Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Linh hoạt giữa thanh tra, kiểm tra

0
1205

Nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra của các hội đồng, điểm thi. Cùng với đó, công tác này có những đổi mới như kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất và mỗi điểm sẽ có tối thiểu 2 cán bộ thanh tra…

Nhiều điểm mới

Thanh tra thi luôn là vấn đề rất được quan tâm, là nội dung quan trọng mà Bộ GD&ĐT đưa vào kế hoạch từ đầu năm để từng bước triển khai. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1960 gửi tới các Sở GD&ĐT; Sở GD,KH&CN; Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng để hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, công tác thi với tinh thần nghiêm túc nhưng cần chú ý rút kinh nghiệm các năm trước, đặc biệt năm 2018 vừa qua. “Không phải tất cả những tồn tại của năm 2018 là của thanh tra mà bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: Nửa đêm công an mở cửa phòng lưu trữ để chỉnh sửa điểm thì rõ ràng giờ đó không thể có mặt của lực lượng thanh tra được… Công tác thanh tra năm nay sẽ khắc phục tồn tại, làm việc nghiêm túc trên cơ sở đó Thanh tra Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác thanh tra đối với các sở, tổ chức thanh tra, kiểm tra để trực tiếp tham mưu cho Bộ trưởng…”, ông Nguyễn Huy Bằng nói.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, điểm mới đầu tiên của công tác thanh tra năm nay được thể hiện khi tập huấn thì chưa ban hành hướng dẫn mà chỉ đưa dự thảo cho mọi người góp ý, điều chỉnh cho phù hợp, trên cơ sở đó hoàn thiện hướng dẫn. Các năm trước căn cứ Thông tư 23 về thanh tra các kỳ thi hướng dẫn cách tổ chức thì năm nay đã cụ thể hóa hơn như: Bên cạnh nội dung thanh tra, còn cả phương pháp, cụ thể đi thanh tra thì thu thập những thông tin gì, biên bản lập như thế nào… Đặc biệt, đối với cán bộ đi thanh tra phải là người không trong giai đoạn đang chấp hành kỷ luật, người đang trong quá trình xem xét kỷ luật.

Công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra sẽ linh hoạt hơn. Năm nay, công tác chuẩn bị thi có thể thanh tra hoặc kiểm tra tùy thuộc vào từng địa phương. Lý giải về điều này, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay, bởi khi kiểm tra thì sẽ linh hoạt và rất nhanh mà thanh tra phải có quy trình như chuẩn bị xây dựng, kết luận rồi xin ý kiến đối tượng… các khâu sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, qua kiểm tra nếu thấy có vấn đề cần phải chấn chỉnh sẽ kịp thời báo cáo xin ý kiến điều chỉnh.

Cũng như các năm trước, năm nay thanh tra thi vẫn có 3 khâu (chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi), mọi năm chỉ đạo cứng tất cả phải thanh tra nhưng năm nay khâu chuẩn bị thi Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT tùy tình hình có thể thanh tra, có thể kiểm tra. Kiểm tra không phải không nghiêm túc mà để tính kịp thời, phát hiện có vấn đề là phải báo cáo để có chỉ đạo ngay.

“Siết” thanh tra để bảo đảm an toàn

Về tổ chức kiểm tra thi, Ban Chỉ đạo thi Trung ương quyết định thành lập các đoàn kiểm tra, phân chia đến tất cả các địa phương. Các đoàn kiểm tra này do một đồng chí Thứ trưởng hoặc lãnh đạo Cục, Vụ làm trưởng đoàn tổ chức đi kiểm tra tất cả các nơi. Cùng với đó, Thanh tra Bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đến Ban Chỉ đạo thi của các tỉnh động viên, nhắc nhở, đôn đốc… Sau khi những đoàn thanh tra của lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin những điểm thi cần lưu ý sẽ có thêm đoàn thanh tra, kiểm tra để xem các đơn vị thực hiện nghiêm túc hay không.

Về số lượng thanh tra tại các điểm thi, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cũng cho biết, năm nay có sự thay đổi, mỗi điểm thi tối thiểu là 2 cán bộ, vẫn có cán bộ trường đại học. Số lượng thanh tra có thể tăng thêm, ví dụ như Hà Nội không phải 2 thanh tra mà có thể là 7 thanh tra tại một điểm thi.

Thanh tra Bộ sẽ thanh tra cả trắc nghiệm và tự luận, việc thanh tra theo thẩm quyền của Giám đốc Sở GD&ĐT vẫn thanh tra tự luận còn khi Bộ GD&ĐT về sẽ thanh tra cả việc thanh tra của Sở, chấm thi cả trắc nghiệm, tự luận và sẽ thanh tra trực tiếp tất cả các địa phương… Trên tinh thần làm việc nghiêm túc nhưng không căng thẳng, tạo sự công bằng cho thí sinh làm bài thi tốt nhất…

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.

Cùng với đó là trách nhiệm của cán bộ thanh tra cụ thể, cán bộ làm công tác thanh tra ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới với những sai phạm xảy ra nơi đó. Việc lập biên bản phòng giữ bài thi mỗi khi mở hay đóng phải có sự chứng kiến, thanh tra phải kiểm tra việc đó có thực hiện nghiêm túc không? Việc niêm phong phòng, tủ đựng bài thi có đúng, đủ chữ ký không… trong trường hợp sai phạm mà không phát hiện ra thì thanh tra phải chịu trách nhiệm.

Đối với công tác chấm thi, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cho biết, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ có những thay đổi tùy cơ sở sẽ bố trí nhiều cán bộ hơn, bên cạnh cán bộ trường đại học sẽ tận dụng lực lượng thanh tra Sở, nhất là các Chánh Thanh tra… Bởi đây là những người có chuyên môn cao và sẽ tiến hành thanh tra chéo. Ví dụ như thành lập đoàn thanh tra chấm thi ở Hà Tĩnh sẽ lấy 2 cán bộ trường đại học không đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và một thanh tra từ một tỉnh khác. Như vậy, sẽ không có thanh tra tại địa phương của mình.

“Việc chấm thi trắc nghiệm, các Sở không được làm cho nên chỉ thanh tra tự luận của họ. Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra toàn bộ phần thi (cả tự luận và trắc nghiệm) nhưng sẽ lấy người của trường đại học và thanh tra các sở để thanh tra chéo. Số lượng tăng lên tùy địa phương. Trong quá trình tập huấn sẽ có tập huấn quy chế, kỹ năng cho thanh tra chấm trắc nghiệm và khi thanh tra chấm thi sẽ xem tác nghiệp luôn, xem quy trình đúng không. Năm nay, các trường vẫn giám sát nhưng thanh tra trùm lên cả giám sát xem có làm đúng không? Thanh tra sẽ được tập huấn rất kỹ về nội dung này…”, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết.

Để làm tốt công tác chấm thi, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng, dù các biện pháp kỹ thuật có bầy binh bố trận đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là cán bộ làm công tác thi. Bởi vậy, cần có cán bộ ý thức trách nhiệm cao đối với công việc. Cùng với đó, cán bộ làm công tác thi phải tập trung liên tục, không chủ quan và phải có kỹ năng mà nhiều người vẫn gọi là phải “đúng vai – thuộc bài”. Cán bộ thanh tra thì tuyệt đối không được bỏ vị trí, trường hợp đặc biệt phải báo cáo xin ý kiến.

Năm 2018 cả nước có 2.143 điểm thi với hơn 4.000 thanh tra, năm nay, bên cạnh số thanh tra cắm chốt tại điểm thi, thanh tra các Sở có thể có các chốt trực thi, trực đường dây nóng để kịp thời điều phối khi cần hỗ trợ những điểm nóng, điểm ở xa gọi thanh tra đột xuất… Các Sở thường thành lập đoàn thanh tra do Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn và nhóm đó họ lấy các cộng tác viên thanh tra từ các phòng ban, các trường. Từ đó, tổ chức tập huấn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT…