Trường đại học và địa phương ngay lập tức chấm thi THPT quốc gia 2019

0
1144

34 đoàn thanh tra chấm thi đã xuất quân và bắt đầu làm việc từ hôm nay.

Trường, Sở khẩn trương chấm thi

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được Bộ GD-ĐT phân công chấm thi trắc nghiệm tại cụm thi Bình Thuận. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay 14h ngày 27/6, trường và Sở GD-ĐT đã họp để bố trí chấm ngay vào sáng 28/6.

“Toàn bộ máy móc được niêm phong từ hôm 19/6, chuẩn bị được chở sang điểm chấm thi để lắp ráp lại. Sở GD-ĐT Bình Thuận cũng bố trí 3 máy scan để làm việc” – ông Sơn nói.

“Đội ngũ chấm thi trắc nghiệm được bố trí 14 người. Tất cả sẽ làm việc cật lực để hoàn tất vào ngày 10/7 và kịp công bố điểm theo quy định của Bộ. Chúng tôi bố trí 2 phòng có gắn camera để chấm thi trắc nghiệm và 2 cán bộ trực đêm tại phòng chấm cùng với công an bảo vệ an ninh. Năm nay, toàn bộ công tác chấm thi đều có thanh tra Bộ trực để ghi nhận tình hình”.

Về chấm thi tự luận, theo ông Sơn, Sở GD-ĐT cử 99 giáo viên tham gia với 3 tổ chấm và đảm bảo 2 vòng độc lập. Tổ chấm kiểm tra có 9 giáo viên và cũng bố trí chấm 2 vòng độc lập.

Còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ chấm thi trắc nghiệm tại cụm thi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông, cho hay đội ngũ chấm và giám sát chấm thi của nhà trường gồm có 19 người, trong đó có một phó hiệu trưởng là trưởng ban. Số còn lại đều là những cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm khảo thí của trường, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm.

Các phòng chấm thi đều có gắn camera giám sát và cán bộ trực đêm, cùng với công an bảo vệ an ninh

“Hôm nay 28/6, trường sẽ có một ban xuống Bà Rịa – Vũng Tàu làm phách. Đến ngày 1/7, ban chấm thi bắt đầu làm việc chính thức” – bà Dung thông tin.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường phụ trách chấm thi trắc nghiệm ở cụm thi Đắk Lắk và hiện đã sẵn sàng. Theo ông Dũng, tất cả các bài thi đã tập kết về đến điểm chấm lúc 16h ngày 27/6. Tổ chấm của nhà trường với 16 thành viên đã họp phân công và quán triệt quy chế chấm thi. Thiết bị chấm hoạt động tốt với 7 máy quét tốc độ cao.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu chấm thi ngay từ hôm nay. Cả trường và Sở sẽ hỗ trợ nhau và làm xuyên đêm” – ông Dũng khẳng định.

Ông Dũng cho hay theo quy chế, ngày 14/7 phải công bố kết quả nên trường sẽ chấm xong trong 10 ngày. Công tác chấm thi được đảm bảo tuyệt đối với an ninh 3 lớp. Riêng bài thi tự luận, ngày 29/6, Sở GD-ĐT sẽ tập huấn thành viên tham gia hội đồng chấm và thống nhất đáp án để không bị lệch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trưa 27/6 tất cả bài thi của địa phương này đã được chuyển về hội đồng chấm. Sáng nay 28/6, Sở làm phách và bàn giao bài trắc nghiệm cho trường ĐH tiếp quản và đảm bảo chấm thi.

Sở huy động 2.000 cán bộ chấm thi, trong đó môn Văn đến gần 700 cán bộ, gồm khoảng 620 cán bộ chấm thi, 80 cán bộ kiểm tra soi dò, đối sánh, còn lại phụ trách làm phách. Các phòng chấm thi được lắp ít nhất 3 camera. Dự kiến bài thi tự luận được chấm trong 5 ngày và hoàn thành vào ngày 4/7.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết, từ ngày hôm nay 28/6, địa phương sẽ tiến hành họp ban làm phách và tiến hành việc làm phách từ ngày 29/6. “Chúng tôi đã thuê một địa điểm và bố trí lực lượng công an bảo vệ gồm lực lượng của địa phương và của Bộ tăng cường bảo vệ”.

Về khâu chấm thi, đối với bài thi trắc nghiệm, sáng ngày 29/6, Sở GD-ĐT Lạng Sơn sẽ bàn giao toàn bộ bài thi cũng như các phòng trang bị máy chấm cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Với môn thi tự luận, từ chiều 1/7, chúng tôi sẽ họp ban chỉ đạo cũng như các cán bộ tham gia và sẽ bắt đầu chấm từ ngày 2/7. Tinh thần là các giáo viên phải nắm chắc và vận dụng đáp án để làm sao chấm khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho thí sinh”.

Lạng Sơn có trên 8.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tự luận môn Ngữ văn, do đó Sở huy động hơn 80 giáo viên tham gia công tác này.

Theo kế hoạch, dự kiến khoảng từ ngày 6-7/7, Lạng Sơn sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận.

“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ chấm bài thi trắc nghiệm của Lạng Sơn. Chúng tôi cố gắng thực hiện đúng kế hoạch, ngày 14/7 sẽ thông báo kết quả thi đến tất cả thí sinh”.

Cải tiến phần mềm chấm thi, tăng cường mã hóa

Chia sẻ với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết đến nay, các phòng chấm thi tự luận và trắc nghiệm cũng như phòng để lưu trữ bài thi của thí sinh đã được các Hội đồng thi chuẩn bị đầy đủ.

“Hệ thống máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ cho chấm thi trắc nghiệm cũng đã được trang bị và chạy thử. Đặc biệt năm nay, các phòng chấm thi tự luận cũng như trắc nghiệm đều được lắp đặt camera, và hiện các thiết bị giám sát này đã hoạt động, sẵn sàng phục vụ công tác chấm thi trong những ngày tới”.

Nói riêng về chấm thi tự luận, ông Trinh cho biết ở khâu đánh phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly đánh phách, thực hiện chấm thi 2 vòng độc lập. Việc chấm môn tự luận sẽ có tối thiếu là 5% số bài thi có điểm cao được đưa ra để chấm thẩm định. Mục đích của việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% là nhằm xem liệu việc chấm vòng 1 và vòng 2 có đều tay hay không, qua đó có hướng xử lý.

Ông Trinh cũng lưu ý các hội đồng thi tùy thuộc vào số lượng bài hiện đã chủ động lựa chọn đủ cán bộ chấm thi môn Ngữ văn. “Quy chế cũng cho phép trong trường hợp cần thiết, các hội đồng thi hoàn toàn có thể mời thêm cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ tham gia chấm thi nếu cần”, ông Trinh nói.

Riêng với môn thi trắc nghiệm thì có quy trình rất rõ ràng, cải tiến về phần mềm, sẽ tiến hành quét từng túi bài thi.

“Dữ liệu ngay sau khi quét sẽ được mã hóa; thêm vào đó, phần mềm có chức năng thông minh, chỉ cho phép người dùng sửa ở những chỗ bị lỗi, còn những chỗ không bị lỗi thì không thể tác động vào. Năm nay, nhiều địa phương để cho các cán bộ tham gia vào khâu in sao đề thi phải được cơ quan công an xác định nhân thân trước đó” – ông Trinh giải thích về các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa gian lận.

Bộ đã tiến hành tập huấn rất kỹ cho các cán bộ về công tác chấm thi trắc nghiệm ngay từ tháng 3.

“Suốt từ đó đến giờ, những trường đại học được phân công công tác chấm thi cũng đã chủ động tập huấn, thử nghiệm phần mềm và được Bộ giải đáp trực tiếp bằng nhiều kênh. Đặc biệt trong phần mềm chấm thi trắc nghiệm, Bộ đã xây dựng tài liệu hướng dẫn rất chi tiết nên cho đến nay, chưa thấy trường ĐH nào phàn nàn hay cần chúng tôi giúp đỡ quá nhiều. Tất cả đã sẵn sàng”, ông Trinh nói.