Tìm giải pháp chống gian lận chấm thi như đã diễn ra năm 2018, Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách các trường đại học tham gia coi thi và chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Trước áp lực về gian lận thi cử của kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra tại Sơn La, Hòa Bình , Hà Giang trong khâu chấm thi, đại diện các trường được phân công chấm thi trắc nghiệm năm nay bày tỏ ít nhiều lo lắng về nhiệm vụ mới này.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết năm nay trường coi thi và chấm thi tại tỉnh Gia Lai, địa phương trường đã coi thi trong các năm qua. Vì vậy, sự phối hợp khá nhuần nhuyễn. Trong ngày 26.4, tuy chưa phải là buổi họp chính thức nhưng ông cũng có gặp Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai và có trao đổi qua về tình hình năm nay, nhất là ở khâu chấm thi. Theo đó, về phía địa phương, tuy các năm qua vẫn làm nghiêm túc nhưng Bộ GD-ĐT giao cho trường ĐH chủ trì chấm thi khiến địa phương cũng đỡ lo hơn.
Theo tiến sĩ Lý, các trường ĐH đã rất quen thuộc trong việc chấm thi trắc nghiệm qua kinh nghiệm mười mấy năm qua. Vì vậy, về công tác chấm thi thì không có gì phải lo lắng. Điều cần thiết nhất trong công tác này là đảm bảo đúng quy trình theo Bộ hướng dẫn, không nên sáng chế. Quy chế, quy trình trong công tác chấm thi đã rất chặt chẽ. Năm ngoái về quy trình cũng chặt chẽ, nhưng do người thực thi tiêu cực. Vì vậy, năm nay các trường ĐH chỉ cần làm theo quy trình, giám sát chặt chẽ các khâu là sẽ ngăn ngừa được tiêu cực. Chưa kể năm nay còn có camera giám sát việc chấm thi nữa.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc giao cho các trường ĐH ngoài địa phương chủ trì chấm thi sẽ hạn chế tối đa khả năng xảy ra tiêu cực. Thêm vào đó là kết hợp với biện pháp công nghệ, lắp đặt camera giám sát khu vực chấm thi và lưu trữ bài thi 24/24 sẽ tăng cường hình thức răn đe.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nói, năm nay trong công tác tổ chức thi thì Bộ đã phân công chi tiết về đơn vị chủ trì công tác chấm thi. Điều này làm rõ hơn các ý đã nêu trong quy chế thi THPT quốc gia năm 2019. Với việc phân nhiệm vụ chi tiết và rõ ràng này, h vọng công tác tổ chức sẽ tốt hơn năm ngoái.
Nhưng theo thạc sĩ Sơn, vấn đề còn lại chính là sự chủ động phối hợp nhịp nhàng giữa trường ĐH và các sở GD-ĐT. Năm nay áp lực của kỳ thi đòi hỏi các trường phải bố trí thêm nhân lực làm công tác giám sát. Đặc biệt với các trường không tham gia công tác tổ chức thi mà chỉ chấm thi ở tỉnh thì công tác chuẩn bị để phối hợp cũng cần làm sớm để kịp với tiến độ công bố điểm thi.
Áp lực lớn cho trường ĐH
Thạc sĩ Sơn cũng cho biết: “Thực sự năm nay được phân công làm nhiệm vụ thì rất vinh dự nhưng thực sự cũng rất lo. Áp lực tổ chức kỳ thi minh bạch, an toàn thực sự làm trường có tâm lý hơi căng thẳng từ khi nhận được thông tin phân công nhiệm vụ. Để tăng cường công tác giám sát thì năm nay nhân lực sẽ phải huy động nhiều hơn, áp lực công việc sẽ cao hơn nên công tác đảm bảo hậu cần cho đội ngũ hàng trăm cán bộ làm nhiệm vụ ở các điểm thi, đặc biệt là các vùng khó khăn, sẽ chịu nhiều áp lực lớn”.