Ngành trí tuệ nhân tạo: Vừa khai sinh đã lên hàng ‘top’

0
1441
Theo PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của trường mới mở năm nay nhưng đã lên “top” với điểm chuẩn 27 – 28 điểm.
PGS Tạ Hải Tùng (ngoài cùng bìa phải) chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo /// Ảnh Quý Hiên

PGS Tạ Hải Tùng (ngoài cùng bìa phải) chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo

Ảnh Quý Hiên
Hôm nay, 31.7, trong cuộc họp báo giới thiệu sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) được tổ chức vào trung tuần tháng 8 tới tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), chia sẻ một số thông tin đầy hứa hẹn về nhu cầu nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, trí tuệ nhân tạo (AI) là một ngành mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà với cả thế giới. Trước đây, lĩnh vực này nằm trong ngành khoa học máy tính, nhưng giờ đã được tách riêng thành ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Điều đáng mừng là các trường, viện có đào tạo công nghệ thông tin của Việt Nam sớm nắm bắt được xu hướng này nên đã chuẩn bị cho đào tạo nhân lực phục vụ ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
“Năm nay, lần đầu tiên, Trường đại học Bách khoa Hà Nội mở mã ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (ở trình độ đại học). Vì hướng tới đào tạo tinh hoa nên trường thiết kế chương trình chất lượng cao và lập tức mã ngành này đã trở thành một trong những mã ngành hot nhất của trường. Chỉ tiêu chỉ 40 em, nhưng đã có tới 900 hồ sơ. Dự kiến điểm chuẩn của mã ngành này có thể lên đến 27 – 28 điểm”, PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ.
PGS Tạ Hải Tùng cho biết, ngoài Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đã có một số trường đại học đào tạo ngành này ở trình độ đại học, trình độ thạc sĩ cũng có vài nơi đào tạo từ mấy năm nay. “Viện Toán học Việt Nam (một đơn vị vốn có tiếng về đào tạo sau đại học thiên về hướng hàn lâm – phóng viên), cũng vừa mở chương trình đào tạo thạc sĩ toán ứng dụng, mà đầu ra là hướng tới cung cấp nguồn nhân lực tinh hoa cho các đơn vị chuyên nghiên cứu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Từ năm nay, chương trình này còn được Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinIBD cam kết tài trợ, cấp học bổng cho các học viên xuất sắc. Như vậy là các đơn vị đào tạo của chúng ta rất nhanh nhạy, kịp nhận thấy mà đón bắt xu hướng phát triển của lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo”.
Về triển vọng việc làm của người học tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ở các trình độ đại học, sau đại học, PGS Tạ Hải Tùng dẫn chứng: “Vừa rồi, một công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản đã đến viện chúng tôi để tuyển dụng kỹ sư làm việc ở khâu vận hành mạng lưới điện thông minh. Ban đầu họ chỉ định tuyển 2 kỹ sư, nhưng sau đó họ đã quyết định tuyển 12 người với mức lương khá bất ngờ với tất cả chúng tôi: 6.000 USD/ tháng. Thường thường, kỹ sư chương trình công nghệ thông tin Việt – Nhật của chúng tôi được tuyển đi Nhật lương cũng chỉ 2.500 – 3.000 USD/ tháng. Đó được xem là mức lương đủ sống và có tích lũy ở môi trường sống đắt đỏ như ở Nhật. Nên qua mức lương 6.000 USD, cho thấy thị trường lao động Nhật “khát” nhân lực trí tuệ nhân tạo như thế nào!”.
PGS Tạ Hải Tùng nhận định: “Việt Nam là nước mà người dân yêu thích việc con em mình học giỏi toán, coi trọng việc học toán trong nhà trường phổ thông. Đây là thế mạnh để phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo. Vì muốn có tư duy trong phát triển công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng thì phải hình thành được tư duy logic, cần đến kỹ năng kiến thức về toán, đặc biệt là các loại hình toán ứng dụng như xác suất thống kê, hoặc các phân tích”.
Trong Ngày hội Trí tuệ nhân tạo tới đây (15 – 16.8) tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì tổ chức, sẽ có một phiên tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Tại tọa đàm, các đơn vị tuyển dụng lớn sẽ chia sẻ các thông tin mô tả một cách cụ thể, chi tiết về trạng thái “khát” nhân lực trong lĩnh vực này ra sao, từ đó các bên liên quan sẽ bàn thảo về việc kết nối các trường, viện với các doanh nghiệp thế nào, để cùng nhau đào tạo nhân lực chất lượng cao, cho thị trường lao động mang tính toàn cầu chứ không chỉ cung ứng trong nước.