Thi THPT quốc gia: Ăn xôi gấc, xôi đậu cả 3 ngày để mong thi đậu?

0
1310

Nhiều thí sinh có quan niệm trong 3 ngày thi THPT quốc gia sẽ ăn toàn các món như xôi gấc cho đỏ và may mắn, ăn xôi đậu để thi đậu. Niềm tin này liệu có căn cứ, và có đảm bảo cho sức khỏe?

Thiều Thanh Sang, sinh viên Học viện cán bộ TP.HCM, cho rằng: “Thi đậu hay rớt là do mình học bài và ôn bài. Nhiều bạn ngày thi THPT quốc gia không dám ăn xôi lạc (đậu phộng) vì sợ làm bài lạc đề. Điều này vô căn cứ quá. Ngày xưa em ăn mì gói vẫn đậu đại học”.

Chỉ là truyền tai nhau

Sang cho rằng, trước ngày thi các thí sinh không nên thức quá khuya, ăn uống đảm bảo đủ bữa, đặc biệt nên nhớ uống nước lọc: “Nên mang theo nước lọc để vừa làm bài thi vừa uống, uống nước lọc sẽ giúp ích khi mình quá căng thẳng”.
Hồ Thị Hoàng Hạnh, sinh viên ngành điều dưỡng, Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, những ngày thi THPT quốc gia, mẹ thường nấu cho Hạnh những món mà Hạnh thích ăn. “Các bạn thí sinh cần nhớ, trước ngày thi và trong những ngày thi đều nên ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, nếu học đêm có thể uống thêm sữa để có sức học tiếp. Đặc biệt, không ăn hàng quán nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe”, Hạnh nói.
Về tâm lý chọn những món ăn như xôi đậu đỏ, xôi đậu xanh, xôi gấc để ăn trong ngày thi, theo Hạnh chỉ là các thí sinh tự truyền tai nhau, tạo niềm tin để mình có thể thi đậu. “Quan trọng nhất là ăn uống vệ sinh, đủ dinh dưỡng”, nữ sinh ngành điều dưỡng cho hay.

Ăn cho “đỏ” là không có căn cứ khoa học

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, Viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood, cho biết, mùa thi là thời điểm căng thẳng nhất của các em học sinh. Áp lực bài vở khiến các em rất dễ bỏ bữa hoặc ăn qua loa, hoặc quá lo lắng nên ăn uống không ngon miệng, gây mệt mỏi, dễ bị bệnh… Trong khi hơn lúc nào hết, lúc này các em cần có sức khỏe dẻo dai, trí óc minh mẫn, sắc bén mới giúp các em vận dụng hết kiến thức đã học vào bài thi. Nếu chỉ lo học ngày, học đêm, quên ăn, quên ngủ thì dù kiến thức vững vàng đến đâu nhưng đến ngày thi bị kiệt sức thì coi như công học tập bấy lâu của các em có thể “đổ sông, đổ biển”.
Theo bác sĩ Nguyệt, các món ăn từ đậu, từ gấc giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, tốt cho sức khỏe, có thể sử dụng trong các bữa ăn nhưng luôn lưu ý nguyên tắc ăn đa dạng, đủ dưỡng chất từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nên thay đổi món ăn thường xuyên vừa giúp các em ngon miệng, vừa giúp nhận đủ chất dinh dưỡng.
“Nếu chỉ ăn đơn độc xôi đậu, xôi gấc cả 3 ngày thi THPT quốc gia cho “đỏ” thì hoàn toàn không hợp lý, không đủ các chất dinh dưỡng, không cân đối khẩu phần… đặc biệt về cảm quan các em sẽ ngán ngẩm, ăn ít hoặc bữa ăn trở nên mệt mỏi khiến việc hấp thu, tiêu hóa không hiệu quả… Hậu quả các em có nguy cơ thiếu năng lượng, thiếu nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, thiếu các chất dinh dưỡng cho trí não gây mệt mỏi, buồn ngủ, dễ quên… Nên ăn đa dạng thực phẩm, thay đổi món thường xuyên, không nên vì một vài suy nghĩ không có căn cứ khoa học mà có bữa ăn không hợp lý”, bác sĩ Nguyệt nói.

Ăn gì, uống gì trong những ngày thi?

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt đưa ra những lời khuyên cho các sĩ tử khi ngày thi gần kề, đó là ăn đủ bữa, dù bận rộn đến đâu vẫn phải đảm bảo ăn đủ ba bữa chính trong ngày sáng, trưa, chiều và 1 – 2 bữa phụ.
Ăn đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, nên ăn đa dạng, đủ các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn chính gồm bột đường (cơm, bún, phở, mì, nui…); chất đạm (ưu tiên các loại đạm động vật có giá trị sinh học cao như thịt gà, cá, trứng, sữa, thủy hải sản, thịt heo, thịt bò… và đạm thực vật từ đậu); chất béo (đặc biệt là các loại chất béo thiết yếu cho não như chất béo từ các loại cá béo cá hồi, cá thu, cá trích, các loại hạt như bí đỏ, hướng dương, mè…); rau và trái cây cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng.
Bổ sung sữa và sữa chua trong khẩu phần. Không nên ăn nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn vì nhiều béo, nhiều đường, nhiều muối nhưng lại nghèo dinh dưỡng, không nên sử dụng thức ăn, nước uống lề đường không đảm bảo vệ sinh nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa cao.
Ăn đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, nên ăn đa dạng, đủ các nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn chính gồm bột đường (cơm, bún, phở, mì, nui…); chất đạm (ưu tiên các loại đạm động vật có giá trị sinh học cao như thịt gà, cá, trứng, sữa, thủy hải sản, thịt heo, thịt bò… và đạm thực vật từ đậu); chất béo (đặc biệt là các loại chất béo thiết yếu cho não như chất béo từ các loại cá béo cá hồi, cá thu, cá trích, các loại hạt như bí đỏ, hướng dương, mè…); rau và trái cây cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng.
Bổ sung sữa và sữa chua trong khẩu phần. Không nên ăn nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn vì nhiều béo, nhiều đường, nhiều muối nhưng lại nghèo dinh dưỡng, không nên sử dụng thức ăn, nước uống lề đường không đảm bảo vệ sinh nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa cao.