điểm thi gian lận. Đó là cách trường công an thể hiện quyền tự chủ. Trường công an tự chủ được, tại sao các trường ĐH khác không làm được?
Các trường ĐH “vin” vào lý do vì quy chế của Bộ không đầy đủ, trường không có căn cứ xử lý, vậy quyền tự chủ của trường nằm ở đâu? Trường ĐH có quyền đặt yêu cầu của mình trong việc tuyển sinh; có quyền tuyên bố chỉ sử dụng kết quả thi của Bộ như một tham số tham khảo; có quyền đặt ra quy trình tuyển sinh khác cho mình. Chẳng lẽ chỉ có trường công an mới đặt ra yêu cầu trung thực, còn các trường khác thì không cần?
Một trong những lý lẽ nhiều người đưa ra để ủng hộ việc các trường không đuổi các thí sinh được sửa điểm là “các em chỉ là nạn nhân”…
Vấn đề là phải đưa ra được định nghĩa thế nào là gian lận, thế nào là không trung thực để xử lý. Không thể chạy theo từng trường hợp thí sinh để nói rằng điểm thi của em này được nâng ít, điểm thi của em kia được nâng nhiều để nói rằng có thể em kia mới không trung thực, còn em này nhiều khả năng là vô can. Cũng không thể nói không cần gian lận em cũng đủ điểm; em không có động cơ gian lận… Làm gì có chuyện đó!
Nếu vấn đề này không xử lý được thì Bộ và các trường sẽ trở thành tác giả của một trò hề: tổ chức một kỳ thi, một kỳ xét tuyển với với sự tham gia của rất nhiều lực lượng, tốn kém bao tiền của, nhưng chẳng để làm gì. Ai thích thì cứ gian lận, cùng lắm là bị phát hiện, bị trả về điểm thật, mà chẳng mất gì; giá đắt nhất phải trả chỉ là trượt ĐH. Làm một việc sai trái mà không mất gì, nếu trót lọt thì được rất lớn, thì người ta cứ làm.

Các quy chế của Bộ cần phải điều chỉnh; chỉ cần thêm một vài câu. Chẳng hạn trong quy định hủy bỏ kết quả thi (điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia), chỉ thêm chữ “gián tiếp hoặc trực tiếp” vào trước câu “sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài” là đã có thể bao quát được cả hơn 200 trường hợp năm 2018 ở: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Việc xác định ai gian lận để xử lý thì có thể đợi kết luận của CQĐT. Nhưng với bài thi có điểm thi gian lận, quy chế của Bộ không có một dòng nào đề cập, để giờ không có căn cứ xử lý, thì đấy là lỗ hổng mà Bộ GD-ĐT cần phải bịt ngay!.