Chấm thi môn văn: Những chuyện ‘thâm cung bí sử’

0
1376

Nếu như đề thi môn toán, lý, hóa có đáp án cụ thể và chính xác đến từng chi tiết thì môn văn lại có đặc thù rất riêng. Đáp án môn văn chỉ mang tính chất gợi mở với những ý chính, còn lại mỗi thí sinh sẽ có cách diễn đạt khác nhau.

Chấm thi môn văn: Những chuyện thâm cung bí sử - Ảnh 1.

Giám khảo chấm thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 – Ảnh: VĨNH HÀ

Môn văn có đặc thù riêng nên tôi đề nghị phải lựa chọn giám khảo chấm thi. Ví dụ kỳ thi THPT quốc gia thì nhất thiết phải là giáo viên lớp 12 đi chấm. Thứ hai, các hội đồng chấm thi cần khống chế và kiểm soát số lượng bài thi được chấm trong ngày, ví dụ mỗi giám khảo không được chấm quá 92 bài thi/ngày.

Thầy Trương Minh Đức (giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)

Chưa kể, những năm gần đây đề thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia hoặc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các tỉnh, thành cũng đang có xu hướng ra đề theo dạng “mở”.

Lấy năng suất làm trọng

“Gần 20 năm đi chấm thi, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Đặc thù môn văn là giám khảo phải đọc kỹ bài thi để phát hiện những ý hay, những suy nghĩ sáng tạo, cách hành văn mới mẻ… của thí sinh thì trên thực tế lại có nhiều người đi chấm thi vì… cơm áo gạo tiền. Họ đọc rất nhanh và chấm rất nhanh.

Có lần, tôi nhận xấp bài (mỗi xấp bài thường có 24 bài thi – PV) để chấm cùng một giám khảo nọ, khi tôi chưa chấm xong xấp bài ấy thì người kia đã chấm hoàn thành hai xấp bài. Sau này, khi nói chuyện với chị giám khảo đó, tôi mới biết các bài thi qua tay chị chấm thì không em nào được điểm sáng tạo cả” – thầy Th., giáo viên môn văn ở miền Đông Nam Bộ, cho biết.

Tại Hà Nội, một giám khảo chia sẻ: để đỡ “bị soi”, nhiều giáo viên từng tham gia chấm thi đã truyền “kinh nghiệm” là cứ cho bài điểm 6-7 cho… an toàn.

Tại một số địa phương khác, chia sẻ của chính giám khảo chấm là thường họ sẽ làm nghiêm túc trong 1-2 ngày đầu. Sau đó, một phần vì thời tiết nóng bức, mệt mỏi, một phần bị ép tiến độ nên nhiều giám khảo lấy “năng suất” làm trọng, cố gắng chấm đủ số lượng bài đã được định mức mà không đọc kỹ, chấm kỹ.

“Nếu có kiểm tra thì vẫn nằm trong “khung” cho phép, hoặc có chênh trên 1,75 điểm thì vẫn còn việc đối thoại, thống nhất giữa hai giám khảo chấm, cứ đổ cho “quan điểm” chấm thì cũng qua” – một giám khảo “bật mí”.

Trong khi đó, cô H., giáo viên môn văn nổi tiếng ở khu vực phía Nam, còn thông tin: “Dù không nhiều nhưng đây đó vẫn còn một số giám khảo bảo thủ và chưa đủ tầm để hiểu bài làm của thí sinh – nhất là những thí sinh giỏi.

Có năm, đề thi yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn thơ của Huy Cận. Em thí sinh đã phân tích rất hay và sâu sắc theo “hệ quy chiếu về không gian” – một đặc trưng của thơ Huy Cận. Thế nhưng giám khảo đã cho là em viết theo kiểu “trời ơi đất hỡi”. Thậm chí, khi tôi bảo vệ quan điểm của mình và bảo vệ thí sinh thì bị nghi ngờ là “có phải thí sinh đó là học trò ở trường chị?” – cô H. chia sẻ.

Chấm thi môn văn: Những chuyện thâm cung bí sử - Ảnh 3.

Thí sinh vui mừng sau giờ thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Câu hỏi mở lệ thuộc chủ quan người chấm

Ngay ở hội đồng chấm thi tại Hà Nội, một số giám khảo môn ngữ văn cũng cho biết khác biệt quan điểm giữa giám khảo chấm cũng rõ.

Một giám khảo chấm môn văn ở Hà Nội chia sẻ: “Đề yêu cầu thí sinh phát biểu cảm nghĩ, như vậy các em có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chỉ cần không phạm vào một số điểm “cấm” như trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Nhưng để chấm công bằng và cho điểm xứng đáng với những bài viết có quan điểm riêng, lập luận chặt chẽ thì “nhân sinh quan” của người chấm cũng phải rộng mở hơn. Nhưng tôi gặp những giám khảo chấm vòng 1 có quan điểm “đóng” nên cho điểm khắt khe với một bài viết tôi cho là tốt. Khi thống nhất giữa hai vòng chấm, chúng tôi cũng có bất đồng”.

Cô H., một giám khảo khác cũng ở Hà Nội, thì nói chấm câu hỏi mở là điều lo lắng với nhiều giám khảo. Cũng vì thế mà những năm gần đây, hướng dẫn chấm thường cụ thể để tránh tranh cãi.

Nhưng điều này cũng có những bất cập khi nhiều giám khảo chỉ cần “bắt được từ khóa”, có nghĩa bài viết của thí sinh chạm được vào ý trong hướng dẫn chấm, là cho điểm. Họ không xem xét việc diễn đạt, sự chuẩn chỉ về câu cú, ngữ pháp, cách lập luận.

Cách chấm “thoáng” như thế nâng điểm môn văn lên khá nhiều. Trong khi cũng hướng dẫn đó, giám khảo khác nếu xem xét cả cách trình bày, lập luận của thí sinh thì lại không cho điểm tối đa, dù thí sinh “chạm” đến tất cả các ý trong hướng dẫn chấm.

“Có năm, tôi nhớ đề thi có câu nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về em học sinh thiệt mạng vì cứu bạn bị đuối nước. Sự việc đó vừa mới xảy ra trước kỳ thi không lâu. Bài viết của thí sinh làm tôi rất xúc động. Tôi đã ngồi khóc rất lâu khi đọc bài đó mà không thể chấm tiếp bài khác được.

Khi đề xuất một cách giúp đỡ gia đình bạn học sinh đó, thí sinh viết bài đã đưa ra một ý “chẳng giống ai” là “gia đình 5 bạn học sinh được cứu phải góp tiền lo cho bố mẹ bạn học sinh đã thiệt mạng”. Tôi đã cho bài viết điểm tối đa dù câu cú chưa chuẩn chỉ, vì bài viết đã lấy cảm xúc của tôi. Tôi biết đã có chút chưa tỉnh táo, khách quan nhưng có lẽ tôi không phải trường hợp hi hữu bị bài viết của thí sinh “hút hồn” như thế” – một giáo viên chuyên chấm thi môn văn kể lại.

Cần chọn giám khảo

“Tôi không dám coi thường đồng nghiệp nhưng về mặt nguyên tắc, giám khảo chấm thi THPT phải là giáo viên có dạy lớp 12; giám khảo chấm thi tuyển sinh lớp 10 phải là giáo viên đã dạy lớp 9. Họ đã và đang dạy thì họ mới sâu sát, am hiểu và chấm bài chính xác được.

Thế nhưng, trên thực tế nhiều địa phương lấy lý do thiếu nhân lực nên huy động giám khảo tràn lan. Có địa phương thì cứ yêu cầu về số lượng giám khảo, còn việc cử đối tượng nào đi chấm thi là do ban giám hiệu nhà trường. Thế mới có tình trạng giám khảo chấm thi THPT nhưng chưa bao giờ dạy lớp 12. Hậu quả là họ chấm bài một cách máy móc: thí sinh viết giống như đáp án của Bộ GD-ĐT thì có điểm và ngược lại” – cô Q.H., giáo viên môn văn ở TP.HCM, nhận định.

Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thì cho rằng giám khảo chấm văn vừa cần sự tỉnh táo nhất định nhưng cũng cần cái tâm để đọc kỹ, “ghi điểm” cho những phần viết tuy chưa đầy đủ, tròn trịa như hướng dẫn chấm nhưng có cảm xúc, có ý tứ và có dấu ấn riêng. Những bài viết giàu cảm xúc, chân thành được đánh giá cao thì mới tác động tích cực vào học sinh, hạn chế tình trạng sao chép văn mẫu.

Để không còn “chấm lỏng, chấm chặt”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc “chấm lỏng, chấm chặt” môn văn, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT – cho rằng trong các hội đồng chấm thi thường tổ chức chấm chung một số bài để có định hướng chấm. Những bài viết đặc biệt ở câu hỏi mở có thể đưa ra thảo luận, chấm chung, đối thoại giữa các giám khảo. Nếu làm được điều đó sẽ không dẫn tới nơi này quá chặt, nơi kia quá lỏng.

Công bố đáp án thi môn văn

Ngày 29-6, Bộ GD-ĐT công bố đáp án môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Năm ngoái, đáp án được bộ công bố ngay khi ngày thi cuối cùng vừa xong. Trước đó, khi kỳ thi đang diễn ra, ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT – cho biết Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia ngay khi kỳ thi kết thúc như mọi năm. Lý do, theo ông Trinh, là để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian chấm thi.