Điểm thi từ 9 thành 0: Phần mềm chấm thi lỗi?

0
1216

Điểm thi của thí sinh từ 9 điểm thành 0 điểm đang khiến dư luận nghi ngờ ngoài trách nhiệm của đơn vị chấm thi còn liên quan đến phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT. Điều này chỉ những người làm trực tiếp mới có thể hiểu được như thế nào.

Một cán bộ làm công tác chấm thi trắc nghiệm đến từ trường ĐH tại khu vực phía Bắc cho biết sự việc thí sinh bị điểm 0 oan trong bài thi trắc nghiệm nếu chỉ đỗ lỗi cho mình thí sinh là không chính xác, thiếu công bằng. Nguyên nhân của vụ việc này nếu chưa được các đơn vị chức năng xác định rõ thì không thể đưa ra kết luận vội vàng.

Đứng dưới góc độ người chấm thi, vị cán bộ này đưa ra một số vấn đề mà bản thân mình đã trải qua khi chấm thi trắc nghiệm.

Theo vị cán bộ này, bước đầu tiên khi chấm thi trắc nghiệm là quét bài thi. Khi thực hiện công đoạn này, tại ban chấm thi của vị cán bộ này, phần mềm không báo lỗi, tất cả đều ổn. Thế nhưng khi bước sang công đoạn chấm thì phần mềm báo lỗi hàng loạt mà cán bộ chấm thi không hiểu tại sao.

Tìm hiểu ra mới thấy, phần mềm nhận dạng sai định vị chấm. Các bài thi bị xô lệch nên phần mềm báo lỗi. “Lẽ ban đầu khi quét, phần mềm phải báo phiếu nào bị lệch định dạng, phiếu nào bị xô lệch để cán bộ chấm thi còn biết. Nhưng phần mềm không báo, máy nhận hết. Quan trọng là các bước này không thể lùi được. Lùi lại phải báo cáo Bộ GD&ĐT. Nên các trường rất ngại lùi. Nên các cán bộ chấm thi trắc nghiệm trường tôi phải soát xét từng tí một” – vị này cho hay.

Ví dụ điển hình nhất mà vị này đưa ra đó là trong một lô chấm là phòng thi của thí sinh thi môn ngoại ngữ tiếng Nga. Có 20 thí sinh thì máy báo có tới 16 thí sinh sai số báo danh. Cả ban chấm thi đều băn khoăn.

Vì những thí sinh thi môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh thường phải là thí sinh đến từ trường chuyên. Những em này không thể sai những lỗi đơn giản như thế. Khi đưa các bài này ra soát xét mới biết là phần mềm nhận dạng sai. Số báo danh của thí sinh có 6 số nhưng phần mềm không nhận dạng đủ.

Nhưng phần số báo danh định dạng sai còn sửa được. Vì đây là lỗi bắt buộc phải sửa.

Phần trả lời của thí sinh cũng tương tự như vậy. Nên cán bộ chấm thi phải soát xét chấm từng lỗi nhỏ mới không xẩy ra sai sót. Còn nếu cán bộ chấm bỏ qua các lỗi thì sẽ xẩy ra chuyện đáng tiếc như Tây Ninh.

Một vấn đề thứ hai mà vị cán bộ chấm thi này đưa ra đó là phần mềm không phân biệt cho ban chấm thi cụ thể thí sinh tự do và thí sinh năm nay mới thi. Phiếu trả lời là 120 phương án, thí sinh tự do có thể chỉ tô 40 – 80 đáp án là cùng còn lại 40 – 80 bỏ trắng. Máy lại cho rằng đó là lỗi. Trong khi đó, máy sẽ cảnh báo các dạng như: bài hơn 1 lỗi, bài nhiều hơn 5 lỗi, bài hơn 10 lỗi.

Chính vì vậy ở tại ban chấm thi trắc nghiệm của vị cán bộ này, khi soát xét xong có tời hơn 8000 bài của tổ hợp khoa học tự nhiên bị bắt lỗi. Đến khi đối sánh mới thấy lỗi chủ yếu do thí sinh tự do chỉ thi một hoặc hai bài trong đề thi tổ hợp.

Theo nhận định của vị cán bộ này thì khâu báo lỗi của phần mềm chưa báo được cho ban chấm lỗi nào là chủ quan, lỗi nào là khách quan.

Quan trọng hơn là khâu cuối cùng, ban chấm thi không được thống kê kết quả do tính bảo mật của phần mềm. Nếu thống kê thì sẽ biết được điểm 0 và điểm 10. Điểm rơi chóp trên và chóp dưới đều có điều gì đó để nói đối với những người làm công tác thi.

Cũng chính vì yêu cầu bảo mật này mà ban chấm thi của Tây Ninh nói riêng và của tất cả 62 tỉnh thành còn lại đều không biết được có bao nhiêu điểm 0, có bao nhiêu điểm 10 để biết được những bất thường để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trước khi công bố điểm.

Thiết nghĩ, sự việc từ điểm 9 thành điểm 0 Bộ GD&ĐT cần có cách đánh giá, xem xét trách nhiệm từ nhiều phía trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Không thể tin tưởng hoàn toàn vào máy móc để làm mất quyền lợi thậm chí là cơ hội của thí sinh. Đó là điều tối kỵ.